Hành trình không mệt mỏi của người con liệt sĩ

Anh Lê Quang Vinh giở những bức thư của liệt sĩ Lê Quang Tặc gửi về cho vợ từ những năm 60 của thế kỷ trước. Đó là tất cả những gì còn lại của người bố mà anh chưa một lần được gặp trong đời. Hàng chục năm anh lặn lội khắp chiến trường miền Đông Nam Bộ xưa và nước bạn Campuchia để tìm bố…
0:00 / 0:00
0:00
Lê Quang Vinh và mẹ tìm hiểu các thông tin về liệt sĩ.
Lê Quang Vinh và mẹ tìm hiểu các thông tin về liệt sĩ.

Mênh mang hành trình tìm bố

Ngày anh còn nhỏ, gia đình sống ở một ngôi làng nhỏ tỉnh Hà Tây trước kia. Nỗi đau của mẹ anh cứ ám ảnh suốt nhiều năm, mỗi khi mở những bức thư cũ của chồng, bà lại khóc. Không muốn mẹ cứ ôm mãi những ký ức buồn đau nên khi trưởng thành, anh đưa mẹ lên thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ để sinh sống. Nơi ở mới cũng không giúp mẹ anh nguôi ngoai… “Con biết tìm bố ở đâu?”, ngồi nhìn tờ giấy báo tử với dòng chữ “hy sinh ở mặt trận phía Nam” và “an táng ở nghĩa trang gần mặt trận”, nước mắt anh cứ dâng trào.

Một ngày, người họ hàng xa đến chơi và bảo “Vinh ơi, bố mày hy sinh ở Campuchia, tao chỉ nhớ láng máng là bên kia biên giới một chút”. Nói rồi ông bảo anh tìm bản đồ Campuchia và khoanh vùng ở một địa điểm mà khi đối chiếu trên google map, anh thấy khu vực đó thuộc tỉnh Stung Treng, Vương quốc Campuchia. Anh lắc đầu: “Giấy báo tử ghi bố cháu hy sinh ở mặt trận phía Nam, cháu lấy gì làm căn cứ mà đi tìm hả chú?”. Người lính già khắc khổ bảo anh cứ đi sang bên kia đi…

Thi thoảng, những người hàng xóm nơi quê nhà lại đón một liệt sĩ trở về quê. Bà nội anh lại gọi điện lên cho anh và bảo “Vinh ơi, mày có thương mẹ mày không? Mày có thương bà không? Bà thấy mấy nhà đưa được liệt sĩ về rồi mà mày cứ mải làm ăn không đi tìm bố mày à?”. Câu nói của bà gợi trong anh nỗi đau cố nén. Rồi anh tìm đến các nhà ngoại cảm, đi hết nơi này đến nơi khác, hằng tháng trời để đi theo nhưng phần mộ bố anh nơi nào vẫn không ai biết. Người họ hàng xa lại tới nhà bảo “mày cứ nghe chú, sang Campuchia đi”. Cùng lúc này, anh tới Bộ Tư lệnh Thủ đô và xin được bản trích lục quân nhân. Thông qua trích lục, anh biết được bố hy sinh ở Viện K20 còn K20 nằm ở đâu thì trong trích lục không có thông tin. “Cán bộ chính sách nói với tôi rằng, đó có lẽ là phiên hiệu của một đơn vị trong chiến tranh”.

Nước mắt sau hành trình dài chờ đợi

Trải qua rất nhiều cuộc tìm kiếm, gặp gỡ hàng chục nhân chứng, anh Vinh được biết, Viện K20 đóng quân ở nhiều địa phương khác nhau nhưng thời điểm 1969-1970-1971 thì đóng ở huyện Siem Bouk, tỉnh Stung Treng, Vương quốc Campuchia. Anh quyết định sang đó tìm bố.

Đặt chân đến địa bàn huyện Siem Bouk, tỉnh Stung Treng, anh được biết có một đơn vị quân đội đang tìm liệt sĩ ở xã O Cha Long nên đã nhờ người dân địa phương dẫn đường. Khi đến nơi, thấy rất nhiều bộ đội Việt Nam, lúc này anh mới biết, Đội chuyên trách K52, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai đang tìm kiếm liệt sĩ. Đại tá Vũ Văn Sơn, Đội trưởng chuyên trách hỏi: “Các anh đi đâu mà vào tận đây?” - “Tôi đi tìm bố, bố tôi là Lê Quang Tặc, hy sinh ở Viện K20” - “Đội chuyên trách K52 cũng đang tìm kiếm các liệt sĩ Viện K20, nhân chứng dẫn đường và cho biết đây là nơi an táng các liệt sĩ của viện”. Nhân chứng mà đồng chí Sơn nói chính là cựu chiến binh (CCB) Phan Ngọc Huân, nguyên y tá của Viện K20.

Cuối cùng anh Vinh cũng đến được nơi bố hy sinh. Niềm vui tăng lên gấp bội. Anh ở lại ba ngày và chứng kiến rất nhiều liệt sĩ được tìm thấy nhưng tất cả đều không có giấy tờ chứng minh nhân thân. Những ngày ở đây, anh được biết, cựu chiến binh Phan Ngọc Huân đã nhiều ngày cất công theo Đội chuyên trách K52 sang nơi này để tìm kiếm và cất bốc liệt sĩ. Anh đã chia sẻ thông tin của bố với bác Huân rồi sau đó quay về Việt Nam.

Cũng nhờ CCB Phan Ngọc Huân, anh Vinh hiểu thêm về những ngày cuối cùng của bố và đồng đội. Thời điểm ấy, có hàng trăm bộ đội Việt Nam điều trị tại Viện K20 nhưng không qua khỏi, họ được an táng tại bốn phân viện của K20 trên đất bạn. Hai mùa khô 2009-2010 và 2010-2011, CCB Phan Ngọc Huân đã dẫn Đội chuyên trách K52 sang Stung Treng và quy tập được hơn 100 liệt sĩ, đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Ông Huân cũng nói thêm, số liệt sĩ đã quy tập còn rất ít so số quân nhân đã hy sinh. Thông tin của CCB Phan Ngọc Huân cũng khớp với danh sách 128 liệt sĩ hy sinh tại Viện K20 do Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị cung cấp cho anh Vinh. Vì vậy sau đó, anh đã thành lập Ban liên lạc (BLL) thân nhân liệt sĩ Viện K20 để việc tìm kiếm thân nhân được nhanh chóng và thuận lợi.

Các thành viên BLL chia nhau tìm kiếm thân nhân theo danh sách do Cục Chính sách cung cấp. BLL đã liên hệ được 58 thân nhân và hướng dẫn họ làm hồ sơ đề nghị Cục Người có công (Cục NCC), Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho phép lấy mẫu phẩm các liệt sĩ để đối chiếu thân nhân. Hơn 30 gia đình làm đơn, số còn lại mong muốn để người thân ở lại nghĩa trang liệt sĩ huyện Đức Cơ. Cùng với hồ sơ của hơn 30 gia đình liệt sĩ, giấy xác nhận của Đội Chuyên trách K52 gửi CCB Phan Ngọc Huân và các căn cứ xác thực về khu mộ liệt sĩ Viện K20 tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Đức Cơ, anh Lê Quang Vinh đã gửi hồ sơ đề nghị Cục NCC cho lấy mẫu phẩm các liệt sĩ để đối chiếu. Sau rất nhiều lần xác minh, với sự vào cuộc của các cơ quan thông tấn báo chí, các liệt sĩ Viện K20 đã được Cục NCC xác nhận đủ điều kiện để tổ chức lấy mẫu phẩm.

Ngày 4/1/2021, Cục NCC phối hợp Viện Pháp y quốc gia tổ chức lấy mẫu phẩm liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, có sự chứng kiến của các ban, ngành địa phương cùng với lực lượng công an, quân đội và dân quân tự vệ huyện Đức Cơ. Tất cả các ngôi mộ đưa về từ Stung Treng đều còn xương cốt, nhưng chỉ có 93 phần mộ có mẫu phẩm đáp ứng chất lượng để giám định ADN cho liệt sĩ. Các mẫu phẩm sau đó được đưa về lưu giữ tại Viện Pháp y quốc gia để đối chiếu với thân nhân.

Tháng 9/2022, 15 liệt sĩ đầu tiên trong số 93 mẫu phẩm lấy từ các phần mộ tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Đức Cơ đã xác định được danh tính. Dù chưa biết đó là người thân của gia đình nào nhưng khi nghe tin, các thân nhân vỡ òa cảm xúc. Với các thân nhân liệt sĩ Viện K20, gần 10 năm đồng hành cùng nhau, liệt sĩ nào cũng là người thân trong gia đình.

Ngoài các thân nhân liệt sĩ đã gửi mẫu phẩm về cho Cục NCC thì còn rất nhiều thân nhân vẫn chưa kết nối được. Để việc trả tên cho các liệt sĩ được thuận lợi, chúng tôi rất mong thân nhân các liệt sĩ danh sách do Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị cung cấp liên hệ với Cục NCC, Bộ LĐ-TB&XHđể cấp mẫu phẩm nhằm đối chiếu thông tin và sớm trả lại tên cho các liệt sĩ theo Đề án 515 của Thủ tướng Chính phủ. Các thân nhân có thể liên hệ với BLL thân nhân liệt sĩ Viện K20 qua các số điện thoại 0974.000.116 (Lê Quang Vinh), 0973.348.925 (Lê Anh) để được hỗ trợ các thủ tục cần thiết.

“Hành trình của tôi vẫn tiếp tục…”

Đó là câu nói đầu tiên của anh Lê Quang Vinh bảo với tôi khi nhận kết quả giám định ADN của 15 liệt sĩ do Viện Pháp y quốc gia thông báo.

Là một trong những người đầu tiên thực hiện hành trình tìm liệt sĩ của Viện K20, lặn lội tới các địa phương để tìm kiếm, thuyết phục các thân nhân làm đơn cấp mẫu phẩm…, anh Lê Quang Vinh không nén nổi cảm xúc khi các liệt sĩ được trả lại tên bằng giám định ADN. Nhưng cũng có một chút chạnh lòng bởi trong danh sách ấy, không có tên người bố thân yêu mà anh đã chờ đợi bao năm ròng. “Nếu bảo tôi không buồn là không đúng bởi hành trình của tôi đã kéo dài gần một thập kỷ, khi được lấy mẫu phẩm để giám định, tôi đã nghĩ rằng, bố sắp về với mẹ, thế nhưng kết quả lại không có tên của bố”, anh Vinh tâm sự.

Thực tế, cho đến thời điểm hiện tại, trong danh sách 128 liệt sĩ hy sinh tại Viện K20 mà Cục Chính sách cung cấp, chỉ mới gần 40 gia đình gửi hồ sơ cấp mẫu phẩm để đối chiếu. Điều đó đồng nghĩa là còn hơn 80 thân nhân chưa cấp mẫu. Trong đó, có nhiều gia đình chưa liên lạc được nhưng cũng không ít gia đình từ chối cấp mẫu phẩm bởi họ muốn liệt sĩ yên nghỉ với đồng đội tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Đức Cơ.

Anh Lê Quang Vinh bảo rằng, 15 liệt sĩ vừa được trả lại tên là một phần trong những liệt sĩ đã hy sinh tại Viện K20. Anh sẽ tiếp tục tìm kiếm thân nhân để đối chiếu với các liệt sĩ đã có mẫu phẩm tại Viện Pháp y. Bản thân anh cũng sẽ thu xếp công việc để trở lại Stung Treng cùng CCB Phan Ngọc Huân tiếp tục tìm kiếm các liệt sĩ. Anh hy vọng, hành trình của mình sẽ có sự đồng hành của cán bộ, chiến sĩ Đội chuyên trách K52, Bộ CHQS tỉnh Gia Lai. Nếu có sự chung tay góp sức của nhiều người, nhiều đơn vị thì hành trình trở về của các liệt sĩ Viện K20 sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.