Trận đánh của Trung đoàn “mũ sắt”
Trung đoàn 209 được gọi là “Trung đoàn mũ sắt”, vì hầu hết các chiến sĩ nhập ngũ ngày 27-3-1967, từ Hà Nội lên Thái Nguyên luyện tập chín tháng rồi nhận lệnh đi chiến trường, tất cả lên Tân Lạc (Hòa Bình), nhận vũ khí hiện đại và quân trang mới, đặc biệt nhất là chiếc mũ sắt Liên Xô (trước đây) to, dày.
Các chiến sĩ ăn Tết Mậu Thân sớm và ngày 5-2-1968, lên xe “Giải phóng” bon thẳng vào chiến trường Tây Nguyên. Đến trạm T3, thuộc đường dây 559, cán bộ, chiến sĩ ở lại ít hôm huấn luyện, củng cố đơn vị. Phía trước họ là sân bay dã chiến và cứ điểm KLeng, sát thị trấn Sa Thầy. Đây là mục tiêu tác chiến đã dự định trước, nhưng không thực hiện được vì ta bị lộ dấu vết trinh sát. Mỹ lập tức pháo kích để chặn đường tiến công của ta. Trên cứ điểm 996, lực lượng Sư đoàn bộ binh số 4 (Anh Cả đỏ) của địch gồm hai tiểu đoàn bộ binh và pháo binh yểm trợ được trang bị vũ khí tối tân, có lô-cốt, hàng rào dây thép gai bảo vệ, đóng trên cứ điểm này.
Lực lượng chủ công của ta là Tiểu đoàn 7, tăng cường Đại đội 13 của Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 209, hành quân bí mật và ém quân cách địch không xa. Để giành thế chủ động, ta quyết định tiến công khi địch đang xây trận địa. 3 giờ 30 phút sáng 26-3-1968, ta bất ngờ mở cuộc tiến công tiêu diệt địch. Cối 60, cối 82, súng chống tăng B41, súng phóng hỏa là những vũ khí hiện đại, lần đầu được sử dụng trong trận này. Trận đánh mở màn của Trung đoàn trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên và Nam Bộ vô cùng ác liệt. Giặc Mỹ dùng pháo, đạn tổ ong (15 quả), đạn công phá mạnh (400 quả), rót xuống trận địa. Cuộc chiến kéo dài đến 7giờ 30 phút sáng, gần 200 cán bộ, chiến sĩ hy sinh.
Các chiến sĩ rút khỏi trận địa. Hình ảnh đồng đội nằm lại trận địa mà không tự tay chôn cất được cứ đọng mãi.
Đi tìm đồng đội
Một ngày lành năm 2008, cơ may đã cho thương binh Nguyễn Văn Vĩnh, hiện sống ở ngõ 115 phố Phương Mai, quận Đống Đa (Hà Nội), nối liên lạc được với đồng đội. Câu chuyện sau mấy chục năm xa cách, vẫn là nỗi đau âm ỉ trong tâm tư, bật ra: Nếu không tìm được hài cốt các liệt sĩ trên đỉnh Chưtankra thì chết không an lòng.
Vậy là ngày 20-3-2009, năm thương binh: Hồ Đại Đồng, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Văn Ngọc, Phạm Văn Chúc của Đại đội 5; Nguyễn Xuân Tứ của Đại đội 3, cùng thuộc Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209 lên đường đi tìm đồng đội. Phương tiện duy nhất mà các ông mang theo là tờ giấy ghi tọa độ của đỉnh Chưtankra, do ông Phạm Văn Chúc tìm được ở trên mạng, in ra. Cùng đi chuyến này, có nhà báo Nguyễn Huy Minh (tức Trần Việt Thường) làm việc tại TTXVN. Nhưng khi các ông vào làm việc tại Ban Chỉ huy Huyện đội Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, khó khăn vấp phải ngay từ đầu là: Huyện đội không lưu được tài liệu nào về trận đánh này.
Vẫn quyết tâm đi tìm đồng đội. Bắt đầu lần tìm du kích năm xưa của Huyện đội Sa Thầy là ông Kaparối, rồi trèo núi, xuyên đường mòn…, hạ lán ngủ trên sườn núi… Vẫn vô vọng. Các ông đành ngậm ngùi thắp hương trên một mỏm đồi vào đêm 25 rạng sáng 26-3-2009, kỷ niệm trận đánh 26-3-1968… Không ai cầm được nước mắt. Ông Chúc kể: Sau này, chúng tôi mới biết có sự trùng hợp: địa điểm chúng tôi thắp hương, lại chính là nơi anh em Trung đoàn 209 hy sinh trong trận chiến đấu ngày 15-5-1968 (Trung đoàn đánh ba trận ở Chưtankra: 26-3, 29-4 và 15-5-1968).
Ngày 25-5-2009, tin nóng hổi từ Huyện đội Sa Thầy bay ra Hà Nội: đã tìm thấy hố cá nhân có di vật của liệt sĩ Tạ Ngọc Giao, Hồ Ngọc Phái và một số di vật khác. Ngay lập tức, ngày 25-6-2009, năm ông lại quay vào với đồng đội. Chuyến đi thứ hai có thêm một số CCB của Tiểu đoàn và gia đình liệt sĩ Tạ Ngọc Giao đi cùng.
Ông Phạm Văn Chúc kể tiếp: Vào đến lán dã chiến của Ban Chỉ huy Huyện đội đặt ở chân núi, chúng tôi nhìn thấy ngay các di vật quá quen thuộc: mũ cối, ống thuốc cứu thương, tăng dù; nòng súng AK; đặc biệt nhất là chiếc bi đông có khắc tên liệt sĩ Tạ Ngọc Giao và chiếc thìa nhôm khắc tên liệt sĩ Hồ Ngọc Phái. Gia đình anh Giao đã xin đưa anh về Hà Nội, trong nỗi đau buồn, mừng tủi.
Ngày 29-6-2009, hài cốt của liệt sĩ đã về tới 63 Đinh Tiên Hoàng. Lễ truy điệu được tổ chức trọng thể tại gia đình anh và lễ an táng được tổ chức tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố (Ngọc Hồi). Đây là liệt sĩ đầu tiên của Trung đoàn mũ sắt được trở về Hà Nội sau 41 năm nằm trên đỉnh Chưtankra.
Kết quả ban đầu và những thông tin ít ỏi thu được đã khiến ông Phạm Văn Chúc nảy ra ý nghĩ, làm cách nào để liên lạc được với CCB phía Mỹ. Rất may, cháu ông là Phan Trường Sơn đã giúp ông tìm thấy trang của CCB Sư đoàn bộ binh số 4 Mỹ và dịch sang tiếng Anh những yêu cầu, mong muốn của CCB Tiểu đoàn 209 để họ cung cấp thông tin. Chỉ sau một thời gian ngắn, CCB Sư đoàn bộ binh số 4 Mỹ đã gửi cho ông Chúc nhật ký các trận đánh ở Chưtankra từ tháng 3 đến tháng 5-1968, trong đó có ghi ký hiệu và tọa độ của điểm cao 996, nơi 134 chiến sĩ đã hy sinh, được chôn trong hố bom.
Từ những thông tin cụ thể đó, đầu tháng 1-2010, các ông tổ chức ngay chuyến đi thứ ba. Thượng tướng Nguyễn Thế Trị, Trưởng Ban liên lạc CCB Tiểu đoàn 209 cũng đi cùng anh em. Vào tới Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Kon Tum, trong khi lật giở hồ sơ, ông Vĩnh thấy ngay bản photocopy của văn phòng Tổ chức dịch vụ CCB phi lợi nhuận (NGO). Họ gửi tờ “Mẫu thông tin khởi đầu của CCB” Mỹ cung cấp cho Hội CCB Việt Nam từ tháng 9-2000. Thông tin chỉ ngắn gọn: “Minh họa mục: Mộ chôn tập thể tại FB14 ở tỉnh Kon Tum/ Ngày xảy ra sự cố: 26-3-1968/ Địa điểm: Tỉnh Kon Tum/ quận hay làng gần nhất: Polei Chuot”/ Tọa độ trên bản đồ: YA 939913 trên bản đồ 65371V/ Được ghi “Polei Jar Sieng/ Vị trí mộ, số xác được chôn: 134 (trong ba ngôi mộ)”.
Lại cắt đường núi, thăm dò, lần tìm… Và các ông đã đến được làng Polei Chuot. Ngày 6-1-2010, các ông tìm được hố chôn tập thể tại xã Sa Sơn và bàn giao cho đội quy tập. Ngày 10-1-2010, đội quy tập tìm thấy 77 hài cốt và các di vật, trong đó 28 liệt sĩ có danh tính. Không thể nói hết nỗi mừng tủi của mọi người sau 42 năm, nhìn thấy đồng đội trong những mảnh xương cốt, đế dép cao-su quăn queo… Những hài cốt có danh tính được các gia đình xin đưa về quê hương.
Sau đợt này, trong năm 2010, đội quy tập còn tiếp tục tìm được thêm một hố chôn tập thể nhỏ hơn và một số hài cốt nằm rải rác, thêm được 30 hài cốt liệt sĩ. Ngày 19-1-2011, gần 200 liệt sĩ trên đỉnh Chưtankra về quây quần trong Nghĩa trang liệt sĩ huyện Sa Thầy. Gió núi mây ngàn hát mãi chiến công những anh hùng bất tử. Ngày 26-3-2011 và năm 2012, các ông lại vào làm giỗ trận cho đồng đội, như lệ thường hằng năm.
Tượng đài trên núi cao
Trên cơ sở hài cốt các liệt sĩ tìm được trong năm 2009, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã nghiên cứu và báo cáo với UBND thành phố Hà Nội về việc xây dựng Đài tưởng niệm các liệt sĩ Hà Nội tại Chưtankra. Ngày 9-1-2010, lãnh đạo thành phố cùng Sở Lao động - Thương binh & Xã hội đã vào thị sát thực địa để xác định vị trí xây khu tưởng niệm.
Sau hai năm xây dựng, ngày 18-7-2012, khu tưởng niệm được khánh thành trong niềm xúc động của toàn thể CCB Trung đoàn mũ sắt 209 và quân dân Hà Nội - Kon Tum. Tượng đài liệt sĩ uy nghiêm khắc tên 475 liệt sĩ hy sinh ở Chưtankra và mặt trận phía bắc Kon Tum. Các ông lặng lẽ đi trong đoàn người dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ.
Với năm CCB của Trung đoàn mũ sắt, dù được vinh danh và nhận Giải thưởng Bùi Xuân Phái “ Giải việc làm vì tình yêu Hà Nội năm 2013”, nhưng điều lớn nhất là tâm can của các ông đã an vui thỏa nguyện: phần lớn đồng đội đã tìm được. Ông Chúc nói: Chúng tôi đang tổ chức đi chuyến nữa để tìm các liệt sĩ của Tiểu đoàn đánh trận ngày 29-4-1968.
Và tới nay, giữa những ngày cả nước chuẩn bị kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, tin từ Sa Thầy báo ra cho ông Chúc biết: Nghĩa trang liệt sĩ Sa Thầy đã đón hơn 700 liệt sĩ mặt trận bắc Kon Tum về bên nhau.
49 năm đã qua, nhưng bản tráng ca của các chiến sĩ Trung đoàn mũ sắt mãi mãi được ghi vào lịch sử trong cuộc kháng chiến oanh liệt của dân tộc.