1.Nguồn gốc lịch sử:
Người Lự đã có mặt ở khu vực Xam Mứn (Ðiện Biên) ít nhất cũng trước thế kỷ 11,12. Tại đây họ đã xây thành Xam Mứn (Tam Vạn) và khai khẩn nhiều ruộng đồng. Vào thời chiến tranh phong kiến, người Lự phải phân tán đi khắp nơi, một bộ phận nhỏ chạy lên sinh sống ở vùng núi Phong Thổ, Sìn Hồ.
Các công trình nghiên cứu cơ bản đều có sự thống nhất về lịch sử của người Lự ở Việt Nam. Nhìn chung, các nhà nghiên cứu đều cho rằng, họ có nguồn gốc từ khu vực tây nam Trung Quốc, chủ yếu là từ tỉnh Vân Nam, di chuyển vào Việt Nam trước và sau thiên niên kỷ I sau Công nguyên. Họ là một trong những cộng đồng sớm có mặt ở Tây Bắc và đã đạt được một trình độ phát triển nhất định ở khu vực này.
Trong quá trình tồn tại và phát triển ở Tây Bắc, họ có mối quan hệ lịch sử, xã hội với nhiều tộc người, đặc biệt với cộng đồng người Thái Đen, do các chúa đất cầm đầu trong việc chiếm cứ đất đai, nhất là các vùng thung lũng, nơi thuận lợi cho kinh tế nông nghiệp vùng miền núi. Họ cũng có quan hệ với cộng đồng Lự ở Trung Quốc và Lào.
2.Phân bố địa lý:
Ngày nay, người Lự cư trú chủ yếu tại các xã Bản Hon, Bình Lư, Nà Tằm, huyện Tam Đường (thuộc huyện Phong Thổ cũ); các xã Ma Quai, Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu và một số ít sống rải rác, xen kẽ với người Thái ở huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên và huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu.
Người Lự cư trú thành cộng đồng bản tương đối tập trung và biệt lập ở vùng thấp ven chân núi và các thung lũng nhỏ. Trên địa bàn tỉnh Lai Châu, người Lự cư trú tập trung tại 17 bản thuộc bốn xã, hai huyện, với dân số các bản ít nhất từ 19 hộ với trên 100 khẩu (bản Bãi Trâu, xã Bản Hon, Tam Đường) và bản đông nhất hơn 120 hộ với hơn 600 khẩu (bản Đông Pao cũng thuộc xã Bản Hon, Tam Đường).
3.Dân số, ngôn ngữ:
* Dân số: Theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019, dân số dân tộc Lự là 6.757 người (trong đó nam: 3.439 người, nữ: 3.318).
* Ngôn ngữ: Tiếng nói chính thức của người Lự là tiếng Lự, thuộc nhóm ngôn ngữ Tày-Thái, họ ngôn ngữ Kra-Dai (Tai-Kadai). Người Lự cũng sử dụng ngôn ngữ chính thức tại các quốc gia mà họ sinh sống.
Dân tộc Lự có tiếng nói riêng tạo nên bản sắc văn hóa đặc trưng. Trong giao tiếp giữa các thành viên họ vẫn sử dụng ngôn ngữ truyền thống, ngoài ra còn sử dụng tiếng phổ thông (tiếng Việt) để giao tiếp với các cộng đồng khác. Bên cạnh đó, họ còn học và sử dụng một số tiếng của người Thái, Lào, H’Mông.
4.Đặc điểm chính:
Thiết chế xã hội truyền thống: Trong xã hội truyền thống, mỗi bản có người đứng đầu gọi là Tạo bản (trưởng bản) do dân bầu ra. Đó là người có tín nhiệm, làm ăn giỏi, có trách nhiệm đối với cộng đồng, có tiếng nói trong hệ thống chính quyền địa phương. Giúp việc cho trưởng bản có từ 1 đến 2 phó bản. Các bản còn lập ra Hội đồng bản, thành viên là các già bản và trưởng các dòng họ. Hội đồng đã giúp chính quyền thôn, bản trong việc điều hành, quản lý, gìn giữ an ninh trật tự, phát triển kinh tế...
Các bản của người Lự vận hành theo những quy ước chung của cộng đồng, gọi là Lệ bản bất thành văn. Mọi thành viên của bản đều phải tự giác chấp hành các quy định về hôn nhân, cưới xin, tang ma, quản lý đất đai, bảo vệ nguồn nước, an ninh trật tự, tín ngưỡng chung...
Tôn giáo, tín ngưỡng: Người Lự quan niệm vũ trụ có ba tầng: Mường Phạ (mường trời) - tầng cao nhất của thế giới các vị Then, nơi trú ngụ của tổ tiên các dòng họ (đẳm pang); Mường Piêng - tầng mặt đất, thế giới của con người và muôn vật; Mường Lúm (tầng dưới cùng) - thế giới của người lùn nằm sâu trong lòng đất. Mường trời hình tròn úp lên mặt đất, do Then lớn (then luông) chỉ huy các then đúc, then làm mưa, then ánh sáng, then xử tội... cai quản.
Tín ngưỡng dân gian của người Lự là tín ngưỡng đa thần. Người Lự tin rằng, các cơ thể sống đều có hồn, khi chết biến thành ma (phi). Người Lự quan niệm có ma lành và ma ác. Ma lành là ma tổ tiên, ma bản làng thường hay phù hộ con cháu mạnh khỏe, mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển. Ma ác là loại ma của những người chết bất đắc kỳ tử, không ai thờ cúng, hay quấy nhiễu vòi ăn hoặc ma sông, ma suối, ma rừng…
Trong tín ngưỡng dân gian của người Lự, việc cúng tổ tiên được quan tâm nhất. Người Lự thờ cúng tổ tiên ở gian “húng” trong nhà, mỗi năm một lần vào tháng Giêng (theo lịch người Lự, tương đương với tháng mười âm lịch).
Nhà ở: Người Lự có truyền thống ở nhà sàn (hương). Nhà của họ có hai mái, lợp cỏ gianh, mái phía sau và phía trước kéo dài xuống che kín hàng hiên sàn, đồng thời che cầu thang. Khác với người Thái, Lào, nhà người Lự có một cửa ra vào, luôn hướng về phía tây bắc và một cửa ra sân phơi.
(Ảnh: Thành Đạt) |
Văn nghệ dân gian: Hát Lự (Khắp Lử) là cách con gái dùng một khăn vải màu đỏ che mặt hát theo tiếng sáo đôi do con trai thổi đệm. Xưa, vào lúc màn đêm buông xuống, các đôi nam nữ ngồi trên chiếu cói trải giữa sân say sưa hát, thổi sáo cùng nhau đến tận nửa đêm.
Trang phục: Phụ nữ Lự vẫn mặc bộ trang phục truyền thống được dệt may thủ công, thêu hoa văn tinh xảo. Từ khâu trồng bông, cán bông, xe sợi đến khi thành hình tấm áo, manh quần đều do tay người phụ nữ Lự đảm nhiệm. Bộ nữ phục Lự gồm: khăn, áo, váy, thắt lưng và các đồ trang sức đi kèm như hoa tai, vòng cổ, vòng tay, xà tích, túi…
Để trang điểm thêm, trên mỗi khăn, họ đều đính những dây cườm màu vàng có kết những tua bông ngũ sắc ở đầu dây. Đối với các cô gái trẻ chưa có chồng, trong những dịp lễ, tết, hội hè, cưới xin họ còn nối thêm vào đầu khăn một dải kim loại màu trắng và gắn thêm nhiều tua bông vắt theo dải khăn phía sau đầu.
Trong các dịp lễ, phụ nữ lớn tuổi thường mặc áo dài màu đen, kín tà (chỉ xẻ một quãng ngắn ở dưới hông), người Việt gọi là áo “tầm vông” hay áo “cổ Bà Lai”, quần ống rộng, màu đen và quanh cổ quấn một khăn trắng vắt qua vai thành hai múi. Nếu trong gia đình và họ hàng có người thân qua đời thì mọi phụ nữ trong nhà phải tháo những dây cườm có kết tủa bông màu ra và phải qua một cái Tết (âm lịch) mới đeo trở lại đủ bộ.
Khi còn bé, trẻ em gái sau khi xỏ lỗ tai, phải đeo tăm với số lượng tăng dần, đến khi đủ rộng sẽ chuyển sang đeo hoa tai. Hoa tai (mỏk păc hự) gồm một khối hình trụ rỗng, hai đầu có chốt giữ bằng bạc (tảng).
Đàn ông Lự thường đeo gươm, không những để tự vệ mà còn là một cách trang trí. Trước đây, đàn ông Lự cũng có tục để râu dài, xăm mình, xâu tai, nhuộm răng đen, ngày nay họ đã bỏ thói quen này. Trang phục của phụ nữ Lự rất giàu tính thẩm mỹ, nhất là nghệ thuật sử dụng màu sắc, trang trí các mô típ hoa văn.
Ẩm thực: Nguồn lương thực đáp ứng nhu cầu ăn uống của người Lự là lúa, ngô và các loại hoa màu khác do kinh tế sản xuất mang lại. Đến nay tập quán và món ăn truyền thống vẫn còn giữ được những nét cơ bản trong đời sống gia đình và cộng đồng. Gạo, ngô, khoai, sắn, dong riềng, rau, đậu và một số lâm sản, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản... là nguồn nguyên liệu chính trong chế biến các món ăn của người Lự.
Các món ăn chế biến từ lương thực gồm có: xôi đồ từ gạo nếp, cơm và cháo nấu từ gạo tẻ. Ngô, khoai, đậu là lương thực phụ trợ quan trọng. Các món ăn từ lương thực được chế biến bằng cách đồ, nấu, luộc...
(Ảnh: Thành Đạt) |
Giáo dục: Theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019, tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông chiếm 49,7%, tỷ lệ đi học chung của trẻ em ở cấp tiểu học chiếm 101,0%, ở cấp trung học cơ sở là 96,1%, ở cấp trung học phổ thông là 54,9%.
5.Điều kiện kinh tế:
Trồng trọt: Người Lự là cư dân thành thạo canh tác lúa nước, dùng sức kéo trâu, bò để cày bừa, làm đất; sử dụng phân xanh, phân chuồng để bón lúa; tạo lập một hệ thống mương phải tưới tiêu nước hoàn chỉnh. Đặc biệt, người Lự có tập quán đào mương chung quanh các thửa ruộng, vừa để ngăn trâu bò vào phá hoại lúa, vừa lấy đất đắp bờ cao giữ nước. Kỹ thuật canh tác nhổ mạ hai lần, lần đầu mạ đơm thành khóm lớn, sau đó mới xẻ nhỏ, cấy từng cây lúa giúp cây lúa phát triển mạnh hơn.
Trong quá trình canh tác, nam giới làm các công việc nặng như cày bừa, nhổ mạ, đập lúa, phát nương đốt rẫy, còn người phụ nữ thì cấy, làm cỏ, gặt lúa, phơi phóng.
Chăn nuôi: Bên cạnh trồng trọt, chăn nuôi là một lợi thế của dân tộc Lự. Đây là hoạt động kinh tế quan trọng trong việc cung cấp sức kéo, thịt... cho các hộ gia đình và địa phương, hằng năm mang lại thu nhập đáng kể cho các hộ gia đình. Người Lự thường chăn nuôi trâu để lấy sức kéo; nuôi lợn, gà, vịt để lấy thịt; nuôi ngựa để thồ ngô, lúa,...
Khai thác các nguồn lợi tự nhiên: Đâylà tập quán sinh kế từ lâu đời trong đời sống của người Lự. Săn bắt là công việc của nam giới, thường tiến hành vào lúc nông nhàn hoặc khi muông thú xuất hiện vào mùa ngô, lúa, hoa màu sắp thu hoạch. Họ thường đi săn theo hình thức cá nhân hoặc tập thể.
Nghề thủ công: Người Lự nổi tiếng khéo tay trong các nghề đan lát, dệt vải, đúc bạc nén và làm đồ trang sức. Trong những đồ dùng sinh hoạt gia đình do người Lự tạo ra gồm có: rổ, rá, giỏ đựng rau, đồ nhuộm răng... Tất cả những sản phẩm này đều nhằm đáp ứng nhu cầu của đời sống tự cung tự cấp.
● Français: L'ethnie Lự
● English: Lu ethnic minority group