Động thái mới trong tiến trình mở rộng NATO

Thổ Nhĩ Kỳ vừa thông báo khởi động tiến trình phê chuẩn đơn của Phần Lan xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), với lý do Helsinki đã thực hiện các bước đi đáp ứng yêu cầu của Ankara. Động thái của Thổ Nhĩ Kỳ mở đường để Phần Lan trở thành thành viên liên minh quân sự trước Thụy Điển.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (phải) và người đồng cấp Phần Lan Sauli Niinisto họp báo sau cuộc hội đàm tại Ankara. Ảnh: CNN
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (phải) và người đồng cấp Phần Lan Sauli Niinisto họp báo sau cuộc hội đàm tại Ankara. Ảnh: CNN

Khúc mắc được tháo gỡ

Thông báo xúc tiến phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đưa ra sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Phần Lan Sauli Niinisto tại Ankara hôm 17/3. Phát biểu ý kiến với phóng viên, ông Erdogan nói: “Dựa trên đánh giá về tiến bộ đạt được trong việc thực thi thỏa thuận gia nhập NATO của Phần Lan, chúng tôi quyết định khởi động tiến trình phê duyệt đơn đề nghị của Phần Lan tại Quốc hội”.

Tổng thống Erdogan cũng cho biết, Phần Lan đã có các bước đi xác thực và cụ thể trong thực hiện bản ghi nhớ ba bên giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan và Thụy Điển về việc gia nhập NATO.

Tuyên bố của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đồng nghĩa đơn của Phần Lan được chuyển tới Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ xem xét phê duyệt. Reuters dẫn nguồn tin giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, tiến trình phê chuẩn các trường hợp Phần Lan và Thụy Điển được thực hiện riêng rẽ. Nhiều khả năng Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận đơn của Phần Lan trước cuộc bầu cử tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 14/5 tới.

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto hoan nghênh quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ khởi động việc phê chuẩn, song vẫn cho rằng, tiến trình gia nhập NATO của Phần Lan sẽ không hoàn thiện nếu Thụy Điển không được kết nạp cùng thời điểm. Bởi lẽ, là hai nước láng giềng, Phần Lan và Thụy Điển có nhiều lợi ích chung và chia sẻ lập trường trong nhiều vấn đề.

Giải thích về sự tách biệt trong việc phê chuẩn đơn của Phần Lan và Thụy Điển, Tổng thống Erdogan cho biết, ở Thụy Điển vẫn có các cuộc biểu tình ủng hộ những tay súng người Kurd, trong khi hoạt động này không diễn ra ở Phần Lan. Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng xem xét phê chuẩn việc Thụy Điển gia nhập NATO, phụ thuộc các bước đi cụ thể của Stockholm.

Con đường vẫn gập ghềnh

Phần Lan và Thụy Điển cùng chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO hồi tháng 5/2022. Đến nay, 28 trong tổng số 30 thành viên NATO chấp thuận để hai đối tác này trở thành thành viên “mái nhà chung NATO”. Hai quốc gia chưa nhất trí là Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ được cho là thách thức lớn hơn.

Chính quyền Tổng thống Erdogan yêu cầu, để được chấp thuận gia nhập NATO, Phần Lan và Thụy Điển trước tiên phải dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ, thực hiện dẫn độ về Thổ Nhĩ Kỳ các đối tượng mà Ankara coi là khủng bố. Hồi tháng 6/2022, Phần Lan và Thụy Điển chấp thuận yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ trong bản ghi nhớ ba bên. Tuy nhiên, đến nay Ankara vẫn cho rằng Stockholm chưa thực hiện các cam kết.

Với quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ, triển vọng Phần Lan và Thụy Điển “cùng nắm tay” gia nhập liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương trở nên khó khăn hơn. Phản ứng trước thông báo của Tổng thống Erdogan, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tuyên bố, Stockholm vẫn hy vọng về “tiến trình phê chuẩn nhanh chóng” sau cuộc bầu cử tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Hoan nghênh quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng Thư ký NATO tái khẳng định việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập mái nhà chung sẽ giúp tăng cường an ninh của hai nước, cũng như của NATO. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là cả hai nước nhanh chóng trở thành thành viên đầy đủ, chứ không phải là việc gia nhập cùng thời điểm.

Mỹ cũng hoan nghênh Thổ Nhĩ Kỳ khởi động tiến trình phê chuẩn đơn của Phần Lan, đồng thời kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ sớm xem xét phê duyệt nỗ lực của Thụy Điển. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nhấn mạnh, Thụy Điển và Phần Lan đều là các đối tác có năng lực và cùng chia sẻ các giá trị của NATO; Mỹ ủng hộ đẩy nhanh các tiến trình phê chuẩn.