55 NĂM THỰC HIỆN DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (1969 - 2024)

Di chúc - tinh hoa tinh thần và trí tuệ của một con người vĩ đại

Bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kết tinh những tinh hoa trí tuệ và tâm hồn cao đẹp của Người. Những công việc trong Di chúc mà Người trù liệu cho chúng ta sau ngày chiến thắng đã trở thành những định hướng của sự nghiệp chấn hưng và phát triển đất nước hôm nay.
Người dân thăm nhà sàn Bác Hồ (Khu di tích Phủ Chủ tịch tại Hà Nội). Ảnh: KHIẾU MINH
Người dân thăm nhà sàn Bác Hồ (Khu di tích Phủ Chủ tịch tại Hà Nội). Ảnh: KHIẾU MINH

Từ 9 giờ sáng ngày 10/5/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết những dòng đầu tiên của bản Di chúc thiêng liêng. Dù trí tuệ còn minh mẫn, tinh thần còn sáng suốt nhưng Người nhận thức rõ những bước đi của thời gian nên đã chủ động, thanh thản và đầy trách nhiệm để lại cho chúng ta những dòng ấm áp tình cảm và ngời sáng trí tuệ.

Lạc quan, tin tưởng dự đoán tương lai thắng lợi

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định niềm tin sắt đá vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng. Chúng ta đã thấy tinh thần “thép” toát lên trong Nhật ký trong tù và nhiều tác phẩm khác của Người. Đến Di chúc - tác phẩm cuối cùng, ta lại thấy niềm tin tỏa sáng thuyết phục. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo: “Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.

Đó là một điều chắc chắn”(1)

(Di chúc).

Lịch sử đã chứng minh những lời tiên tri đó hoàn toàn chính xác. Ánh nhìn lạc quan đó toát lên trí tuệ sáng suốt và bề dày kinh nghiệm của một nhà cách mạng tuyệt đối tin tưởng vào sức mạnh vô địch của nhân dân, vào sự chiến thắng tất yếu của những giá trị chính nghĩa và nhân đạo, của những giá trị phẩm giá cao quý của con người trước chiến tranh phi nghĩa bạo tàn, trước những gì phản nhân văn, phản tiến bộ... GS, TS Phạm Hồng Tung, nguyên Viện trưởng Việt Nam học và Khoa học phát triển, cho rằng: “Giá trị của Di chúc có thể tóm tắt gồm ba điểm lớn nhất: Truyền cảm hứng cho cả dân tộc vững tin vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống xâm lược. Đó cũng là ước nguyện trọn đời của Hồ Chí Minh: Nước độc lập, dân tự do, Tổ quốc thống nhất; Đoàn kết toàn dân và chăm lo hạnh phúc của nhân dân. Đây là quan điểm xuyên suốt từ ngày Tuyên ngôn độc lập; Khẳng định vai trò, vị thế của “Đảng cầm quyền” - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã dùng thuật ngữ chính trị này đầu tiên”.

Nhấn mạnh trách nhiệm của Đảng, tin vào sức mạnh nhân dân

Trên cơ sở lòng tin sắt đá vào thắng lợi cuối cùng, Di chúc của Người chỉ đề cập đến những vấn đề mà Đảng và Nhà nước cần chú ý thực hiện sau khi đất nước thống nhất. “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” (Di chúc). Để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề mà vẻ vang đó, Người viết: “Theo ý tôi, việc phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng(Di chúc, chữ gạch chân trong nguyên văn - N.V.A). Trách nhiệm rèn luyện đạo đức cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân” (Di chúc). Tinh thần của những dòng ngắn gọn này là nâng cao năng lực và phẩm chất lãnh đạo của cán bộ, đảng viên để Đảng ngang tầm và hoàn thành nhiệm vụ.

Để hoàn thành công việc xây dựng và phát triển đất nước sau chiến tranh, Người nhấn mạnh vai trò, sức mạnh và năng lực sáng tạo của nhân dân: “cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của nhân dân” (Di chúc). GS, TS Mạch Quang Thắng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: “Trong Di chúc Bác đề cập tới 8 vấn đề cốt lõi về xây dựng, chỉnh đốn Đảng để làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với vai trò lãnh đạo, vai trò cầm quyền. Bác là người nâng Nhân Dân lên tầm nhận thức mới với quan điểm cơ bản nhất là dân đứng ở vị trí tối thượng trong hệ thống quyền lực của đất nước. Làm theo Di chúc của Bác, cần chú ý trước hết là nói phải đi đôi với làm, khắc phục bằng được bốn căn bệnh: Nói nhiều làm ít; Nói hay làm dở; Nói mà không làm; Nói một đằng làm một nẻo”.

Di chúc - tinh hoa tinh thần và trí tuệ của một con người vĩ đại ảnh 1

Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những chỉ dẫn ấm áp lòng nhân ái bao la

Lòng nhân ái bao la bao trùm trong Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh. Tháng 5/1968, trong bản bổ sung Di chúc, Người viết: “Đầu tiên là công việc đối với con người” (Di chúc, chữ gạch chân trong nguyên văn - N.V.A). Trong lần bổ sung này, Người căn dặn cụ thể những chính sách chăm lo, “khoan thư sức dân” sau chiến tranh đối với các thương binh, các liệt sĩ, những gia đình chính sách, những thanh niên đã qua thử thách chiến tranh và đã tỏ ra dũng cảm, phụ nữ, nông dân, cả với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ... Sau chiến thắng, Người yêu cầu: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân” (Di chúc, chữ gạch chân trong nguyên văn - N.V.A). Người đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho bà con nông dân, khẩn trương hàn gắn những vết thương chiến tranh, xây dựng lại thành phố và làng mạc, đẹp đẽ đàng hoàng hơn; khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế; phát triển công tác vệ sinh, y tế; sửa đổi chế độ giáo dục; củng cố quốc phòng...

Để hoàn thành những công việc to lớn đó điều kiện tiên quyết là phải Đoàn kết. PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhận xét: “Trong Di chúc, nội dung ấn tượng nhất là Người viết về đoàn kết - cả đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân và đoàn kết quốc tế. Người tự hào đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta. Vì thế, theo Người “cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”, cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng là “phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”. “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Như cánh hạc giữa trời bay về nơi bất tử

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận rằng mình thuộc lớp người “xưa nay hiếm” - như lời thơ của Đỗ Phủ “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Tuy nhiên, Người không bị “vòng” tuổi tác sinh học thường tình chi phối mà ung dung tự tại nhìn nó với ánh nhìn minh triết. Trong Di chúc không có từ “chết”. Với phong thái ung dung bình dị, Người viết về cái chết như sự bắt đầu của cuộc hành trình mới. Cái chết đối với Người như sự chuyển trạng thái nhẹ nhàng: “Nay dù phải từ biệt thế giới này tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa” (Di chúc). Bản Di chúc mang đậm chất nhân văn trong từng câu chữ, ngời sáng tấm lòng cao cả cống hiến cho sự nghiệp xây dựng Đảng và công cuộc tái thiết đất nước, tràn đầy tình thương yêu con người, trăn trở lo toan cho hạnh phúc, no ấm của nhân dân. Những dòng căn dặn của Người đậm nét tư tưởng lấy dân làm gốc, tinh thần tin dân, trọng dân, vì dân và gắn bó với nhân dân.

Ung dung, thanh thản trước tuổi già và cái chết, đức khiêm nhường, tình thương yêu thiên nhiên và con người sâu sắc, bao la - đó là những phẩm chất cao quý của danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh.

*

Đã 55 năm chúng ta nguyện thực hiện trọn vẹn những lời thiêng liêng cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trong Di chúc. Có những việc chúng ta đã làm tốt và sẽ còn cố gắng tiếp tục làm tốt: Phát triển kinh tế - xã hội trên mọi lĩnh vực, nâng cao mức an sinh, nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới… Có những việc chúng ta đang tiếp tục hoàn thành: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng; cải cách hành chính, dân chủ hóa và thể chế hóa các lĩnh vực xã hội; phòng chống tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội... Di chúc vẫn mãi là một áng văn tuyệt bút, thể hiện tình cảm và trí tuệ với nhân dân, với cách mạng của Người, bao chứa tinh thần và định hướng sự nghiệp chấn hưng và phát triển đất nước trên con đường đi đến phồn thịnh mà Người đã căn dặn chúng ta.

1. Những đoạn trích Di chúc dẫn từ “Nguyên văn các bản viết Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” - Hồ Chí Minh: Toàn tập - Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 611 - 618.