Nam nữ thanh niên Ba na. (Ảnh: Thành Đạt)
Nam nữ thanh niên Ba na. (Ảnh: Thành Đạt)

Dân tộc Ba na

NDO - Là tộc người có dân số đông nhất trong các dân tộc nói ngôn ngữ Môn-Khơ-me ở Tây Nguyên và thứ hai ở Việt Nam, lịch sử phát triển của dân tộc Ba na gắn liền lịch sử các dân tộc Tây Nguyên, hình thành một nền văn hóa độc đáo và đặc sắc.

1. Nguồn gốc lịch sử:

Tổ tiên người Ba na chủ yếu sinh sống tại vùng dưới núi Mang Yang, dọc theo hai bờ sông Ba trở về phía đông tới những huyện đồng bằng giáp ranh miền núi và các huyện miền núi của tỉnh Bình Định, về sau, do tác động của quá trình di dân qua các thời kỳ, người Ba na chuyển cư dần sang phía tây tới lưu vực các sông Ayun, Đắk Bla và đến tận Kon Tum như hiện nay. Có thể nói, lịch sử của người Ba na gắn liền với lịch sử các dân tộc Tây Nguyên.

Dân tộc Ba na có tên tự gọi chung là “Bahnar”, có nghĩa là “Người ở núi”. Ngoài ra, họ còn có tên gọi khác là Bơ Nâm, Roh, Kon Kđe, Ala Kông, Kpang Kông…

Dân tộc Ba na ảnh 1
Nhà rông của người Ba na. (Ảnh: Báo Dân tộc và phát triển)

2. Phân bố địa lý:

Ðịa bàn cư trú của người Ba na trải rộng trên các tỉnh Gia Lai, Kon Tum và miền tây của Bình Ðịnh, Phú Yên và Khánh Hòa.

3. Dân số, ngôn ngữ:

- Dân số: Theo số liệu điều tra 53 dân tộc thiểu số 1/4/ 2019, tổng dân số người Ba na: 286.910 người; dân số nam: 141.758 người; dân số nữ: 145.152 người; quy mô hộ: 4,6 người/hộ; tỷ lệ dân số sống ở khu vực nông thôn: 89,5%.

- Ngôn ngữ: Người Ba na nói tiếng Ba na - một ngôn ngữ thuộc nhóm Môn-Khơ Me (ngữ hệ Nam Á).

4. Đặc điểm chính:

- Thiết chế xã hội truyền thống: Người Ba na sống quần cư thành Làng, gọi là plei. Làng của người Ba na được đặt ở nơi bằng phẳng hoặc tương đối bằng phẳng, ven các sông suối, với quy mô không lớn. Mặc dù chế độ mẫu hệ đã tan rã trong xã hội người Ba na nhưng tàn dư vẫn thể hiện rõ trong quan hệ gia đình, tộc họ và hôn nhân như: sau hôn nhân còn phổ biến tập quán cư trú phía nhà vợ.

- Nhà ở: Người Ba na ở nhà sàn làm bằng tranh tre nứa lá. Nếu xưa kia, nhà sàn dài hàng chục gian, là nơi sinh sống của một gia đình lớn, thì đến nay, người dân đã thay thế bằng kiểu nhà sàn 3 gian hoặc 5 gian, dành cho gia đình nhỏ gồm 2 hoặc 3 thế hệ cùng sinh sống.

Nổi bật lên giữa các buôn làng đồng bào Ba na là những ngôi nhà rông cao vút, được dựng ở vị trí trang trọng nhất trong làng. Đó là nơi sinh hoạt văn hóa chung của làng.

Dân tộc Ba na ảnh 2
Lễ cưới truyền thống của người Ba na (Gia Lai). (Nguồn: Làng văn hóa-du lịch các dân tộc Việt Nam)

- Trang phục: Vào ngày thường, nam giới đồng bào Ba na đóng khố ở trần, chỉ vào những ngày lễ hội họ mới mặc áo và quấn khăn trên đầu. Còn phụ nữ thường mặc váy, áo và quấn khăn trên đầu.

- Tôn giáo, tín ngưỡng: Trong hệ thống tín ngưỡng của người Ba na, sự sống hiển hiện như một thể thống nhất và là sự sắp đặt từ bàn tay của các vị thần linh (yang). Trong đó, Bok Kei Dei và Yă Kuh Keh là cặp đôi thần linh tối cao -là người sáng tạo ra tất cả và coi sóc con người, mùa màng. Ngoài ra, họ còn thờ thần Rừng (yang Bri), thần Đất (yang The), thần Đá (yang Tmo), thần Núi (yang Kông),...

- Ẩm thực: Hằng ngày, đồng bào Ba na ăn cơm gạo tẻ. Vào những dịp cúng lễ hoặc khi có khách quý, người Ba na thường uống rượu cần được chế biến từ lúa, ngô, sắn, kê, ủ với một loại men làm từ các loại thảo dược. Nam nữ người Ba na đều thích hút thuốc lá.

Dân tộc Ba na ảnh 3

(Ảnh: Thành Đạt)

- Giáo dục: Việc giáo dục truyền thống cho thanh thiếu niên người Ba na đ­ược tổ chức thư­ờng xuyên tại nhà làng do các già làng đảm nhiệm. Đó cũng là nơi dạy nghề, huấn luyện chiến đấu và học tập các truyền thống văn hóa của cộng đồng.

Theo số liệu điều tra 53 dân tộc thiểu số 1/4/ 2019: tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông là 67.8%, tỷ lệ người đi học chung cấp tiểu học 99.6%, tỷ lệ người đi học chung cấp trung học cơ sở là 69.1%, tỷ lệ người đi học chung cấp trung học phổ thông là 20%, tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường là 28.4%.

Dân tộc Ba na ảnh 4
Lễ hội của người Ba na. (Ảnh: Báo Dân tộc và phát triển)

- Hôn nhân: Người Ba na thực hiện chế đố hôn nhân một vợ, một chồng, cư trú luân phiên và theo nguyên tắc nội hôn tộc người và ngoại hôn dòng họ. Kết thúc các chu kỳ luân cư­ thì đôi vợ chồng ra ở riêng.

- Lễ tết: Trước đây, người Ba na thường ăn tết cổ truyền sau khi thu hoạch. Hiện nay, đồng bào ăn tết theo người Kinh.

5. Điều kiện kinh tế:

Người Ba na sống chủ yếu dựa vào canh tác nương rẫy. Bên cạnh nương rẫy, người Ba na còn làm ruộng nước, ruộng khô và trồng cây dài ngày.

Cùng với trồng trọt, từng gia đình thường nuôi gia cầm, gia súc. Nghề thủ công của người Ba na gồm có đan lát, dệt vải, rèn, làm gốm, điêu khắc gỗ,... trong đó, đan lát và dệt vải chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tộc người.

Hiện nay, hoạt động mua bán của người Ba-na chủ yếu được thực hiện với người Kinh thông qua các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng dịch vụ buôn bán nhỏ tại địa phương hoặc những lái buôn, người bán rong.

Dân tộc Ba na ảnh 5
Một trong những hoa văn trên thổ cẩm của người Ba na. (Nguồn: Làng văn hóa-du lịch các dân tộc Việt Nam)

Theo số liệu điều tra 53 dân tộc thiểu số 1/4/ 2019: Dân tộc Ba-na có: Tỷ lệ thất nghiệp 1.71%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ: 2.3%; Tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực phi nông nghiệp: 4.6%; Tỷ trọng lao động làm công việc quản lý hoặc CMKT bậc cao và trung: 0.9%; Tỷ lệ hộ nghèo: 31.3%; Tỷ lệ hộ cận nghèo: 18.1%; Tỷ lệ hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh: 88.7%; Tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới để thắp sáng: 98.6%.

● Français: L’ethnie Ba Na

● English: Bahnar ethnic minority group