1. Nguồn gốc lịch sử:
Người Pu Péo đã sinh sống lâu đời ở miền cực bắc Việt Nam. Người Pu Péo cư trú tại Hà Giang từ trước thế kỷ 18, một bộ phận khác đến muộn hơn, khoảng cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19.
2. Phân bố địa lý:
Hiện nay, người Pu Péo có mặt tại 20/63 tỉnh, thành phố của nước ta. Đồng bào cư trú tập trung tại các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai.
3. Dân số, ngôn ngữ:
- Dân số: Theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019, người Pu Péo có 903 người (trong đó, nam: 467 người và nữ: 436 người); cư trú chủ yếu tại tỉnh Hà Giang.
- Ngôn ngữ: Người Pu Péo nói ngôn ngữ Tày - Thái nhưng gần với tiếng Tày-Nùng hơn. Trong tiếng Tày-Nùng, “Pu” có nghĩa là “người”; “Péo” là cách gọi chệch đi của tên tự gọi là “Ka Bao” trước đây.
Người Pu Péo cúng lễ thần rừng. (Ảnh: vnexpress.net) |
4. Đặc điểm chính:
- Thiết chế xã hội truyền thống:Chủ làng là người cao tuổi nhất làng, có uy tín và nhiều kinh nghiệm trong ứng xử, thông hiểu phong tục, tập quán và có thể giữ luôn vai trò là thầy cúng để chủ trì các lễ cúng của bản. Chủ làng được người dân tín nhiệm bầu lên từ tập thể các chủ hộ trong bản, họ không chỉ đóng vai trò quản lý mọi công việc từ đời sống hằng ngày đến lao động sản xuất, mà còn có vai trò tâm linh đối với người dân trong trong bản.
- Tôn giáo, tín ngưỡng: Vũ trụ quan, Người Pu Péo quan niệm rằng, thế giới gồm 3 tầng: tầng trời, mặt đất và dưới mặt đất. Trong đó ở mỗi tầng, diện mạo con người khác nhau. Họ cho rằng, linh hồn tổ tiên luôn ở phía trên, còn người sống ở phía dưới.
Quan niệm về linh hồn, người Pu Péo tin rằng, với các vật thể còn sống, linh hồn tồn tại trong thể xác. Nó chính là năng lượng tạo ra hình thể và sự sống. Linh hồn của con người có phần phức tạp hơn linh hồn của muôn loài. Nó không chỉ là yếu tố tạo ra hình thể và sự sống mà còn hình thành nên tính cách, hành vi, tình cảm, tinh thần... của con người. Người Pu Péo quan niệm mỗi người có 8 hồn (m’rư vân ngóa) và 9 vía (m’xia vân au).
Một số nghi lễ trong đời sống tín ngưỡng: Lễ cúng thần rừng (ngoãngxau), Lễ xuống đồng (pạt oong), Lễ cúng trừ sâu bệnh, Lễ mừng lúa mới, Lễ cúng cơm mới...
- Nhà ở: Làm nhà là một trong những công việc lớn của đời người. Những người già quan niệm rằng: sự thành bại trong mỗi cuộc sống gia đình, mỗi cá nhân phụ thuộc rất nhiều vào “điền trạch”, chính vì thế” có rất nhiều tín ngưỡng chung quanh ngôi nhà của người Pu Péo, từ việc chọn đất đến quá trình xây cất và nghi thức về nhà mới.
Phụ nữ Pu Péo trong trang phục truyền thống. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
- Trang phục: Phụ nữ Pu Péo thường mặc áo dài đen, bên ngoài có yếm, trang trí trên y phục chủ yếu bằng cách ghép các miếng vải màu lại với nhau, tóc vấn trước được gài bằng chiếc lược gỗ, bên ngoài phủ tấm khăn vuông, có trang trí hoa văn nhiều sắc màu sặc sỡ. Y phục của phụ nữ Pu Péo có 3 phần: áo (bọc), váy (dong), yếm (pươi).
Đàn ông Pu Péo thường mặc bộ quần áo nhuộm màu chàm hoặc áo xanh, quần đen. Áo của đàn ông Pu Péo được may dài đến quá đầu gối, vạt áo trước ngắn hơn vạt áo sau khoảng 15cm. Y phục của đàn ông đặc biệt ở chỗ, ống cổ tay được may rộng khoảng 30-40cm. Chiếc áo này được mặc vào các dịp lễ, tết, cưới xin, ma chay. Giày của đàn ông thường tự khâu bằng vải màu đen và vỏ mo nang từ cây nứa, cây mai.
- Ẩm thực: Nguồn lương thực được sử dụng trong các bữa ăn của người Pu Péo chủ yếu là các sản phẩm từ trồng trọt như lúa, ngô. Từ 2 loại lương thực chính này, đồng bào chế biến nhiều món ăn khác nhau: cơm, cháo, chè và các loại bánh... Ngoài ra, đồng bào còn trồng thêm các loại cây khác như dong riềng, tam giác mạch.
Thực phẩm dùng trong các bữa ăn hằng ngày của người Pu Péo chủ yếu là các loại rau, đậu, bầu, bí. Người Pu Péo đặc biệt thích ăn các món luộc chấm nước mắm hoặc muối ớt và các món canh rau.
Một số món ăn chính trong bữa ăn hằng ngày của người Pu Péo gồm có: Cơm (mí), các món luộc (dúm lang), xào (sạ), canh(bắc ong),thịt lợn treo gác bếp (eo lắp).
Đồ uống: Bên cạnh các loại đồ uống thông thường như nhiều dân tộc khác, người Pu Péo có một số đồ uống đặc trưng là các loại nước kết hợp với thảo mộc (rễ, lá cây rừng, lá chè) và rượu. Loại rượu đặc trưng nhất là rượu ngô (pâu hú) nấu bằng men lá.
- Giáo dục: Theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019, tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông chiếm 83,0%, tỷ lệ đi học chung của trẻ em ở cấp tiểu học chiếm 100,0%, ở cấp trung học cơ sở là 100,0%, ở cấp trung học phổ thông là 72,3%.
Người Pu Péo có 2 hình thức canh tác chính là trồng trọt trên ruộng và trồng trọt trên nương. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
5. Điều kiện kinh tế:
Người Pu Péo có 2 hình thức canh tác chính là trồng trọt trên ruộng và trồng trọt trên nương. Tùy theo điều kiện tự nhiên từng khu vực cư trú của người Pu Péo mà canh tác ruộng hay nương rẫy được phát triển hơn. Chăn nuôi, là loại hình kinh tế bổ trợ quan trọng của gia đình người Pu Péo. Họ nuôi nhiều loại gia súc, gia cầm như trâu, bò, lợn, dê, chó, mèo, gà, vịt, ngan, ngỗng, chim bồ câu, ong...
Người Pu Péo biết làm nhiều nghề thủ công như dệt, mộc, đan lát, rèn, làm gạch ngói, nấu rượu ngô... Tuy nhiên, các sản phẩm thủ công chủ yếu chỉ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của các gia đình chứ ít trở thành hàng hóa. Nhiều nghề đang có xu hướng bị mai một.
Hoạt động trao đổi buôn bán ở người Pu Péo đã có từ lâu đời nhằm mục đích có được các sản phẩm phục vụ cho đời sống mà nền kinh tế tự cấp tự túc của họ không đáp ứng đủ. Họ tham gia hoạt động trao đổi buôn bán dưới nhiều hình thức: đi chợ phiên, mở cửa hàng tạp hóa, trao đổi qua biên giới.
● Français: L’ethnie Pu Péo
● English: Pu Peo ethnic minority group