Báu vật tinh thần
Những ngày cuối năm 2022, đầu năm 2023 nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi được chứng kiến triển lãm phục chế sắc phong, bằng cấp được Thư viện tổng hợp Thừa Thiên Huế trưng bày. Trong hơn 10 năm, cán bộ thư viện đã phối hợp với nhiều đơn vị, chuyên gia lặn lội khảo sát, sưu tầm, số hóa gần 418 nghìn trang tư liệu Hán Nôm, gồm sắc phong, chế phong, chiếu chỉ, bằng cấp, gia phả, văn thư - đơn từ, địa bạ, hương ước, văn cúng... Những tư liệu Hán Nôm ấy không chỉ có giá trị về mặt lịch sử mà phản ánh được rất nhiều vấn đề của thế hệ cha ông.
Bà Hoàng Thị Kim Oanh, Giám đốc Thư viện tổng hợp Thừa Thiên Huế cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh các thể loại tư liệu Hán Nôm đang còn nằm rải rác trong dân, trong đó có các gia đình hoàng tộc triều Nguyễn. Ngoài một số bị thất lạc, hư hỏng do chiến tranh, thiên tai hoặc bị mối mọt hủy hoại. Phần lớn các loại hình tư liệu này được người dân cũng như các dòng họ, tư gia, phủ đệ, tôn giáo, tín ngưỡng hết sức coi trọng, xem đó như là báu vật tinh thần và được bảo quản hết sức tôn nghiêm và cẩn trọng.
Theo bà Oanh, 418 nghìn trang tư liệu Hán Nôm đã số hóa trong hơn 10 năm qua được sưu tầm ở 187 làng, 923 họ tộc và 18 phủ đệ, tư gia trên địa bàn tỉnh. Tài liệu được sưu tầm đều là văn bản gốc, khá đầy đủ và đa dạng các loại hình. Các văn bản được thể hiện trên nhiều chất liệu khác nhau với nội dung phong phú và có giá trị trên nhiều lĩnh vực như văn bản học, lịch sử - văn hóa, tư tưởng và phong tục tập quán.
Tư liệu Hán Nôm được trưng bày tại triển lãm. |
Quảng bá những đặc sắc riêng có
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin Thừa Thiên Huế) cho rằng, những tài liệu này đã cung cấp nhiều dữ liệu có giá trị khoa học, giúp chúng ta hiểu sâu hơn về vùng đất Thừa Thiên Huế và đóng góp vào việc nghiên cứu Việt Nam trong thời kỳ trung đại. “Các loại tài liệu được sưu tầm số hóa cũng cung cấp thêm những dữ liệu về họa tiết, hoa văn, kiểu chữ, con dấu phản ánh một số chi tiết liên quan đến văn bản pháp quy của triều đình, phủ huyện, làng xã đến các nhân vật lịch sử”, ông Hoa nói.
Từ những tài liệu Hán Nôm sưu tầm, số hóa được, Thư viện tổng hợp Thừa Thiên Huế đã tuyển dịch và xuất bản một số ấn phẩm được giới nghiên cứu và độc giả đánh giá cao như “Sắc phong, chiếu thời Nguyễn tại tỉnh Thừa Thiên Huế” (2020), “Bằng cấp quan chức triều Nguyễn tại tỉnh Thừa Thiên Huế (2021) và “Văn thư - Đơn từ Hán Nôm các làng tại tỉnh Thừa Thiên Huế” (2022).
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế nói rằng, xứ Thuận Hóa nói chung, Cố đô Huế nói riêng được xem là vùng đất “phên dậu” của Đại Việt từ thời Lý, Trần, Hồ, Lê, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, rồi kinh đô của hai vương triều Tây Sơn và triều Nguyễn. Bởi vậy, xứ sở này đã có sự giao thoa, hội tụ và lan tỏa nhiều giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng độc đáo. Trong đó, di sản Hán Nôm là nguồn di sản đặc trưng của mảnh đất xứ thần kinh.
Vì thế theo ông Hải, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến di sản Hán Nôm một cách thường xuyên và rộng rãi thông qua các hoạt động tổ chức trưng bày, triển lãm tại các kỳ lễ hội truyền thống, festival, hội nghị, hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế. Bên cạnh đó, cần tuyển chọn đưa vào trường học những di sản Hán Nôm tiêu biểu, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao nhận thức trong thế hệ trẻ về ý thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.