“Làng” là nhà
Hiện làng có 86 hộ, khoảng 210 người, chia thành hai khu. Trại phong Di Linh 1 là khu của người già, không còn sức lao động. Đa số bệnh nhân ở đây đều là người dân tộc K’Ho.
Chúng tôi đặc biệt chú ý đến những chiếc gùi trên lưng các cụ già. Tôi ngỡ ngàng khi tưởng mọi người đi nương, đi rẫy nhưng không phải. “Nghe thông báo hôm nay có đoàn từ thiện ở TP Hồ Chí Minh lên nên mọi người mang theo gùi to để đến nhận quà đấy”, một sơ cười hồn hậu giải thích.
“Bà ở đây 70 năm rồi. Con trai lập gia đình, ở riêng rồi. Lâu lâu nó lại về thăm, vui lắm…”, cụ Rượu cười bỏm bẻm khi chúng tôi hỏi chuyện. Hiếm hoi lắm chúng tôi mới tìm được cụ biết tiếng Kinh. Trong câu chuyện của chúng tôi, cụ bập bẹ giữa tiếng Kinh tiếng được tiếng mất rồi lẫn cả tiếng dân tộc K’Ho. Dù chỉ hiểu đôi chút nhưng thấy đôi mắt lấp lánh của cụ là chúng tôi biết cụ đang rất vui. Niềm vui bình dị là khi các con qua thăm, được những phần quà từ thiện mang về và được các sơ quan tâm, chăm sóc.
Ở đây, các cụ già đa số tàn tật mức độ hai, không còn khả năng lao động. Vì vậy các sơ cũng đặc biệt chăm lo hơn về đời sống an sinh. Hằng ngày các sơ ở dưới bệnh xá, chăm lo sức khỏe, nạo rửa, băng bó vết thương cho các cụ. Ngoài ra còn có phòng tập vật lý trị liệu, tập để phục hồi. Khi mà đôi tay, đôi chân mất cảm giác, không cử động được thì các sơ sẽ có những bài tập để các cụ vận động từ từ. Bên cạnh đó còn có phòng thuốc, phòng dược. Hiện tại, có bốn bác sĩ cùng các cô hộ lý chăm lo cho các bệnh nhân người già mắc bệnh phong.
Niềm vui con trẻ
Trại phong Di Linh 2 là khu của các hộ gia đình có khả năng lao động, cách khu người già khoảng 20 km. Ở đây, mức độ tàn tật của các bệnh nhân phong ít hơn, tay chân đỡ hơn nên họ có thể canh tác trồng trọt, cắt tỉa, chăm sóc, trồng cà-phê, trồng rau… để có thêm thu nhập.
Ký ức đau thương mang tên “bệnh hủi” đã không còn. Giờ đây những bệnh nhân phong ở Di Linh đã có mái ấm của riêng mình, có công việc tự nuôi sống bản thân, gia đình và nuôi nấng, dạy dỗ con cái. Hạnh phúc tưởng chừng quá bình thường ấy, nhưng với họ là cả một sự nỗ lực đầy cố gắng. “Vợ chồng mình trồng cà-phê, cùng làm cùng ăn, thu nhập cũng đỡ phần nào. Đứa lớn nhà mình lớp 12, năm nay thi đại học rồi”, người phụ nữ có phần rụt rè trả lời khi chúng tôi hỏi chuyện. Chị không cho biết tên. Hỏi thì chị cười lỏn lẻn “có biết viết đâu mà nói tên làm gì”.
Ngày chúng tôi đến, cả trại phong chộn rộn tiếng cười. Người lớn cười trong đôi mắt còn trẻ con thì cười trên khuôn miệng không ngừng. Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm. Những người “xây tổ ấm” hoan hỷ gọi nhau đi nhận quà từ thiện. Vui lắm chứ! Còn bọn trẻ con thì chẳng cần hỏi chúng cũng tíu tít khoe rồi. Nào thì sữa tươi, nào thì gói kẹo, rồi cả những tờ tiền lẻ mới tinh thơm phức được người lớn cho mỗi lần có đoàn từ thiện nào đến. Niềm vui con trẻ hồn nhiên vậy thôi nhưng cũng đủ ấm lòng người phương xa khi có dịp đến đây.
Những đứa trẻ ở làng giờ đây lớn lên đã có thể tự tin hòa nhập với bên ngoài, được học hành, rồi trở về dạy học, chữa bệnh cho lớp em, lớp cháu của làng. Làng còn có riêng một nhà trẻ để cha mẹ các bé yên tâm đi làm. Thấy đoàn chúng tôi đến, lũ trẻ đang chơi bập bênh, cầu trượt trước sân nhà trẻ bỏ hết. Chúng ào lại, rộn rã mừng vui. Trẻ con mà, có quà đứa nào chẳng thích. “Chỗ sữa này con uống từ từ thôi. Để dành cho em con nữa. Con thích lắm!”, cậu bé con độ bốn tuổi, cười híp mắt, ôm chặt túi sữa khoe với tôi.
Đoàn chúng tôi có chị bạn dẫn theo cô con gái, bé ba tuổi. Nhìn cô bé lăng xăng chơi với những người bạn mới và bọn trẻ ở làng cũng chia sẻ lại gói bánh hay đồ chơi cho cô bé, chúng tôi lặng lẽ đứng sau quan sát và mỉm cười. Bệnh phong đã là quá đau thương rồi. Ngày trước, “hủi” đã bị kỳ thị, hắt hủi, xa lánh như thế nào, ai cũng biết. Nhưng ngày hôm nay đã khác, “hủi” đã được quan tâm, được các sơ chăm lo bằng tất cả tình thương, các cụ già cũng không còn cảm thấy cô đơn và lũ trẻ được đối xử bình đẳng như bao người khác. Những bệnh nhân phong giờ đây đã tự tin tươi cười mỗi khi có đoàn từ thiện nào đến thăm. Niềm vui hòa nhập đó chẳng phải là rất tuyệt vời hay sao?
Và tất cả chúng ta, ai cũng mong “làng cùi” này có một cuộc sống bình yên, người già an nhiên và lũ trẻ thì cứ hồn nhiên lớn lên như thế.