Dòng vốn FDI giữa bối cảnh biến động

“Cuộc đua” thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang ngày càng khốc liệt, những đối thủ cạnh tranh của Việt Nam như Ấn Độ, Indonesia… đang vươn lên mạnh mẽ. Trong khi đó, các nhà đầu tư ngày càng có nhiều toan tính thiệt hơn khi lựa chọn địa điểm đầu tư.
0:00 / 0:00
0:00
Kỹ thuật viên kiểm tra chất lượng sản phẩm tại Công ty TNHH Hana Micron Vina 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc ở tỉnh Bắc Giang. Ảnh: TTXVN
Kỹ thuật viên kiểm tra chất lượng sản phẩm tại Công ty TNHH Hana Micron Vina 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc ở tỉnh Bắc Giang. Ảnh: TTXVN

Dòng vốn FDI đang cẩn trọng và kỹ lưỡng hơn

Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, bốn tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 8,9 tỷ USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước.

Dòng vốn FDI suy giảm đã được dự báo từ hai năm nay. Cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc, thuế tối thiểu toàn cầu, xung đột Nga và Ukraine là một số lý do được ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam liệt kê khi nói về thách thức của dòng vốn FDI.

Ông Choi Joo Ho cho rằng: Tình hình thế giới và những biến đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh đang đe dọa sự tiếp nối của câu chuyện về đầu tư nước ngoài. Cuộc cạnh tranh ngôi vị quyền lực Mỹ - Trung đang ảnh hưởng lớn tới quốc gia đang đóng vị trí quan trọng trong ngành chế tạo toàn cầu là Việt Nam và ảnh hưởng tới cả Samsung. Cuộc xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine đang dẫn đến lạm phát leo thang, sự sụt giảm trong mậu dịch quốc tế và trở thành rào cản lớn đối với tăng trưởng kinh tế thế giới. Điều này đồng thời cũng tạo ra một môi trường kinh doanh bất ổn.

“Mặt khác, quy luật và trật tự kinh tế thế giới đang có những biến đổi. OECD đã áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu với các doanh nghiệp đa quốc gia đạt doanh thu ở một quy mô nhất định, có hơn 100 doanh nghiệp toàn cầu đầu tư tại Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng”, lãnh đạo Samsung Việt Nam nhắc đến một vấn đề đang nóng.

Do vậy, đại diện Samsung cho rằng, năng lực cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam cũng bị đe dọa. Chính sách ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp Chính phủ Việt Nam đang triển khai hiện nay sẽ bị mất đi hiệu quả thực tế. Thêm vào đó, sự thay đổi về cơ chế đánh thuế sẽ khiến cho Việt Nam và các doanh nghiệp FDI gặp phải những xáo trộn lớn.

Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cũng cho biết, nhiều vấn đề phát sinh như từ năm 2024 dự kiến áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu 15%... khiến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang trong xu hướng chung là có sự chậm lại. “Gần đây, chúng tôi nhận thấy có những dấu hiệu các tập đoàn lớn cẩn trọng hơn và kỹ lưỡng hơn trong quá trình xem xét việc tiếp tục đầu tư ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam”, ông Đỗ Thành Trung nói.

Chuyên gia về đầu tư nước ngoài, GS, TSKH Nguyễn Mại cho rằng: Hội nghị LHQ về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đã đưa ra nhận định đầu tư quốc tế năm 2023 sẽ đi ngang hoặc thậm chí sụt giảm do nhiều yếu tố. Thế nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư thì có việc Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đều hạn chế đầu tư ra nước ngoài. Vì vậy, nếu chúng ta không lưu ý theo dõi đến thay đổi chính sách của các nước, chiến lược đối ngoại của từng nước và đặc biệt là chiến lược của các tập đoàn đa quốc gia đã và sẽ đầu tư vào Việt Nam, chúng ta sẽ bị tụt hậu trong thu hút FDI.

Phải thay đổi

Ông Nguyễn Mại chỉ ra rằng, Việt Nam cần tính đến điều chỉnh các biện pháp thu hút dòng vốn đầu tư. Nếu không sẽ rất khó để có thể hiện thực hóa các mục tiêu thu hút FDI. Hiện nay, xu thế lựa chọn, chọn lọc các nhà đầu tư đang ngày một lớn dần, tất cả các nước đều đưa ra biện pháp sàng lọc nhà đầu tư rất khắt khe. Chính vì thế, việc đầu tư vào các nước đang đương đầu với tiêu chuẩn cao hơn nhiều so với những gì Việt Nam đã làm 30 năm nay.

Trong khi đó, sự cạnh tranh thu hút FDI ngày càng lớn. Ấn Độ hiện cũng nổi lên như một điểm đến của đầu tư toàn cầu khi có nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng giá lại rẻ hơn Việt Nam. Chi phí lao động tại Ấn Độ chỉ bằng khoảng 60% so với Việt Nam.

Còn bản thân trong ASEAN, nước cạnh tranh lớn nhất với Việt Nam là Indonesia. Indonesia cũng từng tuyên bố sẵn sàng ưu đãi mạnh nhất cho những nhà đầu tư công nghệ cao dịch chuyển khỏi Trung Quốc.

“Đây là hai đối thủ, đối tác thu hút FDI quan trọng mà phía Việt Nam cần lưu ý để vừa hợp tác để điều chỉnh chính sách phù hợp nhằm giữ chân nhà đầu tư hiện tại và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới”, ông Nguyễn Mại khẳng định.

Để hóa giải thách thức trong thu hút FDI, ông Nguyễn Mại cho rằng: Việt Nam cần phải hiểu rõ về những yếu tố đang cản trở nhà đầu tư, nắm thật rõ nhược điểm của môi trường đầu tư và quyết liệt cải thiện những yếu tố này. Yếu tố luật pháp chính sách và thực thi luật pháp chính sách mang tính quyết định về đầu tư. Việt Nam đang hành động quá chậm để giải quyết những vấn đề này.

“Ngoài ra, vấn đề thủ tục đầu tư cũng cần phải sớm được giải quyết. Yếu tố này gây ra nhiều bức xúc. Việt Nam nói nhiều đến chính phủ số, chính phủ điện tử nhưng hệ thống hành chính còn rất cồng kềnh, nhiều thủ tục. Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực có khả năng hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp nước ngoài”, ông Mại lưu ý.

Lãnh đạo Samsung cũng đánh giá tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường đầu tư trong việc thu hút FDI. Từ sau khi thực hiện chính sách đổi mới năm 1986, Việt Nam đã liên tục cải thiện môi trường đầu tư, dẫn tới việc mở rộng đầu tư liên tục của các doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, việc này không thể dừng lại ở đây mà việc cải thiện môi trường đầu tư phải được thực hiện liên tục. Đặc biệt, phải theo dõi những biến đổi của môi trường bên ngoài và triển khai những cải cách phù hợp.

“Cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu mà tôi vừa đề cập ở trên là thí dụ điển hình của “những biến đổi môi trường bên ngoài” quan trọng nhất gần đây. Và sự đối ứng của Chính phủ Việt Nam với biến đổi này rất quan trọng. Đây là một cơ chế được áp dụng bởi tổ chức quốc tế, nên những chính sách cụ thể được đưa ra với sự thỏa thuận của nhiều bên liên quan. Do đó, nếu Việt Nam cũng áp dụng những chính sách này thì có thể loại bỏ đáng kể sự bất ổn trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp FDI chịu ảnh hưởng”, ông Choi Joo Ho khuyến nghị.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đánh giá: Chúng ta đang gặp một số thách thức trong thu hút FDI chất lượng cao. Tại sao số lượng FDI rất cao nhưng những tập đoàn đa quốc gia, tập đoàn công nghệ cao vào Việt Nam chưa nhiều? Hiện nay môi trường đầu tư của chúng ta có vẻ chưa ổn.

“Ngoài vấn đề nguồn nhân lực, môi trường đầu tư… tôi thấy có điều hết sức quan trọng, cũng là cái yếu của FDI trong thời gian vừa rồi, là hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI rất lỏng lẻo, chưa hiệu quả. Điều bất lợi cho Việt Nam rất nhiều là chúng ta chưa tham gia được vào chuỗi giá trị để được hưởng lợi từ đó”, ông Nguyễn Văn Toàn chia sẻ.

TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Đầu tư nước ngoài cũng thấy đáng tiếc khi liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài còn rất lỏng lẻo. “Mong muốn của chúng ta trong giai đoạn tới là tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài. Chỉ có tăng cường liên kết thì doanh nghiệp Việt mới tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu và năng lực của các doanh nghiệp Việt mới tăng lên. Từ đó, mới có khả năng tham gia sản xuất các sản phẩm mới, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Phan Hữu Thắng bày tỏ.