Trang phục của phụ nữ dân tộc Lào rất rực rỡ. (Ảnh: TRẦN THÀNH ĐẠT)
Trang phục của phụ nữ dân tộc Lào rất rực rỡ. (Ảnh: TRẦN THÀNH ĐẠT)

Dân tộc Lào

NDO - Đồng bào dân tộc Lào sinh sống chủ yếu ở khu vực Tây Bắc, Bắc Trung Bộ. Người Lào thích ca múa và có vốn văn học dân gian phong phú với nhiều huyền thoại, cổ tích, dân ca...

1. Nguồn gốc lịch sử:

Dân tộc Lào ở nước ta vốn di cư từ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào.

2. Phân bố địa lý:
Đồng bào dân tộc Lào sinh sống chủ yếu ở khu vực Tây Bắc, Bắc Trung Bộ như: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Tĩnh… và một số di chuyển tới cao nguyên Nam Trung Bộ.

3. Dân số: Theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019, người Lào ở Việt Nam có 17.532 người. Trong đó, có 8.991 nam và 8.541 nữ.

4. Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (ngữ hệ Thái – Kađai).

Dân tộc Lào ảnh 1

Phụ nữ dân tộc Lào. (Ảnh: KHIẾU MINH)

5. Đặc điểm chính:

- Nhà ở: Ngôi nhà của người Lào thường được chia làm hai phần chính. Phía ngoài là nơi ăn uống, bếp núc và sinh hoạt của toàn gia đình. Phía trong là một dãy buồng riêng - nơi nghỉ ngơi của cha mẹ, con cái. Nếu nhà của trưởng họ hay thầy cúng thì còn có thêm một buồng riêng để thờ cúng.

- Trang phục: Phụ nữ Lào thường mặc áo ngắn (chỉ che ngang ngực) và mặc thân váy dài thắt ngang ngực, buông ngang tầm bắp chân. Gấu váy thêu hoa văn màu tươi sáng rực rỡ như hình cây lá, chim muông... Ngoài áo ngắn ra, loại áo dài của phụ nữ Lào cũng được may bằng vải nhuộm chàm, theo kiểu tứ thân, mở ngực, cài cúc, phía sau có đường nối giữa lưng. Ngoài váy và áo, phụ nữ Lào thường có thêm phụ kiện như: khăn piêu đội đầu, trâm bạc cài tóc…

Dân tộc Lào ảnh 2

Trang phục nam giới dân tộc Lào. (Ảnh: KHIẾU MINH)

Bộ trang phục truyền thống của nam giới người Lào gồm: khăn đội đầu, khăn quàng, áo may bằng vải chàm hoặc vải thồi, kiểu lá tọa không có dây rút, khi mặc dùng dây lưng thắt bên ngoài.

- Ẩm thực: Người Lào ăn gạo nếp là chính. Cá, ốc, ếch, lươn, tôm, tép... đánh bắt được là những thực phẩm ưa thích trong các bữa ăn hằng ngày. Ngoài nguồn rau xanh trồng được quanh vườn, trên nương rẫy, người Lào còn khai thác, hái lượm các loại rau, củ, quả từ rừng. Họ thích ăn các loại rau quả có vị đắng, chua, chát.

Ngoài muối, họ thường dùng “pa-đẹc” (mắm cá) để nêm thức ăn. Những ngày lễ hội hay bữa cơm khách ở nông thôn lẫn thành thị thường có món gỏi cá hoặc gỏi thịt trâu, thịt bò, gọi là “lạp”.

Dân tộc Lào ảnh 3
Phụ nữ dân tộc Lào. (Ảnh: TRẦN THÀNH ĐẠT)

-Nghệ thuật: Người Lào rất thích ca múa, đặc biệt là các làn điệu dân ca truyền thống. Người Lào có vốn văn học dân gian phong phú với nhiều huyền thoại, cổ tích, dân ca... Dân ca của Lào có nhiều loại như lăm, khắp, kạp, ăn nẳng xử... mang sắc thái riêng của từng miền, từng địa phương. Trong đó, lăm sử dụng nhiều thể loại thơ được quần chúng ưa thích và phổ biến trong cả nước.

Phụ nữ Lào không chỉ hát hay mà còn rất giỏi các điệu dân vũ. Các điệu múa của người Lào thường uyển chuyển, nhịp nhàng theo nhịp trống, động tác khá tự do, mang đậm màu sắc dân tộc. Họ thường sử dụng những nhạc cụ như khèn bè, trống, trống cơm, các loại đàn, sáo...

- Thiết chế xã hội: Ngày nay, hệ thống tổ chức chính quyền đến tận thôn, bản, ở mỗi thôn, bản đều có bí thư chi bộ thôn, bản và trưởng thôn, bản là những người đứng đầu lãnh đạo thôn, bản. Ngoài ra, còn có những bậc già làng là những người lớn tuổi, có uy tín trong thôn, bản có ảnh hưởng lớn đến từng cá nhân trong cộng đồng. Người dân tuân thủ theo điều hành về hành chính của cấp thôn, bản.

- Tôn giáo, tín ngưỡng: Người Lào có tín ngưỡng đa thần, trong đó, việc thờ cúng tổ tiên đối với họ rất quan trọng. Mỗi bản làng có một thầy cúng chuyên việc cúng lễ khi có người đau ốm, tang ma..

Phật giáo ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hóa và xã hội người Lào. Người Lào theo Phật lịch và ăn Tết vào tháng 4 âm lịch hằng năm.

Dân tộc Lào ảnh 4
Một điệu múa của người dân tộc Lào. (Ảnh: TRẦN THÀNH ĐẠT)

- Điều kiện kinh tế:

Người Lào ở Việt Nam chủ yếu làm ruộng nước kết hợp với nương rẫy. Người Lào có nông lịch rõ ràng, chặt chẽ về thời vụ và những việc liên quan đến xen canh gối vụ, thu hoạch. Đồng bào canh tác được 2 vụ lúa/năm; vụ chiêm cấy vào tháng 11, tháng 12 hoặc đầu tháng 1, vụ mùa cấy vào tháng 6, tháng 7. Ngoài ra, bà con còn trồng các loại hoa màu, rau củ cho đến các loại rau thơm... Một số nơi trồng ngô, sắn và hoa màu khác. Bà con cũng chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Nghề phụ của người Lào rất phong phú. Họ làm gốm bằng bàn xoay với các sản phẩm như chum vại, vò, ché, nồi. Nghề dệt nổi tiếng với các kỹ thuật như: dệt trơn, dệt khuýt, dệt cát, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao, thể hiện thẩm mỹ tinh tế. Nghề rèn, nghề chạm bạc... cũng góp phần cho thu nhập đáng kể đối với nhiều gia đình.

-Điều kiện giáo dục: Theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019, tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông là 71,1%; tỷ lệ đi học chung của trẻ em ở cấp tiểu học: 100,5%; ở cấp trung học cơ sở là 96%; ở cấp trung học phổ thông: 48,9%. Tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết đọc, viết chữ dân tộc mình là 1,39%. Tỷ lệ trẻ em dân tộc Lào trên 5 tuổi được đi học chiếm 99,63%.

(Nguồn:

- Các dân tộc ở Việt Nam (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật)

- Đặc trưng cơ bản của 54 dân tộc thiểu số năm 2019 (Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê)

- Website Ủy ban Dân tộc

- Kết quả điều tra thu thập thông tin về tình trạng kinh tế xã hội của 54 dân tộc Việt Nam)

● English: Lao ethnic minority group

● Français: L’ethnie Lào