Đẩy nhanh các dự án đầu tư công chậm tiến độ

Thành phố Hồ Chí Minh đang có hàng trăm dự án đầu tư công chậm tiến độ, khiến không ít dự án bị đội vốn trong quá trình triển khai. Để tháo gỡ, năm 2024, thành phố sẽ phải làm gì để đưa các dự án này đi đúng quỹ đạo?
0:00 / 0:00
0:00
Dự án cải tạo Rạch Xuyên Tâm được UBND Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt từ năm 2002, kéo dài hơn 20 năm vẫn chưa xong.
Dự án cải tạo Rạch Xuyên Tâm được UBND Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt từ năm 2002, kéo dài hơn 20 năm vẫn chưa xong.

Chậm tiến độ, đội vốn

Đường Lã Xuân Oai, đoạn từ nút giao Lê Văn Việt đến nút giao D2 (TP Thủ Đức) có tổng mức đầu tư ban đầu gần 580 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là khoảng 184 tỷ đồng và 298 tỷ đồng chi cho bồi thường giải phóng mặt bằng. Thế nhưng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng đã tăng đáng kể, từ 298 tỷ đồng được duyệt, so với chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án là 300 tỷ đồng là bố trí đủ, đã tăng lên 574 tỷ đồng, vượt 274 tỷ đồng. Khoản chi phí này đã vượt vốn đầu tư ban đầu, làm tăng tổng vốn đầu tư cho đoạn đường này lên khoảng 882 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đoạn từ nút giao Lò Lu đến nút giao Nguyễn Duy Trinh có tổng mức đầu tư hơn 502 tỷ đồng cũng chưa được triển khai do công tác giải phóng mặt bằng. Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng tăng làm tổng mức đầu tư đoạn đường này cũng tăng theo từ 502 tỷ đồng lên 685 tỷ đồng.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Thủ Đức, tổng chi phí giải phóng mặt bằng tăng lên của dự án nâng cấp, mở rộng đoạn đường Lã Xuân Oai cho cả hai đoạn là gần 485 tỷ đồng, gần bằng một nửa tổng vốn đầu tư ban đầu (khoảng 1.082 tỷ đồng).

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai thông tin, hiện nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đạt thấp, chưa bảo đảm tiến độ theo yêu cầu. Đến cuối tháng 4/2024, Thành phố Hồ Chí Minh mới chỉ giải ngân hơn 5.969 tỷ đồng, đạt 7,5% số vốn được giao.

Cụ thể, tổng khối lượng thực hiện các dự án sử dụng vốn đầu tư công trong kỳ là hơn 43.696 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 71,65% so với kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 được giao của thành phố. Số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ là 1.930 dự án, trong đó số chuyển tiếp là 1.676 dự án; số khởi công mới là 254 dự án.

Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, nhìn chung về quy trình, thủ tục đầu tư công gồm nhiều bước, giai đoạn dẫn đến kéo dài thời gian triển khai thực hiện dự án. Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố trực thuộc Trung ương, thuộc loại đô thị đặc biệt nên có số lượng dự án đầu tư công lớn.

Trao đổi ý kiến về vấn đề này, PGS, TS Nguyễn Bá Hoàng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, nguyên nhân chính gây chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công là vướng mắc về thủ tục pháp lý liên quan đất đai, giải phóng mặt bằng. Do vậy, để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cần sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và sự phối hợp của nhiều ban, ngành, địa phương với quyết tâm thực hiện đồng bộ bằng nhiều giải pháp.

Xử nghiêm nhà thầu chậm tiến độ

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công, trong năm 2023, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị và được HĐND thành phố chấp thuận giao UBND thành phố quyết định chủ trương đầu tư, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án nhóm C sử dụng vốn ngân sách thành phố. Đồng thời, giao vốn bổ sung có mục tiêu cho UBND quận, huyện và TP Thủ Đức để chủ động đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư công.

UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ban hành Thông báo số 357/2023, trong đó chỉ đạo các sở chuyên ngành rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư các dự án đầu tư công ít nhất 30% so với quy định; các thủ tục liên quan công tác bồi thường giải phóng mặt bằng phải thực hiện trong vòng 30 ngày; các thủ tục đầu tư khác lâu nhất 10 ngày và UBND thành phố xem xét, có ý kiến chỉ đạo trong vòng 7 ngày làm việc.

Theo kế hoạch, Thành phố Hồ Chí Minh còn hơn 73.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, với kết quả như hiện nay thì mỗi tháng thành phố phải giải ngân khoảng 10.000 tỷ đồng. Trước thực tế này, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đề nghị các chủ đầu tư dự án rà soát, xem xét xử lý nghiêm theo quy định tại hợp đồng đã ký và quy định pháp luật đối với các nhà thầu không bảo đảm năng lực, chây ỳ, chậm trễ trong thi công, không bảo đảm tiến độ dự án theo cam kết. Đồng thời, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần rà soát để điều chỉnh, cắt các dự án không thể thực hiện để thay bằng các dự án đã chuẩn bị thực hiện nhưng chưa được bố trí vốn.

Bên cạnh đó, các sở chuyên ngành tập trung đẩy mạnh giải quyết, tháo gỡ hoặc hướng dẫn các địa phương xử lý những vướng mắc liên quan thủ tục đầu tư, điều chỉnh quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng thuộc thẩm quyền của đơn vị đối với 117 dự án. Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Thủ trưởng các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước UBND thành phố nếu không hoàn thành giải ngân vốn đã cam kết thực hiện trong quý II.

Là “siêu ban” của Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố (Ban Giao thông) hiện là chủ đầu tư của nhiều dự án trọng điểm. Để bảo đảm kế hoạch giải ngân, Ban Giao thông bám sát tiến độ những dự án lớn đang triển khai như vành đai 3, nút giao An Phú, nút giao hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa… Đặc biệt tập trung tìm nguồn cát san lấp cho vành đai 3, tháo gỡ vấn đề mặt bằng dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa…

Về phía địa phương, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cam kết, TP Thủ Đức sẽ nhanh chóng triển khai các bước giải ngân và dự kiến tỷ lệ giải ngân của TP Thủ Đức sẽ thực hiện đúng kế hoạch đề ra.

Liên quan đến dự án xây dựng Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng (Nhà thi đấu Phan Đình Phùng) tại số 8 đường Võ Văn Tần, Quận 3, đầu tháng 5 vừa qua, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi thống nhất đề xuất dừng đầu tư dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT). Đồng thời chỉ đạo chuyển dự án này sang phương thức đầu tư công, phấn đấu hoàn thành thủ tục đầu tư, khởi công dự án trước ngày 30/4/2025 để đây là một trong những công trình tiêu biểu chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước.

Dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức BT từ năm 2008 và triển khai từ tháng 3/2010. Nhà thi đấu có mức đầu tư được công bố là 988 tỷ đồng. Đến năm 2013, do chi phí xây dựng tăng mạnh, công trình đội vốn lên 1.352,7 tỷ đồng. Đến năm 2016, tổng mức đầu tư điều chỉnh lên thành 1.954 tỷ đồng.