Trao “cần câu”, tạo động lực
Năm 2012, vợ chồng anh Lô Văn Môn ở bản Lam Khê, xã Chi Khê, huyện Con Cuông rời quê hương vào quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) làm công nhân sản xuất giày da. Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, nhà máy, xí nghiệp phải đóng cửa, anh chị đưa 2 con nhỏ về quê. Gia đình được Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vay 50 triệu đồng. Có kinh nghiệm trong sản xuất giày da nên cùng với số tiền chắt góp được, anh chị đã mua sắm máy móc, thiết bị để sản xuất ngay tại nhà mình. Xưởng của anh Môn còn tạo việc làm cho 5 lao động địa phương, mức thu nhập 200 nghìn đồng/ngày. Sản phẩm được sản xuất theo đơn đặt hàng của các chủ đại lý, cửa hàng kinh doanh giày dép. Đầu năm 2023, anh mua thêm bò, tận dụng đất trong vườn để trồng cỏ voi chăn nuôi. Đến nay, đàn bò đã tăng số lượng từ 2 lên 3 con và bò cái cũng đang mang thai lứa thứ hai. “Chặng đường còn dài, nhưng trước mắt như vậy cũng tạm ổn. Giờ vợ chồng yên tâm xây dựng cuộc sống mới ngay tại quê nhà. Vợ chồng tôi cũng mong được vay thêm vốn để mua thêm máy móc, nâng công suất của xưởng và đào ao nuôi cá, phát triển mô hình kinh tế vườn-ao-chuồng”, anh Môn chia sẻ.
Còn tại xã biên giới Châu Khê, năm 2021, với 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo, chị Lay Thị Hoa ở bản Bủng Xát đã mua 2 cặp bò về nuôi. Nhờ được chăm sóc tốt, đàn bò đã tăng lên 14 con. Ngoài chăn nuôi bò sinh sản, chị cũng tham gia tổ hợp tác sản xuất đồ thủ công mây tre đan, giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định, mỗi năm thu về lợi nhuận từ 130-150 triệu đồng.
Chị Lô Thị Linh, Tổ trưởng tiết kiệm và vay vốn bản Bủng Xát cho biết: Tổ vay vốn của bản có 45 tổ viên, dư nợ hiện tại hơn 3,4 tỷ đồng. Nhờ thu hút được các thành viên sinh hoạt đều đặn, nên việc thu lãi suất, huy động tiết kiệm thuận lợi, số tiền tiết kiệm tăng hơn so với trước, thu lãi nhanh chóng. Số dư tiết kiệm hiện đạt hơn 98 triệu đồng và không có nợ xấu. Cuối tháng 6 vừa qua, mô hình tổ tiết kiệm và vay vốn theo hướng bền vững gắn với sinh hoạt cộng đồng bản Bủng Xát đã chính thức ra mắt. Tại các buổi sinh hoạt, các tổ viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm từ các mô hình kinh tế hiệu quả.
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Con Cuông, đến 31/5, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn huyện đạt 676.778 triệu đồng, với hơn 10.400 khách hàng đang có dư nợ, có 18 chương trình tín dụng đã được triển khai thực hiện. Tổng doanh số cho vay đạt hơn 1.268 tỷ đồng, trong đó chủ yếu tập trung cho vay vào đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với doanh số cho vay đạt hơn 1.107 tỷ đồng, chiếm 87,3% tổng doanh số cho vay.
Tăng cường nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương
Bên cạnh góp phần xóa đói-giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương, tín dụng chính sách xã hội đã giúp hàng chục nghìn học sinh, sinh viên ở Nghệ An có điều kiện học tập. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Chương Thi (xóm Lương Thiện, xã Hiếu Sơn, huyện Đô Lương). Ông Thi chia sẻ: “Nếu cho con đi xuất khẩu lao động thì có tiền, nhưng muốn sau này các con có công ăn việc làm ổn định nên mình chịu khổ, chắt góp, vay mượn để cho các con có điều kiện học hành. Nhà tôi có 5 đứa học đại học, thì đến 4 đứa vay tiền để học, tổng số tiền vay hơn 320 triệu đồng. Nếu không có chương trình cho vay học sinh, sinh viên, chắc các con tôi khó mà theo đuổi ước mơ giảng đường đại học”. Đến nay, trong số 5 người con gái của gia đình ông, 2 người đang là bác sĩ, 1 người là giáo viên, 1 người đang là học viên Học viện Hậu cần và con gái út đang là sinh viên Trường Y dược - Đại học Đà Nẵng.
Theo ông Bùi Thanh An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An: Việc tổ chức thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, nhất là các đoàn thể chính trị - xã hội cùng tham gia thực hiện chương trình giảm nghèo, chăm lo cuộc sống cho người nghèo và các đối tượng chính sách; hướng dẫn và tạo điều kiện cho người dân biết cách sản xuất, kinh doanh, từng bước chuyển biến nhận thức, vươn lên thoát nghèo bền vững. Với sự tiếp sức của tín dụng chính sách xã hội, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Nghệ An giảm bình quân từ 2-3%/năm. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 5,19%, hộ cận nghèo là 5,73%. Kết quả đạt được trong thời gian qua khẳng định tín dụng chính sách xã hội là điểm sáng và là một trong những trụ cột trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Ở huyện Diễn Châu, trong 10 năm qua, các chương trình tín dụng được thực hiện thông qua Ngân hàng chính sách xã hội đã giúp 75.128 lượt hộ có vốn để sản xuất, kinh doanh, từng bước thoát nghèo. Hay như tại huyện Đô Lương, doanh số giải ngân từ năm 2014-2024 đạt 1.586 tỷ đồng. Việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện đã giúp hơn 3.700 hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm ổn định cho hơn 1.868 lao động…