Hành trình xác định danh tính liệt sĩ

Tròn một năm từ ngày Đại tá Thomas M.Stevenson - Tùy viên quân sự Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội ký văn bản xác nhận về các tư liệu liên quan đến quân nhân Đặng Thành Tuấn, quê quán Ân Đức, Hoài Ân, Bình Định, mà quân đội Mỹ thu được trong trận càn Gian-xơn City. Thật hạnh phúc khi vào những ngày tháng 7 này, gia đình em trai quân nhân là ông Đặng Thành Biên đã nhận được thông tin từ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh về việc hoàn tất thủ tục để trình các cấp “báo tử” cho quân nhân Đặng Thành Tuấn…

Ông Đặng Thành Biên xem các tài liệu về anh trai.
Ông Đặng Thành Biên xem các tài liệu về anh trai.

Hơn 50 năm “vô hình”

Chúng tôi không khỏi bất ngờ trước những kỷ vật của người đã khuất được gia đình lưu giữ cẩn thận. Năm 1954, thời điểm Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Đặng Thành Tuấn vừa bước sang tuổi 14, rời quê nhà Hoài Ân, theo cô ruột là Đặng Thị Chuốt lên tàu biển tập kết ra bắc. Hai năm sau, ngày con trai ra bắc, ông Đặng Thành Tân bị giặc sát hại khi đang là Huyện ủy viên Hoài Ân - Bình Định. 

Ở miền bắc, Đặng Thành Tuấn học tại Trường học sinh miền nam ở Gia Lâm - Hà Nội. Đến năm 1964, ông là sinh viên Trường kế toán tại Thái Nguyên. Biết tin cha hy sinh và có lệnh tổng động viên, ông Tuấn đăng ký nhưng bị từ chối vì thuộc diện con em cán bộ miền nam tập kết ra bắc và có cha là liệt sĩ. Ông đã lấy máu viết “Quyết tâm thư” gửi lãnh đạo Ban tuyển quân. Sau nhiều lần gửi đơn, cuối cùng tổ chức cũng đồng ý… Đó cũng là những thông tin cuối cùng gia đình có được về Đặng Thành Tuấn.

Giữa năm 1965, ông nhập ngũ, được biên chế vào Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, đơn vị 1360 thuộc Bộ Tư lệnh pháo binh (theo văn bản trả lời của Bộ Tư lệnh pháo binh thì đơn vị này  chính là Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 208 pháo binh thuộc Bộ Tư lệnh pháo binh). Đầu năm 1966, ông Tuấn theo đơn vị hành quân vào nam. Đơn vị có gửi một số giấy tờ về cho gia đình bà Đặng Thị Chuốt, là người cô ruột sinh sống tại miền bắc.

Chiến tranh kết thúc, đồng đội ông Đặng Thành Tuấn người mất, người còn nhưng ai cũng có thông tin. Riêng ông Tuấn thì gia đình không nhận được bất kỳ tin tức gì, cũng không có một giấy tờ nào từ phía quân đội xác nhận thông tin về ông cả. Ông Đặng Thành Biên cho biết: “Theo tìm hiểu của tôi thì sau năm 1975, những người hy sinh mà đơn vị chưa báo tử thì địa phương tự báo tử. Anh tôi nhập ngũ từ miền bắc, nếu đúng thì phải có giấy báo tử về, nhưng không có. Gia đình tôi ở Bình Định cũng chẳng nhận được gì, vì vậy chúng tôi cứ hy vọng anh còn sống. Nhưng cuộc chờ đợi kéo dài đến gần nửa thế kỷ mà chẳng thấy anh về…”.

Bố hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, bản thân tham gia hoạt động cách mạng tại quê nhà, anh trai tham gia kháng chiến chống Mỹ không có tin tức gì nên gia đình ông Biên không cam tâm. “Nhiều năm qua, gia đình tôi đã làm đơn gửi rất nhiều cơ quan chức năng, các đơn vị như: Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng), Quân khu 7, Thanh tra Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh pháo binh, Sư đoàn 5, Lữ đoàn pháo binh 75 (Quân khu 7)…, nhưng đều được trả lời là không có thông tin về trường hợp hy sinh của anh Đặng Thành Tuấn”, ông Biên tâm sự.

Hai bản danh sách đặc biệt

Niềm tin của ông Biên đã được đền đáp sau hơn 50 năm anh trai ra đi. 

Tháng 11/2018, với sự hỗ trợ của một số tình nguyện viên trẻ trên nhiều vùng miền đất nước, gia đình ông Biên đã tìm thấy bản Danh sách báo tử 59 liệt sĩ thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 724 pháo binh, hy sinh năm 1966, do phía Mỹ thu giữ, hiện đang lưu bản chụp tại website Đại học Kỹ thuật Texas (Mỹ). “Danh sách này ở trong bản báo cáo của Quân đội Hoa Kỳ về việc thu giữ tài liệu của Quân đội nhân dân Việt Nam tại trận càn Gian-xơn City II ở Tây Ninh ngày 24/3/1967. Anh trai tôi có vị trí thứ 17 với đầy đủ các thông tin về tên tuổi, quê quán và thân nhân, nơi hy sinh và lý do hy sinh. Kèm theo báo cáo của phía Mỹ là bản dịch sang tiếng Anh danh sách 59 liệt sĩ cùng bản chụp 15 giấy báo tử bộ đội Việt Nam khác bằng tiếng Việt”, ông Đặng Thành Biên chia sẻ.

Cũng theo bản báo cáo thì địa điểm hy sinh của các quân nhân là các trạm giao liên trên tuyến đường chi viện Trường Sơn từ miền bắc vào miền Đông Nam Bộ trong khoảng thời gian từ ngày 8/6 đến 17/12/1966. Cuối danh sách có thông tin ngày lập là 6/1/1967 do đồng chí Đỗ Thịnh - Thôn trưởng 2 ký, cột bên cạnh ghi Thủ trưởng quân sự Nguyễn Hợp. 

Tiếp tục tìm kiếm tại website Đại học Kỹ thuật Texas, chúng tôi tìm thấy một bản báo cáo khác do Đại đội C, Tiểu đoàn 1 Hoàng gia Úc thu giữ ngày 11/12/1968 của Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 724 pháo binh tại Bà Rịa. Bản danh sách gồm 94 trang và trong trang 21 có Bảng số thứ tự 11 là thông tin của liệt sĩ Đặng Thành Tuấn với các thông tin cá nhân, quê quán, đơn vị khớp với tư liệu của ông Đặng Thành Tuấn mà gia đình ông Biên đang tìm kiếm.  

Đối chiếu các thông tin từ hai bản báo cáo lưu tại Đại học Kỹ thuật Texas có thể kết luận, ông Đặng Thành Tuấn, sinh năm 1941 ở Hoài Ân, Hoài Nhơn, Bình Định thuộc quân số của Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 724 Pháo binh. 

Ngoài ra, trong cuốn sách “Trung đoàn pháo hỏa tiễn 724 anh hùng” do Hội Cựu chiến binh tỉnh Đồng Nai xuất bản, chúng tôi tìm thấy thông tin của Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 là đồng chí Nguyễn Hợp và Chính trị viên là Đỗ Thịnh. Các thông tin này hoàn toàn khớp với tên hai thủ trưởng đơn vị ghi ở cuối bản danh sách báo tử 59 liệt sĩ Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 724 mà quân đội Mỹ thu giữ tháng 3/1967 ở Tây Ninh. Cũng từ cuốn sách cho thấy, ngày 5 và 6/8/1966, Đoàn 724A (gồm Tiểu đoàn 1 và Ban chỉ huy Trung đoàn), đoàn 724B hành quân đến khu vực giữa trạm 9 và trạm 10 thuộc tỉnh Gia Lai, đã bị địch ném bom gây thương vong và tổn thất lớn, cuộc hành quân phải tạm dừng để giải quyết hậu quả. Thông tin này gần sát với nội dung bản báo cáo của Mỹ và qua đó cho thấy, ông Đặng Thành Tuấn hy sinh ngày 8/8/1966 tại T10 (T10 là Trạm 10 - PV chú thích dựa trên các tư liệu về đơn vị trong chiến tranh) trong danh sách 59 liệt sĩ.

Hành trình xác định danh tính liệt sĩ -0
Danh sách báo tử 59 liệt sĩ Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 724 pháo binh hy sinh do quân Mỹ thu giữ ngày 24/3/1967 tại Tây Ninh. 

Gian nan hành trình chứng nhận liệt sĩ

Từ các phiên hiệu đơn vị cùng với sự trợ giúp của các tình nguyện viên, gia đình ông Biên đã tìm được cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Minh Cầm (là liên lạc của Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 724), CCB Nguyễn Ngọc Châu (nguyên Đại đội phó Đại đội 4, Tiểu đoàn 2), CCB Đồng Minh Chất (chiến sĩ Đại đội 4). Các CCB đều khẳng định thông tin về quân nhân Đặng Thành Tuấn với việc dùng máu viết quyết tâm thư xin nhập ngũ. CCB Nguyễn Minh Cầm cho biết: “Trong đơn vị ai cũng biết đến trường hợp anh Đặng Thành Tuấn bởi anh là liệt sĩ duy nhất người miền nam tập kết ra bắc và hy sinh trên đường vào nam chiến đấu. Tôi rất bất ngờ khi đến nay anh Đặng Thành Tuấn chưa được công nhận liệt sĩ”.

Để có những bằng chứng xác thực về quân nhân Đặng Thành Tuấn, ngày 27/2/2020, ông Đặng Thành Biên đã có đơn gửi tới Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội đề nghị giúp đỡ kiểm tra thông tin từ các văn bản do quân đội Mỹ thu giữ trong chiến tranh hiện đang lưu bản chụp tại website Đại học Kỹ thuật Texas. 

Sau hơn 5 tháng, Đại sứ quán Hoa Kỳ xác minh thông tin từ Đại học Kỹ thuật Texas, Đại học Harvard, Trung tâm Lịch sử quân sự Hoa Kỳ, Cục Văn thư lưu trữ Hoa Kỳ, đến ngày 20/7/2020, Văn phòng Tùy viên Quốc phòng Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã có văn bản xác thực những thông tin trong tài liệu trên được thu giữ trong cuộc chiến tranh Việt Nam với những vị trí tọa độ cụ thể. Văn bản do Đại tá Thomas M.Stevenson ký và được đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội trao cho gia đình ông Phan Kế Bính (là em rể họ ông Đặng Thành Tuấn). Hiện tại, bản xác nhận của Đại sứ quán Hoa Kỳ đã được chuyển tới tận tay gia đình ông Đặng Thành Biên tại Bình Định và được gia đình làm thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự. 

Ngày 28/5/2021, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã chứng nhận chữ ký của Đại tá Thomas M.Stevenson - Tùy viên quốc phòng và con dấu của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội trong văn bản xác nhận ngày 20/7/2020. Toàn bộ tài liệu liên quan đến ông Đặng Thành Tuấn do phía Đại sứ quán Hoa Kỳ xác nhận đã được ông Đặng Thành Biên gửi tới Ban Chính sách, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định.

Thông tin mới nhất chúng tôi nhận được là hồ sơ của quân nhân Đặng Thành Tuấn đã được cơ quan quân sự tỉnh Bình Định thẩm định có đầy đủ tính pháp lý và chuyển lên cấp trên để xét duyệt công nhận liệt sĩ.

Hơn 50 năm kể từ ngày chàng thanh niên Đặng Thành Tuấn dùng máu viết Quyết tâm thư xin được vào nam chiến đấu, cũng bằng ấy thời gian người thân đợi chờ để ông được “Tổ quốc ghi công”. Ông Đặng Thành Biên ngậm ngùi chia sẻ: “Theo các thông tin gia đình nắm được, anh tôi hy sinh ngày 8/8/1966, tôi hy vọng gia đình sẽ được cầm giấy báo tử và bằng Tổ quốc ghi công của anh đúng ngày 8/8 này, đó sẽ là món quà ý nghĩa nhất trong dịp tháng 7 nghĩa tình”.