Để tranh tường làm đẹp Thủ đô

Những năm gần đây, trên địa bàn Thủ đô rộ lên trào lưu vẽ tranh tường. Nhiều bức tranh được các họa sĩ, các bạn trẻ thích sáng tạo nghệ thuật thể hiện trên những bức tường ở nhiều địa bàn, địa phương. Tuy nhiên, việc khai thác, thể hiện còn có những hạn chế khiến cho hình thức này giảm đi giá trị và ý nghĩa ban đầu. Cần những hướng đi nào cho hình thức nghệ thuật công cộng này?
0:00 / 0:00
0:00
Trên cùng một đoạn phố, hai thể loại tranh trái ngược nhau làm giảm giá trị thẩm mỹ.
Trên cùng một đoạn phố, hai thể loại tranh trái ngược nhau làm giảm giá trị thẩm mỹ.

Kỳ 1: Ngổn ngang tranh tường

Tranh tường Hà Nội đang trong tình trạng nơi có, nơi không, chỗ dày đặc, chỗ lại thưa thớt. Điều đó đang khiến cho tranh tường trong nội đô và cả ở ngoại thành có nơi trở nên nghèo nàn, tổng thể phân bố chưa đồng đều. Nhìn một cách khái quát, việc phát triển tranh tường đang thiếu đồng bộ, chưa tạo được hiệu ứng tích cực.

Sinh động và mời gọi

Thực tế cho thấy, tranh tường tại Hà Nội khá đa dạng về nội dung và cách thể hiện. Mỗi địa điểm, tranh tường lại được vẽ theo phong cách cổ động, hiện đại, trừu tượng... Về nội dung, các điểm lại có những cách khai thác khác nhau.

Có thể thấy, tranh mang tính cổ động khá phổ biến hiện nay với những hình ảnh tuyên truyền về các hoạt động xã hội và quảng bá văn hóa địa phương. Như trên “con đường bích họa” dài nhất Thủ đô ở huyện Phúc Thọ. Hay loạt hơn 10 bức tranh cổ động có nội dung liên quan đến “Dạy tốt - Học tốt” bao quanh Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình). Những bức tranh thể hiện các hình ảnh liên quan đến trường lớp, hoạt động giáo dục như trẻ em cắp sách đến trường, các môn học... Nét vẽ tỉ mỉ, chi tiết cùng với mầu xanh tươi mát chủ đạo thu hút sự chú ý của người qua đường.

Còn trên đường Phan Đình Phùng, Cửa Bắc (quận Ba Đình) có gần chục bức vẽ bao quanh Trường THPT Phan Đình Phùng. Được biết, những bức tranh được vẽ năm 2019, thể hiện vẻ cổ kính của Hà Nội như ô cửa hoa, khóm hoa huệ... Cảnh quan trong trường như hành lang, trống trường, lá vàng rơi trên sân... cũng được khai thác với những nét vẽ cẩn thận và tỉ mỉ. Em Nguyễn Hoài Nam, học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Đình Phùng tự hào: “Em thấy tranh tường trường mình có nét đặc trưng và hoài cổ của Thủ đô. Tuy số tranh hơi ít so phố Phùng Hưng hay khu vực đường tàu, nhưng lại có giá trị thẩm mỹ và lịch sử”.

Tranh tường nghệ thuật cũng đang là xu hướng được vẽ nhiều trên đường phố Hà Nội. Có thể dễ dàng bắt gặp dạng tranh này ở những con phố trung tâm như Trúc Bạch, Phan Đình Phùng, Tôn Thất Tùng... Tranh nghệ thuật thường được tạo nên từ bút pháp tả thực của người vẽ với mục đích trang trí, lôi cuốn du khách. Tranh thường hướng đến từ những nét đẹp của thiên nhiên như “Hà Nội bốn mùa hoa” ở phường Trúc Bạch, con đường lá vàng ở Phan Đình Phùng, đoàn tàu đang đến trên một số đoạn phố dài chạy theo đường tàu... Dạng tranh tường này sinh động và bắt mắt hơn hẳn tranh cổ động. Điều đó được thể hiện qua sáng tạo của các họa sĩ với những nội dung về trường, lớp, ô cửa sổ… ở các điểm trường như THCS Nguyễn Tri Phương, THPT Huỳnh Thúc Kháng, THCS Nam Thành Công...

Hay đặc sắc hơn là các di tích như cầu Long Biên, cột cờ Hà Nội, hồ Gươm… được vẽ trên tường của Trường THCS Khương Thượng. Chị Nguyễn Thị Thu Hà (23 tuổi), sống gần Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng hào hứng: “Tranh trên tường Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng khá đẹp và bắt mắt. Mình nghĩ rằng, đây là một cách tốt để quảng bá nét đẹp của Hà Nội đến du khách ghé thăm”.

Em Nguyễn Thanh Lâm học sinh lớp 9, Trường THCS Giảng Võ nhận xét về tranh vẽ quanh tường nhà trường: “Em thấy mầu sắc rất tươi sáng, nét vẽ cũng tỉ mỉ. Nhưng hình vẽ trẻ con quá, phù hợp những em mẫu giáo hơn là với một trường THCS như chúng em”.

Còn những tương phản

Với nhu cầu sáng tạo đa dạng của họa sĩ, người vẽ, mong muốn thể hiện sự độc đáo trên các mảng tường phố, người xem có thể bắt gặp phong cách graffiti - tranh tường phun sơn trừu tượng trên nhiều phố Hà Nội. Được vẽ với những cảm xúc ngẫu hứng của các tác giả, nội dung tranh phụ thuộc nhiều vào cách nhìn nhận và đánh giá riêng của người xem. Tuy nhiên, loại tranh này còn cho thấy tính tự phát, không có quy chuẩn về mầu sắc, nội dung và địa điểm thể hiện.

Đi dọc các tuyến phố Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Thái Học (quận Ba Đình), Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm)..., có thể thấy nhiều bức tranh phun sơn nghệ thuật ở dạng chữ. Trên phố Nguyễn Thái Học, có những bức tranh graffiti với mầu sắc sặc sỡ, bắt mắt. Có điều, những kiểu chữ sáng tạo mang đến sự độc đáo, nhưng đôi khi lại khiến người xem cảm thấy bối rối.

Tuy sự đa dạng phong cách và nội dung góp phần tạo nên nét đặc sắc cho tranh tường nhưng có những tuyến phố xuất hiện đến hai thể loại khác biệt cùng được vẽ bên cạnh nhau. Trên đoạn dài hai bên đường tàu cắt qua các phố Lê Duẩn, Trần Phú, Cửa Đông và chạy dọc phố Phùng Hưng, có những bức tranh phun sơn nghệ thuật chữ và biểu tượng gây cảm giác như “đánh nhau” với những bức tranh vẽ tả thực đường tàu, đoàn tàu đang đến. Anh Nguyễn Tuấn Phong

(28 tuổi) đang sinh sống tại Hà Nội nhận xét: “Hai thể loại có cách thể hiện khác nhau, đặt cạnh nhau khiến cho tổng thể nhìn khá nhức mắt và khó chịu. Vì ở đây hầu hết các bức tranh đều là tự phát, vì vậy không có trật tự khiến cho tổng thể bị rối”.

Nói về việc có nhiều phong cách cùng xuất hiện tại một điểm, Thạc sĩ, họa sĩ Trần Hoàng Sơn, Phó Trưởng khoa Hội họa, Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam nhận định: “Đương nhiên đây là sự không đồng nhất. Phố cổ là phố cổ. Đô thị mới là đô thị mới. “Râu ông nọ cắm cằm bà kia” là không được. Như vậy sẽ rất khó cho việc đồng nhất trong thể hiện văn hóa. Đấy là cái không nên”.

Chỗ dày, nơi mỏng

Ngoài phố bích họa Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm) đã trở nên nổi tiếng, Hà Nội còn có nhiều khu vực vẽ tranh tường nằm rải rác, với mầu sắc và nội dung khác nhau. Khảo sát trên địa bàn thành phố, chúng tôi gặp hơn 30 điểm có vẽ tranh tường. Trong đó có các khu phố dài hoặc tấp nập như Phan Đình Phùng, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Tri Phương, Nguyên Hồng...; có những đoạn đường dài ở ngoại thành. Thực tế cho thấy, số tranh phân bố không đều, nơi chỉ có vài bức, có khu vực lên tới hàng trăm bức tranh nối tiếp nhau.

Đi dọc đường Đê La Thành (quận Đống Đa), có thể gặp những bức tranh tường lác đác hai bên. Một cảm giác ít ỏi và rải rác như… tấm vải thủng lỗ chỗ. Điều này khiến những bức tranh không tạo được hiệu ứng mà còn chìm vào không gian chung quanh. Ở đường Kim Mã (quận Ba Đình), tại số nhà 300 có khoảng 5 bức tranh phun sơn nghệ thuật, dù mầu sắc mỗi bức thiên về cam, đỏ, xanh… nhưng đã xỉn đi nhiều, khiến một đoạn phố dài có phần ảm đạm.

Tranh tường có quy mô và số lượng lớn thường tập trung nhiều hơn ở ngoại thành. Theo đường 32 đi về huyện Đan Phượng, Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây, có những chuỗi tranh tường được khổ to, tập trung dày đặc. Riêng tuyến đê trên quốc lộ 32 thuộc huyện Phúc Thọ có loạt tranh tường kéo dài hơn 2km. Đây được coi là “con đường bích họa” dài nhất Hà Nội với 100 bức tranh nối liền vẽ hình ảnh làng quê, đồng ruộng, các di tích, công trình nông thôn...

Trên tuyến đường qua xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, có thể thấy nhiều tranh tường ở các đường làng, ngõ xóm, vẽ trên nền sơn trắng hoặc xanh da trời nhạt. Nhiều chỗ, tường làng, tường xóm xây bằng gạch đá to được sơn trắng. Những bông hoa mai, hoa đào vẽ phóng đại với nhiều mầu sắc hồng, vàng. Tuy hình ảnh còn đơn giản, chưa giàu sáng tạo nhưng số lượng tranh tập trung nhiều và liên tiếp tạo nên sự đồng bộ, tươi mới cho cả một khu vực.

Anh Cao Tuấn Anh, 26 tuổi, hiện sống tại huyện Ba Vì cảm nhận, đây là công trình vẽ tranh của xã. Không chỉ ở đường lớn, những con đường dẫn vào ngõ xóm đều được vẽ. Bức tường không còn đơn điệu nữa nhìn cũng thích mắt. Nhưng hiện nay công trình này đang triển khai nên mới được khoảng 25% của xã thôi.

Quan sát có thể nhận ra, những địa phương dành được quỹ đất và không gian công cộng thì tranh tường được thể hiện đồng bộ, thống nhất hơn. Theo nhiều họa sĩ, Hà Nội đang thiếu quy hoạch cho những địa điểm vẽ được tranh tường. Ngoài một số dự án các khu bích họa ở nơi công cộng, hiện tranh tường tại Thủ đô phần nhiều do tổ chức nhỏ hoặc cá nhân triển khai. Vậy nên, hoạt động này chưa có tính thường kỳ và chưa mang tính quy mô để trở thành những dự án lớn.

(Còn nữa)