Khó khăn bủa vây người trồng tiêu

Nông dân các tỉnh Tây Nguyên đang bước vào cao điểm thu hoạch tiêu niên vụ 2018-2019. Năm nay, giá tiêu hạt sụt giảm ở mức thấp nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Trong khi đó, giá thuê nhân công thu hoạch tiêu và phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu... vẫn ở mức cao.

Nông dân huyện Đác Song (Đác Nông) thu hoạch tiêu niên vụ 2018-2019 nhưng không mấy phấn khởi vì giá tiêu hạt giảm mạnh.
Nông dân huyện Đác Song (Đác Nông) thu hoạch tiêu niên vụ 2018-2019 nhưng không mấy phấn khởi vì giá tiêu hạt giảm mạnh.

Giá tiêu thấp kỷ lục

Không khí ở các vùng quê huyện Cư M’gar, tỉnh Đác Lắc khá ảm đạm so những năm trước đây. Anh Nguyễn Văn Nam ở thôn 3, xã Quảng Hiệp cho biết: Gia đình tôi có 1,5 ha đất trồng cà-phê xen hồ tiêu với tổng số hơn 1.300 trụ, trong đó có hơn 900 trụ đang trong giai đoạn kinh doanh, số còn lại mới trồng được năm thứ hai. Hai năm nay, giá tiêu hạt luôn tuột dốc và hiện chỉ còn khoảng 43.000 đồng/kg khiến người trồng tiêu lỗ nặng. Chính vì thế khâu thu hoạch chủ yếu là các thành viên trong gia đình đảm nhiệm, vì nếu thuê nhân công, cộng chi phí đầu tư sẽ lỗ nặng.

Không chỉ ở Đác Lắc, ở tỉnh Đác Nông và Gia Lai, những năm trước đây khi giá tiêu hạt ở mức cao ngất ngưởng, nhiều nông dân chỉ sau một hai vụ thu hoạch đã trở thành tỷ phú, xây dựng nhà cửa khang trang, thậm chí mua cả xe ô-tô để đi rẫy. Thế nhưng, hai năm gần đây, người trồng tiêu đều lâm vào cảnh khó khăn chồng chất. Gia đình ông Lê Văn Nam ở tại xã Nâm N’jang, huyện Đác Song, địa phương có diện tích, sản lượng tiêu vào loại cao nhất tỉnh Đác Nông cho biết, gia đình trồng được khoảng 2.500 trụ tiêu đang cho thu hoạch ổn định. Các năm trước đều thu được khoảng tám tấn tiêu hạt nhưng năm nay sản lượng sụt giảm chỉ còn năm tấn. Nguyên nhân do là thời tiết bất thường, mưa nhiều vào thời điểm cây tiêu ra hoa nên sản lượng giảm mạnh.

Huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai từng được mệnh danh là “thủ phủ” hồ tiêu của Tây Nguyên thì nay đã biến thành những vườn hoang giữa vùng đất đỏ. Giá tiêu sụt giảm chạm đáy khiến đời sống của người trồng tiêu lao vào bế tắc, ngập trong nợ nần. Với hơn 3.000 trụ tiêu, năm nay gia đình ông Phạm Văn Hưng trú ở thôn Hố Lao, xã Chư Pơng, huyện Chư Sê chỉ còn hơn 1.000 trụ có thể cho thu hoạch, còn lại đã chết khô. Ông Hưng than thở: “Tưởng rằng diện tích còn lại sẽ vớt vát được chút ít để trang trải một phần chi phí nhưng năng suất vụ tiêu năm nay cũng giảm mạnh khiến cuộc sống gia đình càng thêm khó khăn”.

Hướng tới phát triển bền vững

Theo các chuyên gia trong ngành nông nghiệp, giá tiêu hạt giảm mạnh những năm gần đây là do trên thị trường thế giới cung đã vượt cầu nên tiêu Việt Nam xuất khẩu bị ép giá. Bên cạnh đó, từ năm 2015 trở về trước, do giá tiêu ở mức cao, có thời điểm trên 200.000 đồng/kg khiến người nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên ồ ạt đầu tư trồng tiêu khiến diện tích cây tiêu tăng trưởng quá nóng, vượt xa so quy hoạch.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên, hiện nay tổng diện tích hồ tiêu toàn vùng trên dưới 90.000 ha; trong đó Đác Lắc là địa phương có diện tích tiêu nhiều nhất với hơn 42.560 ha, vượt quy hoạch đến năm 2020 khoảng 20.000 ha. Kế đến là tỉnh Đác Nông với diện tích gần 35.000 ha hồ tiêu, vượt xa quy hoạch...

Theo TS Trương Hồng Quyền, Viện trưởng Khoa học kỹ thuật nông-lâm nghiệp Tây Nguyên, do đặc thù hồ tiêu thuộc ngành gia vị nên chỉ khi người nông dân sản xuất tiêu sạch theo hướng canh tác hữu cơ hoặc đáp ứng chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) thì hồ tiêu Việt Nam mới có thể đứng vững và vươn ra thế giới. Khi có thị trường ổn định thì giá cả hồ tiêu Việt Nam sẽ có giá bán tốt hơn so hiện nay. Đặc biệt trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động như hiện nay, ngoài việc khuyến cáo người dân nên ngưng trồng mới hồ tiêu, thay vào đó là thay đổi thói quen canh tác, tập trung chăm sóc vườn tiêu hiện có theo hướng bền vững, hạn chế tối đa việc sử dụng các loại thuốc hóa học để phòng trừ sâu bệnh, không để dư lượng trong hạt tiêu. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào canh tác hồ tiêu theo hướng hữu cơ để phát triển bền vững.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai Nguyễn Văn Hợp chia sẻ: Hiện nay, diện tích cây tiêu bị chết nhiều, giá lại rớt mạnh nên nông dân không còn độc canh mà trồng xen các loại cây khác như cà-phê, cao-su và cây ăn quả. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo bà con nông dân nên chọn những cây giống bảo đảm chất lượng, không bị nhiễm bệnh. Đối với những vùng đất có tiêu chết do nhiễm bệnh gây ra thì nên chuyển đổi cơ cấu cây trồng…