1/Câu chuyện “Trở về thao trường năm ấy” bắt đầu từ một tấm ảnh tài liệu ngẫu nhiên chúng tôi tìm thấy trên mạng internet. Đó là tấm ảnh đen trắng chụp một con tàu hỏa đồ sộ, nặng nề đang rướn mình băng qua những cánh đồng ngập nước mênh mông. Con tàu kéo những toa chở lính sinh viên nhập ngũ đúng mùa mưa lụt năm 1971. Con tàu không vô nam, mà là con tàu ngược bắc, đưa mấy tiểu đoàn sinh viên mới nhập ngũ về các thao trường thuộc tỉnh Bắc Giang. Chúng tôi chuyền tay nhau xem tấm ảnh con tàu. Và đúng là tuổi càng già người ta càng nặng lòng với những kỷ niệm tuổi thanh xuân. Những người lính chống Mỹ tuổi 70 chúng tôi cũng vậy: ngày mỗi ngày một nhớ chiến trường và nhớ cả tuổi thanh xuân ra trận. Năm 2023 này, như có sự nhắc nhở thầm thì của quá khứ, phần lớn các cựu chiến binh sinh viên như cùng nhau tạm gác sang bên các “kỷ niệm chiến trận” để ưu tiên cho các kỷ niệm thao trường.
Cùng nặng lòng vì nỗi nhớ thao trường, một nhóm sinh viên chiến sĩ khu vực Hà Nội chúng tôi đã nảy ra ý định thăm lại các ngôi làng đóng quân cùng những thao trường huấn luyện tân binh năm 1971.
2/Gặp được các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, thật bất ngờ, cả tổ tiền trạm chúng tôi được hưởng trọn vẹn niềm vui của người lính trở về sau chiến tranh. Đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy còn bình luận: “Sao các bác lại có cái ý định nên thơ làm vậy. Các bác về huyện Việt Yên này, với chúng cháu sẽ là một sự kiện văn hóa, một vinh dự lớn, một niềm tự hào, một cơ hội cho các cán bộ đoàn viên, thanh niên các xã, các huyện đến mà nhìn, mà nghe các chú kể về một thời đại lịch sử quê mình. Các bác là nhân chứng chiến tranh và là những người làm nên chiến thắng. Các bác là đoàn cựu chiến binh đặc biệt: Cựu chiến binh sinh viên! Giá các bác đến sớm hơn, đến vào dịp tuyển quân vừa rồi thì hay biết mấy. Nhưng thôi, “Áo gấm không tội gì đi đêm”. Huyện ủy chúng cháu sẽ tổ chức cho thật hoành tráng. Huyện sẽ tổ chức đón tiếp, chào mừng và chiêu đãi. Các bác không lo kinh phí. Nói thật với các bác, ngày mồng 6 tháng 9 năm 1971 các bác nhập ngũ thì ba ngày sau cháu mới chào đời đấy. Các bác đến được càng đông vui huyện càng mừng. Việt Yên hôm nay đã khác hoàn toàn so với năm 71…”.
Chung quanh bàn tiệc trưa, tổ công tác tiền trạm chúng tôi được Huyện ủy phác thảo luôn chương trình ngày hội hồi hương trở lại thao trường. Một họa sĩ trong tổ công tác chúng tôi đã phác họa luôn lên màn hình máy tính logo hội nghị. Thật là sáng kiến độc đáo. Họa sĩ lấy luôn hình ảnh con tàu nhả khói trên những cánh đồng ngập nước làm biểu tượng cho cuộc hành hương trở lại thao trường.
3/Nhìn con tàu, chúng tôi lập tức hình dung các cánh đồng vùng châu thổ sông Hồng những ngày nước ngập. Trên đường chuyển quân, nhìn qua cửa sổ có thể thấy sóng dưới đường ray con tàu làm nhú lên dập dờn vài ngọn lúa lơ thơ. Xuống tàu, chúng tôi tỏa về các thao trường Yên Thế, Quế Võ, Việt Yên, Tân Yên. Sư đoàn 325 đã cấp tốc huấn luyện cho chúng tôi kỹ chiến thuật bộ binh, chuẩn bị quân số bổ sung cho chiến dịch sắp mở màn. Chính trên đất Việt Yên - Hà Bắc khi đó chúng tôi đã được nhận “những cú huých” đầu tiên, định đoạt cho cả cuộc đời. Chúng tôi lần đầu tiên bóp cò, nổ phát súng đầu tiên của đời lính. Phát súng nhắm vào bia, tính điểm. Chúng tôi tập gói bộc phá, và lần đầu tiên ném lựu đạn gỗ và ném bộc phá vào lỗ châu mai. Cũng trên mảnh đất ấy, nhiều chàng lính sinh viên chúng tôi được biết nụ hôn đầu tiên, vụng về lên… mái tóc. Không có thời gian xây dựng doanh trại, mấy tiểu đoàn sinh viên đều phải ở trọ trong dân. Thao trường của chúng tôi là những chân ruộng mạ, những vạt đồi bạch đàn. Chúng tôi phải tỏa đi các gia đình xin tre về dựng bếp ăn đại đội và dựng mô hình lô-cốt, xe tăng. Nhiều mái nhà dân dột nát, mái nhà võng xuống theo từng cơn mưa, đang chờ sửa chữa, nhưng các bà mẹ Việt Yên vẫn nén lòng để cho chúng tôi chặt đi những cây tre cuối cùng trong vườn, đem về dựng lô-cốt giả.
Nói về tình quân dân người ta hay dùng mấy tiếng quen tai là “nhường cơm sẻ áo”. Đối với chúng tôi khi ấy, thành ngữ đó theo nghĩa đen chỉ đúng một nửa. Bà con không phải “sẻ áo”, vì quân trang chúng tôi vừa được cấp phát đầy đủ, còn rất mới, chưa hết mùi hồ. Riêng cơm ăn thì phải ăn ngô quá nhiều, bà con trông thấy thương tình lại luộc khoai, gói “mấy con củ” đút vào túi ba-lô cóc chúng tôi. Hình ảnh bà bầm trong thơ Tố Hữu những năm kháng chiến chống Pháp lại sống lại trong tâm trí: “Con đi mỗi bước gian lao/Xa bầm nhưng lại có bao nhiêu bầm”. Ngay trong các gia đình chúng tôi đóng quân cũng có nhiều gia đình liệt sĩ, quân nhân. Vì vậy, đơn vị chúng tôi trở thành những đứa con chung của đại gia đình Việt Yên - Hà Bắc.
Đầu năm 1972, mấy tiểu đoàn tân binh chúng tôi được công nhận “tốt nghiệp” binh chủng bộ binh, chia tay nhau tỏa về các sư đoàn, các quân binh chủng. Chúng tôi từ các huyện của Bắc Giang lên đường vào chiến trường. Lệnh hành quân trong đêm rất bất ngờ, chúng tôi không kịp chia tay với các gia đình đơn vị trú quân. Nhiều bà mẹ thức giấc, biết chúng tôi bí mật lên đường, đã hái những trái bưởi cuối cùng trong vườn đuổi theo ấn vào tay chúng tôi cùng vài lời nhắn nhủ, chúc các con chân cứng đá mềm, mau mau chiến thắng trở về. Chúng tôi vào chiến trường, bà con Việt Yên vẫn hằng ngày đọc báo, nghe đài, tìm tin tức đơn vị chúng tôi. Mùa hè năm 1972 còn có mấy làng nửa đêm bật khóc, vì nghe tin cả đại đội sinh viên chúng tôi đã bị bom đánh, “hy sinh chả sót một ai”. Có mấy cô gái còn ôm nhau khóc, động viên nhau “chôn chặt mối tình đầu”. Chỉ đến khi kết thúc chiến tranh, bà con mới biết đó là tin giả. Tin “dữ” đó ra đời sau một giấc ngủ mê, từ cơn ác mộng của một cô giáo dạy học cạnh thao trường chúng tôi vẫn tập.
![]() |
Tiểu đội sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1971. Ảnh tư liệu |
Cuộc đời mỗi người lính chiến có đến hàng chục ngôi làng chúng tôi đã đi qua. Trong số đó, kỷ niệm sâu sắc nhất vẫn là kỷ niệm về ngôi làng đầu tiên ta đến đóng quân, gắn với một thao trường sau ngày nhập ngũ. Chúng tôi vẫn nhắc nhau một bài học kinh nghiệm: đổ mồ hôi thao trường thì sẽ bớt máu xương chiến trận. Nhân dân những ngôi làng Việt Yên và vùng trung du Bắc Giang đã động viên chúng tôi hăng say luyện tập, đổ mồ hôi nhiều hơn trên thao trường. Nhìn cảnh bà con lao động vất vả, đổ mồ hôi sôi nước mắt, những chàng tân binh chúng tôi không nỡ trễ nải, lười nhác luyện tập. Chính cuộc sống nhân dân đã trở thành động lực thúc đẩy chúng tôi nhanh chóng chiếm lĩnh tri thức quân sự và trình độ kỹ chiến thuật, để về sau giảm được thương vong trong chiến đấu. Và chúng tôi khi lên đường ra trận đã mang theo một tâm niệm: mình chiến đấu còn là để bảo vệ chính những ngôi làng này.
4/Chúng tôi biết rằng rất khó tìm ra dấu tích các thao trường. Những ngôi làng xưa rất dễ đã thành phố xá. Đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy bông đùa: “Các bác phải chuẩn bị nhiều quà vào nhé. Người yêu của các bác sẽ chống gậy hoặc ngồi xe lăn ra đầu ngõ đón, chờ nhận quà. Các bác về bây giờ khác gì Từ Thức lên sống với tiên, chán thượng giới, nhớ quê rồi lại về trần, các bác sẽ chả nhận được ai đâu. Huyện Việt Yên của chúng cháu, các bác thấy đấy, đã đô thị hóa, sắp có quyết định thành thị xã. Các thao trường xưa, chúng cháu đã thay bằng hàng chục sân vận động, các nhà thi đấu thể thao, các cung văn hóa”.
Câu nói nửa đùa nửa thật của đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy càng khiến chúng tôi chạnh lòng nhớ tới những người đồng đội đã hy sinh. Rất nhiều đồng đội của chúng tôi năm 1972 đã hy sinh, nằm lại trong các nghĩa trang Quảng Trị. Chúng tôi thương những đồng đội đã mất quá sớm trong những đợt dịch Covid và thương cả những đồng đội đã ngã bệnh, ốm yếu, không đủ sức ra khỏi nhà, để tham dự chuyến đi. Các anh đã không kịp về mà tìm dấu tích các thao trường, về mà hát với sông Thương!
Nhưng trong chúng tôi, nỗi buồn không che khuất niềm vui. Chúng tôi thầm nghĩ, mình đang sống thêm phần đời của những người đã khuất. Đó là hưởng cái niềm vui trở lại thao trường, tìm dấu tích làng xưa trong ngày 23 tháng 4 sắp tới. Nhiệt tình chào đón của các đồng chí lãnh đạo đảng bộ huyện Việt Yên làm những người lính già thế hệ “U bảy mươi” chúng tôi có cảm giác mình vẫn đang đứng bên các thế hệ trẻ hát chung một khúc quân hành.