1/ Như thường lệ, mỗi buổi sáng chị Nguyễn Thị Hằng (Giáp Bát) đều đến chợ dân sinh gần nhà để mua thực phẩm cho bữa ăn hằng ngày. Trước đây tiền chợ mỗi ngày chỉ khoảng 200 nghìn đồng là đủ cho năm thành viên trong gia đình, nhưng nay dù chi tiêu dè sẻn lắm cũng hết 300 nghìn đồng/ngày. Từ đợt dịch đến nay, thu nhập của cả nhà sụt giảm đáng kể nhưng giá gas, xăng dầu, các mặt hàng ăn uống tháng nào cũng tăng khiến đời sống gia đình chị gặp nhiều khó khăn.
Tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, giá thực phẩm đều tăng trong thời gian gần đây. Đặc biệt, giá rau củ các loại tăng chóng mặt, thậm chí có loại tăng hơn chục nghìn đồng/kg. Chị Thúy, tiểu thương tại chợ đầu mối phía nam cho biết, hầu hết các mặt hàng đều tăng giá trong mấy tháng qua. “Sau thời gian dài ảnh hưởng dịch, việc buôn bán tuy vẫn duy trì được nhưng không còn sôi động như trước đây do tâm lý người tiêu dùng đã thay đổi. Hiện tại, việc kinh doanh phụ thuộc vào khách hàng quen là chủ yếu, ai cũng hiểu tăng giá là chuyện khó tránh nên không ý kiến nhiều, tuy nhiên, sức mua đã giảm”, chị nói.
Nhiều loại mặt hàng thiết yếu tăng giá đáng kể, thế nhưng thu nhập của người dân lại giảm do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 kéo dài trong hai năm qua. Điều này phần nào đã thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng khi kinh tế ngày càng eo hẹp và khó khăn trong việc chi tiêu. Tại một số chợ truyền thống, siêu thị, không ít khu vực bán hàng phải tạm đóng cửa do vắng bóng người mua. Nhiều người lo ngại, nếu tình trạng này kéo dài, từ nay đến Tết, giá hàng hóa có nguy cơ tăng cao nữa, các hàng quán cũng theo đó nâng giá, ảnh hưởng rất nhiều tới việc chi tiêu sinh hoạt
hằng ngày.
Giá thực phẩm tăng cũng tác động rất mạnh đến việc kinh doanh của các cửa hàng ăn uống. Hiện rất nhiều hàng quán trên địa bàn thành phố Hà Nội đều đã tăng giá bán phổ biến lên 5.000-10.000 đồng so trước đây. Bà Liên, chủ quán bún cá tại đường Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng) cho biết cảm thấy khá ái ngại khi tăng giá vì đa phần khách quen ăn trong nhiều năm. “Trong thời điểm dịch, giá rau củ, nguyên liệu chế biến đã tăng nhưng thời gian gần đây giá còn tăng mạnh hơn. Cửa hàng tăng giá chủ yếu do chi phí vận chuyển, hiện tại, trừ giá thịt lợn giảm còn lại tất cả đều tăng nên chưa thể giảm giá bán” bà nói.
2/ Những ngày qua, do tác động bởi giá xăng dầu tăng cao, thị trường tiêu dùng đang có xu hướng bước vào mặt bằng giá mới khi nhiều nhà cung cấp, nhà kinh doanh điều chỉnh tăng giá. Hiện tại một số doanh nghiệp đã điều chỉnh giá bán ra 5-10% đối với hầu hết sản phẩm, thậm chí một số mặt hàng tăng giá nhiều hơn do chi phí nguyên phụ liệu, bao bì, chi phí sản xuất, vận chuyển… đã tăng liên tiếp nhiều tháng liền.
Trong thời gian qua, nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chuỗi liên kết thực phẩm liên tục nhận đề nghị và đàm phán với các nhà cung cấp tất cả ngành hàng về thời gian, tỷ lệ điều chỉnh giá. Đại diện siêu thị VinMart cho biết, các nhà cung cấp buộc phải tính lại giá vì bù lỗ quá nhiều trong thời gian dịch. Trong bối cảnh hiện tại, việc lựa chọn các sản phẩm phù hợp thị trường trong khi không tăng giá bán đang gây áp lực rất lớn đến hệ thống phân phối toàn ngành, chưa kể việc liên kết, kết nối cung cầu cũng bị ảnh hưởng do việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn.
Có thể thấy, giá xăng dầu tăng cao khiến các đơn vị kinh doanh vận tải gặp khó khăn do thu không đủ bù chi. Một số hãng vận tải cho biết, muốn giữ giá để kích cầu tiêu dùng nhưng do chi phí xăng dầu tăng cao nên không những không thể giảm giá mà bắt buộc phải tăng cước để bù lỗ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến phản ứng dây chuyền khi giá cước vận tải tăng cao đã tác động đến giá thành sản xuất, vận chuyển sản phẩm trên thị trường. Cuối cùng, chịu thiệt thòi nhất vẫn là người dân do phải gồng gánh nhiều chi phí nhất.
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nhận định, thị trường hàng hóa trong nước đang chịu ảnh hưởng của những biến động trên thị trường hàng hóa thế giới, giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng đang ở mức cao. Việc các mặt hàng như xăng dầu tăng sẽ tác động giá vận chuyển và ảnh hưởng giá thành, chi phí sản xuất, đưa giá hàng tiêu dùng trong nước tăng theo. Trong thời gian tới, cần có giải pháp kiểm soát lạm phát, cần có sự tham khảo kịp thời, đưa ra chính sách đối ứng phù hợp với các mặt hàng có thể tăng giá trong dài hạn.