1. Nguồn gốc lịch sử
Từ nhiều tài liệu cho thấy, Ơ Đu là tộc người sinh sống từ rất lâu đời tại vùng đất hai huyện Tương Dương và Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An hiện nay.
Tên tự gọi: Ơ Ðu hoặc I Ðu (người yêu thương).
Tên gọi khác: Tày Hạt (người đói rách)
2. Dân số:
Theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số 01/4/2019: Dân tộc Ơ Đu có tổng dân số: 428 người, trong đó nam là 237 người, nữ là 191 người. Tỷ lệ dân số sống ở khu vực nông thôn: 93,2%.
Người Ơ Đu vẫn giữ cách dệt vải truyền thống (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
3. Phân bố địa lý:
Người Ơ Đu tập trung tại huyện Tương Dương, Nghệ An.
4. Ngôn ngữ:
Thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ Me (ngữ hệ Nam Á). Hầu hết người Ơ Ðu dùng các tiếng Khơ Mú, Thái làm công cụ giao tiếp hàng ngày. Về giáo dục,nay tại nơi tái định cư, học sinh khối mầm non và tiểu học được học tại điểm trường khang trang ngay trung tâm bản. Nhiều lớp học tiếng Ơ Đu được mở do các bậc cao niên truyền dạy, thu hút đông đảo thanh thiếu niên tham gia.
Giáo dục: Theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số 01/4/2019: Tỷ lệ người Ơ Đu từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông: 89,4%; Tỷ lệ người đi học chung cấp tiểu học: 101,9%; Tỷ lệ người đi học chung cấp trung học cơ sở: 97,7%; Tỷ lệ người đi học chung cấp trung học phổ thông: 65,2%; Tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường: 6,7%.
Nhà ở truyền thống của người Ơ Đu. (Ảnh: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam) |
5. Đặc điểm chính:
Ăn: Người Ơ Ðu thường ăn 1 bữa phụ (sáng), 2 bữa chính (trưa và tối). Trước đây họ ăn xôi đồ, nay có cả cơm gạo tẻ, khi mất mùa ăn củ nâu, củ mài, hoặc sắn, ngô thay cơm. Họ thích uống rượu, hút thuốc lào.
Trang phục: Hiện nay, nam và nữ đều ăn mặc theo kiểu người Thái, Việt trong vùng. Những bộ trang phục cổ truyền còn rất ít.
Nhà ở: Trước đây, ngôi nhà truyền thống, nhà sàn, phải dựng quay đầu vào núi (dựng chiều dọc). Khi dựng cột phải tuân theo một thứ tự nhất định. Nay kiểu nhà này không còn nữa. Họ ở sàn nhà giống như nhà sàn người Thái.
Quan hệ xã hội: Do số lượng dân số ít, sống xen kẽ với người Khơ Mú và Thái cho nên các mặt quan hệ xã hội văn hóa của họ chịu nhiều ảnh hưởng hai dân tộc này. Người Ơ Ðu lấy họ theo họ Thái, Lào. Tổ chức dòng họ rất mờ nhạt. Trưởng họ là người có uy tín, được kính trọng và có vai trò lớn trong dòng họ. Gia đình người Ơ Ðu là gia đình nhỏ phụ quyền. Ðàn ông quyết định tất thẩy các công việc trong nhà. Phụ nữ không được hưởng thừa tự. Họ phổ biến tục ở rể. Lễ vật trong dịp cưới không thể thiếu là thịt sóc, thịt chuột sấy khô và cá ướp muối.
Thờ cúng: Người Ơ Ðu tin rằng khi người chết, hồn biến thành ma. Hồn thân thể ngụ tại bãi tha ma, hồn gốc ở chỏm tóc ở lại làm ma nhà. Ma nhà chỉ ở với con cháu một đời theo thứ tự từ con trai cả đến con trai thứ. Khi các con trai đã chết hết, người ta làm lễ tiễn ma nhà về với tổ tiên. Nơi thờ ma nhà tại góc hồi của gian thứ hai. Bàn thờ đơn giản, treo cao sát mái nhà.
Người Ơ Đu ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương nỗ lực bảo tồn văn hóa truyền thống, bản sắc của dân tộc mình (Ảnh: Báo Dân tộc) |
Lễ tết: Người Ơ Ðu ăn tết Nguyên đán, tết cơm mới. Ngày hội lớn nhất là lễ đón tiếng sấm trong năm. Ngày đó, cư dân khắp nơi đổ về mở hội tế trời, mổ trâu, bò, lợn ăn mừng tại bản Xốp Pột, xã Kim Ða, Tương Dương, Nghệ An.
Văn nghệ: Người Ơ Ðu sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ của người Khơ Mú, Thái như: sáo, khèn, chiêng, trống; thuộc các làn điệu dân ca Khơ Mú, Thái, kể chuyện dã sử.
Những thiếu nữ Ơ Đu uyển chuyển trong điệu múa truyền thống (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
6. Điều kiện kinh tế:
Người Ơ Ðu sinh sống chủ yếu bằng nương rẫy và một phần ruộng nước. Chăn nuôi trâu bò, lợn gà, dê khá phát triển. Ðan lát đồ gia dụng bằng giang, mây, một phần tiêu dùng, phần để trao đổi. Xưa họ còn biết dệt vải. Từ cuối năm 2006, người Ơ Đu sống xen ghép với người Khơ Mú, người Thái ở các bản vùng sâu, vùng xa của bốn xã thuộc huyện Tương Dương được tách ra và chuyển về sinh sống tập trung tại bản Văng Môn, xã Nga My (cùng thuộc huyện Tương Dương), đời sống kinh tế định canh định cư đã có nhiều chuyển biến.
Theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số 01/4/2019: Tỷ lệ hộ nghèo: 56,7%; Tỷ lệ hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh: 95,0%; Tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới để thắp sáng: 100,0%; Tỷ lệ thất nghiệp: 0,91 %; Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ: 4,5%; Tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực phi nông nghiệp: 13,2%; Tỷ lệ hộ làm nghề thủ công truyền thống: 2,01%
● Français: L’ethnie Ơ Đu
● English: O Du ethnic group