Hào hiệp chia sẻ bí quyết nghề
Trong xưởng tranh giấy dừa bình yên ven biển Đà Nẵng, họa sĩ Lê Thanh Hà cùng các cộng sự là những học trò yêu mến tranh giấy dừa, đang say mê sáng tạo. Nếu bên ngoài, dòng chảy phố phường hối hả, bất tận bao nhiêu, thì vào đến xưởng tranh, thời gian chừng như ngừng lại. Mọi thứ không vội vã, mà như đang chưng cất, tinh lọc vào quá trình sáng tạo nên bức tranh đẹp, có hồn, có thần.
Bước vào không gian này, người xem dừng lại trước vẻ đẹp của những bức tranh giấy dừa. Mầu sắc của xơ dừa tự nhiên đã lên men và qua những bàn tay tài hoa, đã trở nên những tác phẩm nghệ thuật đẹp. Nghề làm tranh giấy dừa lắm công phu, nếu như không dành trọn tâm huyết và sự kiên nhẫn để sáng tạo trên chính nguồn nguyên liệu đơn sơ, gần gũi là bẹ dừa, thì rất khó thành công.
Chủ nhân của không gian tranh giấy dừa cạn này - họa sĩ Lê Thanh Hà sinh năm 1978, quê gốc Nghệ An, tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật Huế, hiện sống và làm việc tại TP Đà Nẵng. Thủy chung với nghề truyền thống, nói không với việc sử dụng hóa chất, với chép tranh, tranh thương mại, bao năm qua Hà vẫn miệt mài tìm một con đường dấn thân, mở đường cho hành trình diệu kỳ của giấy Việt, từ chất liệu Việt. Cũng chính vì đam mê tranh giấy dừa, Hà có thể say mê sẻ chia, truyền cảm hứng về nghệ thuật làm tranh giấy dừa cho những ai mến mộ và yêu thích dòng tranh này và muốn gắn bó, theo đuổi.
Hà đã ngược về nhiều vùng miền, tìm về nghề làm giấy truyền thống ở nhiều vùng quê Việt Nam. Để rồi cơ duyên đưa anh đến và chọn tàu dừa/bẹ dừa cạn làm nguyên liệu. Hà tâm niệm rằng, các làng nghề truyền thống đang mai một dần không đơn thuần vì người trẻ không còn thiết tha với nghề truyền thống của cha ông, mà còn vì họ không được chia sẻ bí quyết nghề nghiệp, hoặc việc theo nghề, tìm về nghề truyền thống chưa tìm được người trao truyền tâm huyết. “Tôi và những thợ lành nghề tại xưởng, sẵn sàng chia sẻ mọi bí quyết để tranh giấy dừa có thể đến được với nhiều người hơn. Ai cũng có thể học và làm tranh giấy dừa, chúng tôi dạy học miễn phí. Nhưng với một điều kiện cam kết không được thương mại hóa tranh giấy dừa dù với bất kỳ lý do gì”, Hà bộc bạch.
![]() |
Quá trình làm tranh giấy dừa cạn trải qua 10 bước tỉ mỉ. |
Kiên trì, khổ công để ra nghệ thuật
Nói về hành trình tranh giấy dừa cạn, Hà cho biết, đây là dòng tranh được làm thủ công hoàn toàn với phương thức cổ và kỹ thuật khắc trên bột ướt qua khuôn độc bản - Phát triển từ kỹ thuật in trên giấy ướt của Nhật Bản Rakusui Washi với độ bền tương đương giấy cổ 100 đến 300 năm. Tranh giấy dừa được làm từ chất liệu là những cành dừa cạn theo phương thức đổ giấy truyền thống của người H’Mông cùng kỹ thuật in hoa văn bằng áp lực nước của Nhật Bản. Tàu dừa, bẹ dừa cạn được thu hoạch, sau đó đem lột bỏ phần vỏ cứng mầu xanh rồi mang đi chặt thành từng lát mỏng. Sau đó nghệ nhân mang phần dừa này ngâm trong nước khoảng ba ngày cho mủ dừa phai bớt đi, tiếp tục mang phần bẹ dừa này đi nấu với vôi sống trong vòng 24 giờ. Sau 24 giờ, dừa được vớt ra và mang đi rửa sạch với nước, rồi cho vào máy nghiền nhuyễn đến khi tạo ra một phần bột dừa có độ xơ vừa ý. Phần xơ dừa sau khi xay được ủ lên men từ 10-17 ngày để tạo độ trắng tự nhiên.
Quy trình 10 bước để hình thành nên một bức tranh giấy dừa: Vẽ tay từng họa tiết, sau đó scan qua máy vẽ lại bằng phần mềm để tạo nên bộ họa tiết. Sắp xếp bộ họa tiết thành bố cục tranh theo kích thước yêu cầu của khách hàng. Cắt decal để tạo khuôn; dán băng keo để giữ hoa văn không bị đứt rời; đưa hoa văn lên khung lưới gỡ bỏ băng keo và vẽ lại bằng dao trổ. Hoàn thiện khuôn giữ nét, đổ và dàn phẳng bột giấy dừa; khắc vẽ tạo tác trên mặt giấy ướt; phơi giấy. Sau khi hoàn thành bức tranh, sẽ đến quy trình hoàn thiện với việc đóng khung hộp làm hệ thống điện, bồi giấy. Mỗi công đoạn, đều cần tỉ mẩn và phải kiên trì. Hoa văn in bằng áp lực nước kiểu Rakusui Washi của Nhật Bản đòi hỏi nghệ nhân phải thật khéo léo để điều chỉnh mức độ nặng nhẹ của áp lực nước, tạo nên các lớp dày, mỏng theo ý muốn trên mặt giấy. Đây là công đoạn khó khăn, quyết định tính mỹ thuật của bức tranh giấy dừa.
Những mẫu tranh giấy dừa Hà và các cộng sự đã và đang miệt mài sáng tạo gồm tranh giấy dừa hoa sen, tranh giấy dừa Mandala, mẫu tranh giấy dừa hình ảnh của Phật Thích ca hay Bồ tát hoặc một số hình tượng trong lịch sử dân tộc… với ý nghĩa mang lại sự bình an, may mắn và hướng thiện. Để tăng thêm vẻ đẹp của tranh giấy dừa, các họa sĩ đã đưa vào sử dụng kỹ thuật “xuyên sáng”, nghĩa là mỗi bức tranh phải đóng hộp, gắn đèn phía sau hoặc in lên các tấm vách ngăn trang trí trong nhà để tận dụng ánh sáng tự nhiên.
Trong rất nhiều thủ pháp làm tranh giấy dừa trên thị trường hiện nay, Hà và các cộng sự vẫn lặng lẽ làm theo lời trái tim, sáng tạo trong tĩnh tại và luôn trau dồi kiến thức để làm sao tranh giấy dừa cạn đẹp, sắc nét và là duy nhất. “Chúng tôi tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chế biến nguyên liệu theo phương pháp truyền thống, hoàn toàn không sử dụng hóa chất. Tất cả mọi công đoạn đều hoàn toàn được làm theo phương pháp thủ công và tùy theo mức độ dễ hay khó của bức tranh, người nghệ sĩ có thể phải cần cả ngày hay nhiều ngày mới hoàn thiện được một sản phẩm tranh giấy dừa đẳng cấp, sang trọng và độc bản”, Lê Thanh Hà khẳng định.
Nhằm giới thiệu đến đông đảo người đam mê trang giấy dừa, Hà và các cộng sự đã thành lập trang web với tên miền https://giayquetoi.vn. với mong muốn lan tỏa nhiều hơn giá trị của tranh giấy dừa cũng như những vẻ đẹp độc đáo mà tranh dừa mang lại, kể cả về mặt tâm linh và nghệ thuật.