Doanh nghiệp kêu khó
Ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Dầu khí Sơn Hải cho biết, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh. Từ tháng 7/2022 đến nay, mức chiết khấu mà các đầu mối nhập khẩu cho thương nhân phân phối xăng, dầu và các doanh nghiệp bán lẻ xăng, dầu rất thấp, chỉ 50-100 đồng/lít tại kho đầu nguồn, có những thời điểm chiết khấu bằng 0.
“Với chiết khấu như trên, chúng tôi càng bán càng lỗ. Trong khi các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương yêu cầu phải bán hàng và không được phép đóng cửa”, ông Hạnh nói.
Ngoài ra, giá thành vận tải tăng cao cộng với hao hụt từ kho đầu nguồn về cửa hàng và nhiều chi phí khác khiến doanh nghiệp lỗ chồng lỗ. Từ thực tế hoạt động kinh doanh khó khăn, ông Hạnh đề nghị Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hiệp hội xăng dầu Việt Nam tổng hợp những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp và sớm có giải pháp hỗ trợ.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Sinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xăng dầu Chiến Thắng (Yên Bái) cho biết, doanh nghiệp đang đối mặt rất nhiều khó khăn do mức chiết khấu xăng, dầu hiện nay thấp. Cách đây sáu năm, mức chiết khấu khoảng 600 đồng/lít, doanh nghiệp mới đủ chi phí vận hành. Hiện nay, doanh nghiệp có 5 cửa hàng và 10 đại lý, chiết khấu bằng 0 đồng/lít giao tại kho Đức Giang (Hà Nội), trong khi vận chuyển từ Đức Giang đến Yên Bái chi phí mất khoảng 450 đồng/lít.
Nêu một khó khăn khác, đại diện Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Du lịch Xuyên Việt Oil cho biết, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, quý III/2022, chỉ có 19/33 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng, dầu nhập khẩu sản phẩm. Trong số đơn vị không nhập sản phẩm có Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Du lịch Xuyên Việt Oil. Tuy nhiên, doanh nghiệp cho biết đơn vị bị Hải quan và Cục Thuế TP Hồ Chí Minh dừng hoạt động nhập khẩu từ gần sáu tháng nay với lý do nợ thuế bảo vệ môi trường xăng, dầu chứ không phải doanh nghiệp không nhập.
Ông Mai Xuân Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu chia sẻ, Nam Sông Hậu không nhập khẩu xăng, dầu từ nước ngoài vì ngày 15/8/2022 bị Tổng cục Hải quan ra văn bản tạm đình chỉ hoạt động làm thủ tục hải quan sáu tháng do thiếu thiết bị đo bồn tự động.
“Tổng cục Hải quan không cho doanh nghiệp nhập, nhưng lại báo cáo Bộ Tài chính là doanh nghiệp không nhập xăng, dầu. Như vậy rất khổ cho doanh nghiệp”, ông Mai Xuân Huy nói và cho biết thêm, hiện chi phí vận chuyển không hợp lý dẫn tới việc có đủ xăng, dầu cung cấp nhưng không có tàu chở về các địa phương kịp thời dẫn tới thiếu cục bộ.
Ghi nhận những ý kiến trên, ngày 18/10, Bộ Công thương đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị rà soát và điều chỉnh mức chi phí đưa xăng, dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức… theo mức phù hợp thực tế phát sinh thời gian vừa qua để tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng, dầu theo quy định hiện hành, bảo đảm duy trì hoạt động cho doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu, khuyến khích các doanh nghiệp nhập khẩu xăng, dầu cung ứng cho thị trường.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng, dầu thực hiện việc thông quan hàng hóa xăng, dầu để kịp thời bổ sung xăng, dầu từ nguồn nhập khẩu cho thị trường trong nước.
Một cây xăng đang nhập hàng. Ảnh: BẮC SƠN |
Khâu cung ứng có vấn đề
Ngày 21/10, Bộ Tài chính có văn bản trả lời nội dung kiến nghị nói trên của Bộ Công thương. Theo đó, Bộ này cho biết, năm 2022 Bộ đã tính toán điều chỉnh hai lần đối với cả chi phí đưa xăng, dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí đưa xăng, dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng và mặt hàng Premium trong nước.
Đối với kiến nghị của Bộ Công thương về việc tạo điều kiện thông quan cho doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng, dầu, Bộ Tài chính khẳng định, Tổng cục Hải quan đã có công văn chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố bố trí cán bộ, công chức trực giải quyết thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát và xử lý vướng mắc đối với xăng, dầu nhập khẩu 24/7, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Việc dừng thủ tục hải quan đối với Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (do đang bị cưỡng chế nộp thuế hơn 684 tỷ đồng) và Công ty CP Thương mại Đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu (do chưa lắp đặt thiết bị đo mức bồn bể tự động kết nối trực tuyến số lượng xăng, dầu xuất/nhập/tồn kho với cơ quan hải quan để kiểm soát buôn lậu, trốn thuế), Bộ này cho rằng hải quan đã làm đúng nguyên tắc, để bảo đảm tránh nguy cơ thất thu thuế của Nhà nước.
Tuy vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương gửi kèm số liệu và báo cáo cụ thể đánh giá mức độ biến động các khoản chi phí trong hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên để Bộ Tài chính có cơ sở tính toán điều chỉnh theo quy định.
Tại phiên họp tại tổ sáng 22/10, trong khuôn khổ kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã giải đáp một số thắc mắc của các đại biểu Quốc hội về điều hành xăng, dầu, liên quan đến tình trạng một số cửa hàng xăng, dầu thông báo hết hàng thời gian qua.
Bộ trưởng cho biết, hệ thống phân phối xăng, dầu trong nước có bốn khâu, từ 34 doanh nghiệp đầu mối cung ứng tới 500 thương nhân phân phối, sau đó qua hàng nghìn đại lý rồi đến 17.000 cửa hàng xăng, dầu trên khắp cả nước.
Trung bình mỗi tháng, nguồn cung trong nước từ hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn cộng với lượng xăng, dầu nhập khẩu giao kế hoạch cho 34 doanh nghiệp đầu mối thì tổng chung có khoảng 3 triệu m3 xăng dầu. Thời điểm cuối quý III/2022, hàng dự trữ thương mại xăng, dầu là 2,55 triệu m3, trong đó, hai nhà máy lọc hóa dầu bảo đảm được 80% nguồn cung. Với lượng dự trữ như trên, ông Diên khẳng định hoàn toàn đáp ứng nguồn cung trong nước tới gần hết tháng 11/2022.
“Nguồn cung xăng, dầu chưa bao giờ thiếu. Vấn đề ở chỗ, khi bán ra thị trường đến tay người tiêu dùng lại gặp vấn đề”, người đứng đầu ngành công thương khẳng định.
Bộ trưởng Công thương chỉ ra một số lý do dẫn đến tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng xăng, dầu thời gian qua. Theo đó, nguyên nhân đầu tiên là giá cả diễn biến thất thường, nhiều doanh nghiệp phải nhập vào giá cao rồi bán ra giá thấp, mức chiết khấu bằng 0, khiến doanh nghiệp thua lỗ và không mặn mà kinh doanh.
Bên cạnh đó, hàng loạt chi phí đã lỗi thời như chi phí định mức, chi phí đưa xăng, dầu từ nước ngoài về cảng, chi phí đưa xăng, dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về các kho bãi… đều bất cập, lạc hậu.
Nói thêm về lý do các cửa hàng đóng cửa tập trung chủ yếu ở phía nam, ông Diên giải thích, khu vực phía nam trước đây luôn có một lượng lớn đáng kể hàng xăng, dầu trôi nổi, bao gồm cả xăng dầu lậu, xăng dầu giả. Nhiều người kinh doanh nhập xăng, dầu trôi nổi nên không quan tâm chi phí định mức, chiết khấu của doanh nghiệp đầu mối, thậm chí không nhập từ đầu mối trong thời gian dài nên doanh nghiệp đầu mối có quyền từ chối bán. Để giải quyết, Bộ trưởng Công thương cho biết đang siết chặt kiểm soát vấn đề này.
Ngoài ra, ông Diên cho rằng “cơn lốc” chứng khoán, bất động sản thời gian qua có tác động nhất định đến doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu. Một số doanh nghiệp đầu tư bất động sản, chứng khoán nên nguồn tiền bị vơi đi, đến kỳ nhập hàng, bối cảnh nhập cao, bán thấp thì họ không có nguồn tiền nhập.
Về tín dụng, Bộ trưởng Công thương cho biết doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối hay đại lý khi kinh doanh lĩnh vực này đều được ngân hàng mở một hạn mức để vay. Tuy nhiên, hạn mức này quy định từ khi giá xăng, dầu chỉ 50-60 USD/thùng, nhưng giá hiện giờ tăng gấp hai lần. Bộ Công thương cũng đã có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước, đề nghị vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu, trong đó có kiến nghị ngân hàng thương mại hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu được nâng hạn mức tín dụng, tiếp cận lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện về thủ tục vay vốn, mua ngoại tệ để nhanh chóng thực hiện thủ tục mua xăng, dầu, kịp thời bổ sung cho nguồn cung trong nước.
Cuối cùng, nhận định xăng, dầu là mặt hàng chiến lược, người đứng đầu ngành công thương đề nghị các địa phương vào cuộc kiểm soát và quản lý, xử lý để đạt được hiệu quả đồng bộ.