1. Nguồn gốc lịch sử:
Hiện nay có hai luồng ý kiến khác nhau về nguồn gốc của người Bru-Vân Kiều, nhưng đa phần các ý kiến đều cho rằng, đây là cư dân bản địa, sống lâu đời ở vùng Trung Đông Dương. Sau những biến động lịch sử, họ di cư đi các nơi, trong đó có một bộ phận đi về hướng đông và tụ cư ở miền tây tỉnh Quảng Trị của Việt Nam.
Tộc Bru-Vân Kiều còn có tên gọi khác là Bru, Vân Kiều, chia thành 5 nhóm địa phương: Bru, Vân Kiều, Mang Cong, Trì và Khùa.
Nhà ở của người Vân Kiều. (Nguồn: Báo Dân tộc) |
2. Phân bố địa lý:
Người Bru-Vân Kiều cư trú tại 39/63 tỉnh, thành phố nhưng tập trung chủ yếu tại 3 tỉnh: Quảng Trị, Quảng Bình và Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, còn một số lượng nhỏ người Bru-Vân Kiều hiện đang cư trú ở Đắk Lắk do Mỹ-Ngụy cưỡng ép di cư vào năm 1972.
3. Dân số, ngôn ngữ:
- Dân số: Theo số liệu điều tra 53 dân tộc thiểu số 1/4/ 2019, tổng dân số người Bru-Vân Kiều: 94.598 người; dân số nam: 47.301 người; dân số nữ: 47.297 người; quy mô hộ: 4.5 người/hộ; tỷ lệ dân số sống ở khu vực nông thôn: 91.9%.
- Ngôn ngữ: Ngôn ngữ của người Bru là tiếng Bru, một ngôn ngữ thuộc nhóm Môn- Khơ Me (ngữ hệ Nam Á), gần gũi với Tiếng Tà Ôi, Cơ Tu.
Thiếu nữ Bru-Vân Kiều. (Ảnh: Thành Đạt) |
4. Đặc điểm chính:
- Thiết chế xã hội truyền thống: Người Bru-Vân Kiều quần cư thành Vil (Làng).Mỗi vil có một bộ máy tổ chức điều hành và quản lý mọi sinh hoạt của cộng đồng với người đứng đầu là xuất vil (chủ làng). Giúp việc cho xuất vil trong việc quản lý sinh hoạt cộng đồng là hội đồng già làng (bao gồm các xuất mu, xuất tape). Xã hội truyền thống của người Bru-Vân Kiều còn có chủ xứ, đây là người đứng đầu xứ (kruông), có công phát hiện ra vùng đất mới và sáng lập ra làng. Với hình thức sở hữu tập thể, tất cả các thành viên trong vil đều có quyền sở hữu và khai thác mọi tài nguyên đất đai, rừng núi, sông suối,... thuộc phạm vi của vil.
- Nhà ở: Nhà truyền thống của người Vân Kiều là nhà sàn nhỏ (thường gồm 3, 4 gian), chia làm 2 phần rõ rệt, được ngăn cách bằng một bức phên có tính ước lệ và thông nhau bằng một cửa phụ. Phần ngoài thường gồm 2 gian gọi là: pum (phía ngoài, gần cửa ra vào) và poong (phía trong, nơi thờ cúng).
Đồng bào Bru-Vân Kiều hiện còn lưu giữ nhiều lễ hội độc đáo. (Báo Dân tộc và phát triển) |
- Trang phục: Theo phong tục, nam giới người Bru-Vân Kiều thường đóng khố, có thêm khăn đội đầu; còn nữ giới mặc áo không có ống tay, cổ được khoét tròn hoặc vuông, và váy (xấn) là nguyên tấm vải quấn quanh thân rồi dùng dây vải buộc chặt.
Đàn ông, đàn bà người Bru–Vân Kiều đều búi tóc.
- Tôn giáo, tín ngưỡng: Theo truyền thống, người Bru-Vân Kiều coi trọng việc thờ cúng tổ tiên, ngoài ra còn thờ các thần linh như thần lúa, thần bếp, thần núi, thần đất, thần sông nước. Người Vân Kiều nhận thức về thế giới quan cho rằng vạn vật hữu linh. Vì vậy thần lúa, thần sông được sắp xếp thứ tự để thờ trong nhà và ngoài rừng với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Đặc biệt là thần lúa được nâng lên cao nhất, được sùng bái với nhiều lễ thức quan trọng.
Đồng bào Bru Vân Kiều hiện còn lưu giữ nhiều lễ hội độc đáo. (Ảnh: Báo Dân tộc và phát triển)
- Ẩm thực: Người Bru-Vân Kiều thích các món nướng. Họ ăn cơm tẻ thường ngày. Còn vào các dịp lễ hội đồng bào ăn cơm nếp nấu trong ống tre tươi. Đồng bào Vân Kiều quen ăn bốc, uống nước lã và rượu cần. Nam nữ đều thích hút thuốc lá bằng tẩu làm từ đất nung hoặc cây le.
Ảnh: Thành Đạt |
- Nhạc cụ: Nhạc cụ phổ biến của người Bru-Vân kiều là: cồng, chiêng, đàn Achung, Plư, Ta-lư, kèn Amam, Ta-ral,...
- Giáo dục: Trước đây, nền giáo dục học đường không tồn tại ở vùng người Bru - Vân Kiều. Nhưng với sự đầu tư của Nhà nước và các tổ chức phi chính phủ, tình trạng giáo dục của người Vân Kiều đã có những bước chuyển biến tích cực.
Theo số liệu điều tra 53 dân tộc thiểu số 1/4/ 2019: tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông là 66.7%, tỷ lệ người đi học chung cấp tiểu học 101.9%, tỷ lệ người đi học chung cấp trung học cơ sở là 86.9%, tỷ lệ người đi học chung cấp trung học phổ thông là 33.2%, tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường là 19.3%.
- Hôn nhân: Ở dân tộc Bru-Vân Kiều, sau khi cưới, cô dâu về ở nhà chồng. Sau lễ cưới, đôi vợ chồng còn phải làm "lễ cưới" lần thứ 2 khi có điều kiện về kinh tế, gọi là lễ Khơi, để người vợ chính thức được coi là thành viên dòng họ nhà chồng.
- Lễ tết: Người Bru-Vân Kiều có nhiều lễ cúng khác nhau trong quá trình canh tác lúa rẫy nhằm cầu mùa, gắn với các khâu, phát, trỉa và thu hoạch. Ðặc biệt lễ thức trước dịp trỉa lúa diễn ra như một ngày hội của dân làng. Trong một đời người, mỗi người cũng có hàng loạt nghi lễ cúng về bản thân mình như: khi ra đời, lúc đau ốm, khi qua đời, lúc thành hôn v.v...
Một số nhạc cụ của đồng bào Bru-Vân Kiều. (Ảnh: Báo Dân tộc và phát triển) |
5. Điều kiện kinh tế:
Từ bao đời nay, người Bru-Vân Kiều sống chủ yếu bằng canh tác rẫy, trồng lúa. Họ sử dụng nông cụ thô sơ như: rìu, dao quắm, gậy trỉa,... với phương thức sản xuất đơn giản: phát rừng, đốt, rồi chọc lỗ gieo hạt giống, làm cỏ, tuốt lúa bằng tay. Ngoài kinh tế nông nghiệp, người Bru-Vân Kiều còn chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà,... Họ không phát triển nghệ thủ công và chủ yếu trao đổi hàng hoá với người Việt và người Lào.
Theo số liệu điều tra 53 dân tộc thiểu số 1/4/ 2019: Dân tộc Bru-Vân Kiều có: Tỷ lệ thất nghiệp 2.82%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ: 4.5%; Tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực phi nông nghiệp: 8.4%; Tỷ trọng lao động làm công việc quản lý hoặc CMKT bậc cao và trung: 0.12%; Tỷ lệ hộ nghèo: 56%; Tỷ lệ hộ cận nghèo: 12.4%; Tỷ lệ hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh: 48.5%; Tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới để thắp sáng: 93.8%.
● Français: L’ethnie Bru-Vân Kiều
● English: Bru - Van Kieu minority group