Cả 3 quả luân lưu đều được thực hiện tương tự nhau và cả 3 pha cứu thua của thủ môn người Bồ Đào Nha Diogo Costa cũng gần giống nhau, khi mỗi lần anh đều đổ người ngay trước khi các cầu thủ Slovenia thực hiện pha đá.
Nhà thần kinh học Jean-Pierre Bresciani ở Thụy Sĩ tin rằng, các quả luân lưu không hoàn toàn là trò chơi may rủi mà có thể được cải thiện thông qua luyện tập, bao gồm khả năng phản ứng nhanh hơn để chuyển hướng quả đá phạt đền khi thủ môn di chuyển trước.
Nhóm nghiên cứu của ông tại Đại học Friborg đã thiết kế một công cụ sân tập di động đơn giản mà họ cho rằng có thể nâng cao kỹ năng vận động giác quan của cầu thủ lên 28%, cũng như có thể tăng xác suất chuyển hướng này lên hơn 1/3 dựa trên các kết quả thử nghiệm của họ.
Nhóm có các cầu thủ chuyên nghiệp thường xuyên thực hiện các quả phạt đền trước một thủ môn được tạo nên bởi công nghệ 3D có ngoại hình và chuyển động mô phỏng theo những thủ môn cấp cao nhất của bóng đá thế giới.
Diogo Costa - Người hùng giải cứu Bồ Đào Nha
Được kết nối với kính thực tế ảo tăng cường, phần mềm cung cấp ngẫu nhiên cho người thực hiện quả phạt đền một vị trí mục tiêu. Ngay trước khi bóng được sút, thủ môn 3D bắt đầu đổ người, khiến cầu thủ thực hiện quả phạt phải làm theo hướng dẫn quy định hoặc nhanh chóng điều chỉnh hướng sút bóng.
Hệ thống này đã được thử nghiệm trên 13 cầu thủ trẻ từ 16-18 tuổi của các câu lạc bộ FC Basel và FC Luzern, trong số đó có 8 cầu thủ thuộc biên chế đội tuyển trẻ quốc gia Thụy Sĩ. Họ đã thực hiện 10 lượt sút với 20 quả phạt đền cùng thiết bị mô phỏng.
Kết quả, tất cả cầu thủ tham gia đều cắt giảm đáng kể thời gian phản hồi hoặc ngưỡng vận động cảm giác, với mức giảm trung bình từ 429 mili giây xuống còn 309 mili giây, mức giảm mà các nhà nghiên cứu cho biết có thể tăng cơ hội chuyển đổi lên 35% nếu duy trì thông qua tập luyện.
Ông Bresciani nói: “Tôi biết hệ thống này sẽ hoạt động vì chúng tôi đã thử nghiệm, nó có thể là một công cụ rất hữu ích”, đồng thời cho biết thêm một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm trước đó của nhóm nghiên cứu với khoảng 100 cầu thủ cũng cho thấy xu hướng tương tự.
Nhà nghiên cứu này cho biết, các cầu thủ nói trên luôn có phản ứng tốt hơn, cho thấy việc họ đã cải thiện được ngưỡng vận động cảm giác. “Điều chúng tôi đã cải thiện là khả năng của não trong việc sử dụng thông tin hình ảnh về thủ môn để điều khiển cú sút nhanh hơn và hiệu quả hơn”, ông nhấn mạnh.
Ronaldo và đồng đội đi tiếp dù đá hỏng 11m
Theo ông Bresciani, công cụ này không thể mô phỏng sự mệt mỏi hoặc áp lực tâm lý lên các cầu thủ trong một tình huống đá luân lưu, nhưng có thể cải thiện mức độ sẵn sàng của họ, với khả năng chuyển đổi sự sẵn sàng này sang các khu vực khác trên sân, nơi phản ứng nhanh hơn có thể góp phần vào việc thay đổi cục diện trận đấu.
Các thuật toán của phần mềm là tối ưu trong việc điều chỉnh để phản hồi tương ứng với sự tiến bộ hoặc sự mệt mỏi của từng cầu thủ, bằng cách điều chỉnh thời gian di chuyển của thủ môn để duy trì cùng một mức độ khó.
Bresciani cho biết, ưu điểm của hệ thống nằm ở độ chính xác và nhỏ gọn, cần rất ít thiết bị, trong khi các pha đổ người của thủ môn 3D có thể được lập trình đến từng mili giây, điều mà một "thủ môn được huấn luyện" ngoài đời thực không thể sao chép được.
Thủ môn di chuyển trước khi cầu thủ thực hiện đá phạt tiếp xúc với bóng không có gì mới, nhưng các quyết định của họ ngày càng được mổ xẻ nhiều hơn nhờ phân tích dữ liệu, với việc các công ty cung cấp cho các đội thông tin thống kê chuyên sâu về kỹ thuật và thói quen ưu tiên trong khi thực hiện phạt đền của các cầu thủ.
Đội tuyển Đức trong quá trình tập luyện chuẩn bị cho EURO 2024. (Ảnh: Reuters) |
Đội tuyển Đức tại EURO 2024 có sự hỗ trợ của tập đoàn phần mềm SAP trong việc theo dõi đối thủ, với các chuyên gia phân tích trận đấu cung cấp cho huấn luyện viên và cầu thủ những thông tin về đối thủ trực tiếp tới máy tính bảng và điện thoại thông minh của họ thông qua các ứng dụng có tính năng nhắn tin để thảo luận về các thông tin này.
Theo SAP, đội có quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu ngay trước khi trận đấu bắt đầu, bao gồm thông tin về đội hình xuất phát của đối phương, hình ảnh trực quan hóa bằng video có chú thích và phân tích về các cầu thủ chủ chốt.
Đáng chú ý, phần mềm cũng cung cấp dữ liệu cụ thể cho các tình huống sút luân lưu, với thông tin thông minh về mô hình hành vi của cầu thủ thực hiện luân lưu và thủ môn, bao gồm cả việc phân tích liệu sở thích đá phạt đền của một số cầu thủ có thể thay đổi dưới áp lực hay không.
Tuy nhiên, đại diện SAP cho biết, họ có quyền cung cấp dữ liệu hoặc thông tin cụ thể về cách đội tuyển Đức sử dụng phần mềm này về mặt chiến thuật trong suốt giải đấu.
Để hỗ trợ công tác trọng tài - công nghệ thôi vẫn chưa đủ
Đang hướng tới việc tăng cường áp dụng trí tuệ nhân tạo, Liên đoàn Bóng đá Đức đã tiếp cận các mô hình mà họ hy vọng có thể giúp trinh sát bằng cách khai thác dữ liệu trung bình 1.500 trận đấu mỗi mùa, và cũng giúp việc tổng hợp phân tích dữ liệu trở nên dễ dàng hơn cho các đội tuyển quốc gia để chuẩn bị trước khi bước vào thi đấu.
Ông Martin Vogelbein, chuyên gia thuộc bộ phận phân tích trận đấu của Liên đoàn Bóng đá Đức cho biết, điều đó sẽ giúp giảm thiểu các nhiệm vụ mà các chuyên gia phân tích trận đấu của liên đoàn đang thực hiện một cách thủ công, đồng thời giúp tiết kiệm thời gian cần thiết để giải đáp một loạt câu hỏi liên quan đến việc chuẩn bị cho các trận đấu.