Ghi dọc hải trình Trường Sa

Đó là một hải trình nghìn dặm, mà đúng ra là gần một nghìn rưởi dặm biển, tức là gần 2.800 cây số, để đến với những đảo, đá, Nhà giàn DK1 của Trường Sa, để được đặt chân lên những mảnh đất thân yêu, đang hiên ngang nơi đầu sóng, ngọn gió, trấn giữ cõi bờ Biển Đông của Tổ quốc.
0:00 / 0:00
0:00
Vui văn nghệ trên đảo Đá Nam. Ảnh: HẢI NAM
Vui văn nghệ trên đảo Đá Nam. Ảnh: HẢI NAM

Kỳ 1: Đảo đón tàu như người ruột thịt

Mới qua mấy trăm dặm biển sóng gió mà cái dải xanh mờ mờ nơi đường chân trời đã mang lại niềm vui dâng trào cho cả đoàn. Như thể đã lâu lắm chưa nhìn thấy đất liền!

Thử thách sóng gió

Có lẽ trước lúc khởi hành, tin tức làm cả đoàn chúng tôi đặc biệt chú ý là tin áp thấp nhiệt đới ngoài khơi Biển Đông. Mà đến hai cơn áp thấp cùng lúc. Một đã tiến vào nam Biển Đông, khu vực Trường Sa, đang gây ra gió cấp 5, cấp 6, giật

cấp 7, cấp 8, sóng biển cao từ 2 đến 4m. Một áp thấp nhiệt đới khác cũng đã hình thành ở phía đông Philippines đang hướng về phía Biển Đông. Nguy cơ áp thấp chồng lên áp thấp là nhãn tiền. Vậy là câu nói “tháng ba bà già đi biển” đã thành lạc hậu mất rồi. Một vài người cũng thoáng chút lo lắng vì sợ say sóng, nhất là những người lần đầu đi biển. Nhưng ngay cả những người sợ say sóng nhất, cũng háo hức chờ đợi ngày lên đường. Câu nói của một vị hành khách già, người cao niên nhất trong đoàn, khi trả lời phỏng vấn các nhà báo, được phát đi trên bản tin truyền thanh của con tàu - “Vì Trường Sa, không có sóng gió nào là không thể vượt qua!” - đã trở thành khí thế chung của tất cả mọi người trong đoàn.

Con tàu kiểm ngư mang số hiệu KN 290 dài hơn 90m, to kềnh càng như một tòa nhà 6 - 7 tầng mầu trắng, kéo ba hồi còi rền vang chào bến cảng, rồi lừng lững rẽ nước mặt sông tiến lên về phía cửa biển. Mấy cái tàu kéo, ca-nô của cảnh sát chạy qua bên cạnh nó trông bé tí đến ngộ nghĩnh, chẳng khác gì mấy thứ đồ chơi gấp giấy đặt bên cạnh tòa lâu đài. Con tàu chuyển động trên sóng nước mà vững như bàn thạch. Hầu như người đang ở trên tàu không cảm nhận một chút gì đáng kể của sự rung lắc, tròng trành. Nhiều người dồn ra đứng kín hai bên boong tàu, leo lên cả trên sàn cao nhất để vẫy tay chào những người ra tiễn và ngắm cảnh hai bên bờ sông. Có vẻ cuộc khởi hành của con tàu với tất cả những thủ tục, lễ nghi rất riêng và cũng rất trang trọng, đã làm cho các hành khách trên tàu quên đi những thách thức từ cơn áp thấp nhiệt đới đã được báo trước.

Nhưng khi đất liền đã dần khuất và những lớp sóng bạc đầu bắt đầu vỗ ào ạt vào thân tàu, thì trên boong tàu đã không còn thấy một bóng người. Và khúc thử thách sóng gió đã bắt đầu! Đó là lúc con tàu đi cắt ngang qua giữa cơn giông. Mây mưa kéo đến, tối sầm cả không gian. Nước mưa quất xối xả. Những con sóng duềnh lên, lớp lớp nối tiếp nhau, khuấy đảo mặt biển. Sau mỗi con sóng, mặt biển bị hút xuống thành những lũng nước sâu như muốn hút mọi vật trôi nổi xuống đáy sâu. Con tàu to kềnh càng là thế mà chao đảo, rung lắc, chồm lên trên mỗi đợt sóng. Nước biển đập vào mạn tàu, bắn tung tóe lên mãi cửa sổ tầng 4 của tàu...

Say sóng, khỏi phải nói là khó chịu đến chừng nào. Tôi đã chỉ có thể nằm trên giường, không dám ngóc đầu dậy. Chỉ cần ngồi dậy một chút thôi, đã thấy trời đất quay cuồng, gan ruột lộn lạo, bụng dạ như muốn lộn trái ra ngoài. Đến bữa cũng chỉ lác đác ít người đi ăn. Phần đông khách nằm tại chỗ, nhịn ăn cho khỏe. Vậy mà mấy thủy thủ trên tàu vẫn tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra, hai tay vẫn bê đồ, đi lại trong các hành lang của con tàu như đi trên hè phố Hà Nội. Tài thật!

Cũng may là hải trình của chúng tôi đi ngược chiều với đường đi của cơn áp thấp nhiệt đới, nên cũng đến lúc sóng gió bớt dữ dằn. Bầu trời cũng sáng dần lên. Con tàu cũng bớt dần sự rung lắc, chao đảo và lại phăm phăm chém sóng tiến lên. Không khí trên tàu cũng dần dần nhộn nhịp trở lại. Nhiều người đã bắt đầu đi lại, thăm hỏi lẫn nhau. Câu hỏi cửa miệng được nhắc đến nhiều nhất là: “Có say sóng không?”. Trong câu chuyện rôm rả về muôn vẻ của cái sự say sóng đã thấy pha lẫn cả những tiếng cười đùa vui vẻ.

Ghi dọc hải trình Trường Sa ảnh 1

Đón khách trên đảo Trường Sa lớn. Ảnh: HẢI NAM

Thân quen làng đảo Sơn Ca

“Đảo kia rồi!”. Có tiếng ai reo lên trong niềm vui. Tiếng reo truyền đi giữa những nhóm người đang chực chờ trên boong tàu, lan đến những người còn nằm, ngồi trong các khoang tàu, vực dậy cả những người còn hoa mắt, ù tai vì say sóng.

Sơn Ca - điểm đến đầu tiên của hải trình về với Trường Sa. Hòn đảo mang tên một loài chim có tiếng hót vang, đẹp, sang trọng vào loại nhất trong các loài chim, biểu tượng cho vẻ đẹp thanh khiết của những miền đồng quê thanh bình của đất nước. Sơn Ca như một ốc đảo xanh tươi mát mắt giữa mênh mang đại dương. Ngọn hải đăng vươn cao đột khởi, đêm đêm chiếu sáng cả hàng chục hải lý, chỉ đường cho những con tàu đánh cá của ngư dân trên biển, gửi tín hiệu tin yêu đến những làng đảo anh em của xã đảo Sinh Tồn.

Điều làm nhiều người ngạc nhiên khi lần đầu tiên bước chân lên đảo Sơn Ca là mầu xanh cây lá. Khó có thể tưởng tượng được rằng giữa đại dương mênh mông nắng gió và nước biển mặn chát lại có một ốc đảo xanh tươi như Sơn Ca. Không chỉ có bàng vuông, một loài cây đặc chủng của Trường Sa, trên đảo còn có cả dừa, sồi, phi lao, mù u và những loài cây ăn quả như mít, na, bưởi, ổi. Có nhiều cây đã có ngoài nửa thế kỷ tuổi đời, cũng có thể được xếp vào hàng cổ thụ trên đảo. Riêng cây mù u cổ thụ đã được công nhận là cây di sản, có hẳn biển tên gắn trên bệ bê-tông bên cạnh gốc cây.

Đặt chân lên đảo không chỉ cảm nhận sự vững chãi của đất liền sau những lắc lư, tròng trành trên con tàu suốt một hải trình dài sóng gió, mà còn là cảm nhận về sự ấm áp tình người và gần gũi, thân quen những con người, cảnh vật nơi đây. Đúng là tay bắt, mặt mừng. Người trên đảo đón người trên tàu như đón những người ruột thịt thân yêu lâu ngày gặp lại.

Đến Sơn Ca còn gặp hình ảnh thân quen của một làng quê. Hay một làng quê trên một hòn đảo, gắn liền với khung cảnh sóng nước biển khơi. Nói làng đảo là đúng theo nghĩa của một làng ở bất cứ miền quê nào trên đất liền, kể từ nội dung đến hình thức. Bởi ở đây có đủ điện, đường, trường, trạm. Đường đi, lối lại được bó vỉa gọn gàng. Cây trồng, cỏ xén đâu vào đó, đẹp như một công viên. Khu nhà bệnh xá khang trang. Hệ thống điện gió với những cột mang tua-bin gió mi-ni nhô lên giữa mầu xanh cây lá. Công viên cây xanh mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Và có cả ngôi chùa làng mang tên Linh Sơn tự với mái ngói đỏ roi rói và những đường cong đặc trưng cổ tự. Tuy khoảng cách từ đây về tới cảng Cam Ranh, Khánh Hòa lên đến 331 dặm biển, nghĩa là hơn 600 cây số, song khi ai đó bước chân lên đảo đều cảm nhận thấy sự ấm áp, gần gũi với đất liền Tổ quốc…

(Còn nữa)