Dấu xưa tự hào
Những nếp cổng làng như Yên Thái, Đông Xã, Hồ Khẩu, Xanh, Hầu… với lớp rêu phong hay mảng tường úa màu, như chứng nhân cho bao tháng năm cùng người dân gắn bó. Mỗi cổng làng mang một dáng hình riêng, có giản dị mộc mạc, có trầm mặc uy nghi, đều phảng phất hồn xưa, nơi bản sắc văn hóa của từng ngôi làng được người dân trân trọng lưu giữ. Họ tự hào khi kể về những dấu mốc vàng son của làng mình, “trên nóc cổng làng Yên Thái có 2 bức hoành phi, một mang dòng chữ “Mỹ tục khả phong” do Vua Tự Đức ban tặng, một khắc ghi ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm làng giấy dó nhân dịp bầu cử Quốc hội. Dưới chân cổng, hai con sấu đá vững chãi như biểu tượng bảo vệ cho ngôi làng”, ông Vũ Duy Thiệu (86 tuổi, người dân làng Yên Thái, phố Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ.
Cổng làng, với hầu hết người dân, không chỉ là một lối đi mà còn là nơi lưu giữ bao tập tục xưa cũ, gắn bó sâu sắc với đời sống xã hội. Mọi sự kiện quan trọng từ ngày hội lớn đến chuyện vui buồn của mỗi gia đình, từ lễ cưới hỏi đến đám tang đều phải đi qua cổng làng này. Cổng làng đã lưu dấu bên trong mỗi người như một biểu tượng đầy nghĩa tình, nơi đã cùng họ đi qua từ ngày thơ bé đến khi bạc đầu. “Những lần đi xa về, chỉ cần nhìn thấy cổng làng là đã thấy nhà ở đó, bước qua cổng làng là đã về với xóm làng thân thương”, ông Khoa (80 tuổi, người dân làng Yên Thái, phố Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) bồi hồi kể lại.
Trên con phố Thụy Khuê, ngoài nếp cổng làng còn có rất nhiều đình chùa cổ, di tích nổi tiếng đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia, điển hình là đền Đồng Cổ có từ thời Lý; đền Vệ quốc thờ Vệ quốc Đại Vương; và đình Yên Thái, nơi thờ thành hoàng làng Vũ Phụng. Tất cả đều là những dấu ấn văn hóa lịch sử đậm đà, góp phần làm giàu đẹp thêm cho bản sắc từng ngôi làng nơi đây.
Đừng thờ ơ trước vốn quý
Thế nhưng những nơi này lại tồn đọng một số vấn đề gây bức xúc. Những năm trở lại đây, không ít thông tin trên báo chí phản ánh về việc đình làng An Thọ trở thành nơi tập kết rác, gây mất mỹ quan đô thị. Dù vậy, vấn đề này cho tới nay vẫn chưa được giải quyết. Vẫn còn đó những xe rác ngổn ngang, bốc mùi hôi thối; mà có lẽ một người đi ngang sẽ chỉ “bịt mũi” và phóng nhanh qua, chứ chẳng ai để ý đến một ngôi đình cổ kính rêu phong ở phía sau. Tương tự, một số cổng làng xuống cấp nhưng chưa được tôn tạo. Như cổng làng Đông Xã bạc mầu, bong tróc, mất đi một vài dấu ở tên cổng và được tô thêm vào để vẫn đọc ra thành “làng Đông Xã”. Còn cổng làng Yên Thái đẹp là vậy nhưng ngay phía trước lại là cột điện lớn, chằng chịt dây làm khuất tầm nhìn khi người dân ra vào. Ông Vũ Duy Thiệu cho biết, nhiều người dân mong muốn được di dời cột điện ở trước cổng sang bên đường đối diện để không bị khuất tầm nhìn và mỹ quan trở nên đẹp hơn. “Một số hộ gia đình sẵn sàng góp tiền để di dời cột điện này đi, thế nhưng vẫn chưa được làm”, ông Thiệu nói.
Với những tồn đọng đó, câu hỏi đặt ra là, liệu những vốn quý mà thế hệ trước để lại có đang bị phí hoài và liệu những điều có ở hiện tại đã xứng đáng với nét đẹp mà chúng vốn mang hay chưa!? Những di tích cổ kính này hứa hẹn sẽ mang lại nhiều giá trị lớn nếu được quan tâm hơn từ cả những người dân tại khu vực và các cấp chính quyền. Trước hết là cần giải quyết triệt để vấn đề về rác thải được phản ánh trong nhiều năm nay tại đình làng An Thọ. Sau đó, cần lắng nghe những mong muốn của người dân, những người đã dành cả đời để sống và thương lấy làng của chính họ.
Ông Nguyễn Đăng Hùng, Bí thư chi bộ, Trưởng tiểu ban Quản lý di tích của làng Đông Xã nói: “Hiện nay chúng tôi cũng rất mong muốn được tái thiết cổng làng cho khang trang hơn, phù hợp với giai đoạn hiện nay. Chúng tôi mong muốn phục dựng chứ không phải thay mới, vì nó đã gắn liền với nhiều thế hệ. Trong thời gian tới chúng tôi cũng sẽ đề nghị được tôn tạo cổng làng Đông Xã”. Ông cũng cho rằng, các bên trong khu vực cần phối hợp với nhau, từ đó quảng bá văn hóa, phát triển các hình thức du lịch để mọi người tới tham quan, khám phá nét đẹp truyền thống của nơi này.
Bên cạnh đó, người dân cũng cần chủ động tạo ra các hoạt động làm đẹp cho cổng làng, cổng ngõ, đình chùa và di tích trong khu vực. Như thế sẽ lưu giữ và quảng bá được nét truyền thống của làng xã Thăng Long xưa, Hà Nội nay thêm nhiều năm sau nữa!
Còn ông Vũ Duy Thiệu chia sẻ, mong ban quản lý di tích có thể sửa sang, tân trang lại cổng làng, sửa lại nóc, lợp lại mái ngói, trang trí để làm nổi bật lên 2 bức hoành phi cao quý. Ngoài ra, ông rất ủng hộ việc chính quyền địa phương khai thác những giá trị văn hóa nổi bật để phát triển du lịch, giữ được những câu chuyện lịch sử ý nghĩa và khuôn viên của nghề làm giấy dó - nghề truyền thống trước kia của làng Yên Thái, không làm phá vỡ quần thể di tích.