MÚA sênh tiền thường theo tốp múa lẻ ba, năm, bảy người, hoặc cũng có thể chẵn hai, bốn, sáu người cùng nhau biểu diễn. Đây là một thể loại múa khó, đòi hỏi phải kết hợp cả chân, tay, hông và đầu. Điệu múa có nhiều bài khác nhau do người biểu diễn tự biên tập nhưng đều từ 10 nhịp cơ bản mà phát triển ra. Nét đẹp của múa sênh tiền là sự kết hợp hài hòa giữa các động tác nhảy, múa, tung hứng phóng khoáng và âm thanh độc đáo từ cây gậy.
Gậy sênh tiền là nhạc cụ tạo nên sự hấp dẫn, độc đáo cho điệu múa và được xem như báu vật văn hóa của đồng bào H’Mông. Cây gậy được làm bằng đoạn trúc già lấy trên đỉnh núi, có đường kính từ 5 đến 7cm, dài khoảng 1m, phơi gác bếp thật khô, chia làm bốn phần, trong đó có ba phần đục lỗ để xâu các đồng xu, phần còn lại để người múa cầm khi biểu diễn. Hai đầu gậy buộc thêm túm chỉ mầu sặc sỡ để tạo sự mềm mại, bắt mắt. Khi biểu diễn, nghệ nhân vung gậy lướt qua chân, vai hay cánh tay mình, làm những đồng tiền phát ra tiếng kêu leng keng kết hợp với những động tác múa lên xuống, xoay người uyển chuyển. Có thể kết hợp thêm các nhạc cụ khác như trống, chiêng nhưng cũng có thể không cần bởi âm thanh từ cây gậy sênh tiền đã đủ tạo nên không khí vui nhộn.
Xưa kia, gậy sênh tiền được coi là một trong 18 bộ binh khí của đồng bào dân tộc H’Mông bên cạnh khèn, chùy, đao, thương, kiếm… Trước đây, múa sênh tiền có một bài chung bao gồm cả bộ 18 binh khí cho nên khi múa, bắt buộc phải có đủ 18 người, mỗi người cầm một loại binh khí, thường chỉ biểu diễn trong những nghi lễ lớn. Ngày nay, điệu múa sênh tiền được cải biên lại cho phù hợp để biểu diễn trong những ngày lễ hội, những dịp hội diễn văn nghệ… nhưng vẫn giữ được nét đặc sắc của điệu múa truyền thống. Trao đổi với chúng tôi, chị Giàng Thị Về, người đoạt giải A tại Liên hoan ca múa nhạc dân tộc H’Mông huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) lần thứ nhất vừa được tổ chức mới đây, cho biết: "Cũng giống như khèn H’Mông, điệu múa sênh tiền ẩn chứa những thế võ cổ truyền của người H’Mông. Những động tác xoay người, đá chân, thoạt nhìn, người xem nghĩ là múa, nhưng cũng là thế võ đấy. Những người biết múa sênh tiền ngày xưa hầu hết đều biết võ, chính cây gậy sênh tiền có thể trở thành binh khí chống kẻ thù, bảo vệ thôn bản. Trong đoàn diễu binh của người H’Mông, nghệ nhân múa sênh tiền luôn dẫn đầu, sau đó đến đội múa khèn và các đội binh khí khác".
Vào dịp lễ hội, ở bản làng đồng bào H’Mông tại các tỉnh miền núi phía bắc, âm thanh dìu dặt của khèn H’Mông quen thuộc và sự rộn ràng của điệu múa sênh tiền hòa cùng những bộ trang phục rực rỡ sắc màu của đồng bào luôn tạo ấn tượng độc đáo, khó quên đối với đông đảo du khách.