“Cuộc chiến” VCPMC - Skymusic

Việc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thông báo sẽ kiện Công ty cổ phần Skymusic (chuyên phân phối nhạc số) cho thấy “cuộc chiến” bản quyền giữa hai đơn vị đã bước vào một giai đoạn then chốt. Trong cái rủi có cái may, việc đưa nhau ra tòa được xem là động thái văn minh khi mà bản quyền vẫn là câu chuyện khó nói bấy lâu.

VCPMC trong cuộc họp báo công bố sẽ kiện Skymusic ngày 19-12.
VCPMC trong cuộc họp báo công bố sẽ kiện Skymusic ngày 19-12.

Đi kiện và cú huých thị trường tác quyền

Sáng 19-12, VCPMC họp báo công bố sẽ khởi kiện Skymusic vì những vi phạm trong suốt thời gian qua. Trước đó, vào tháng 11, Skymusic cũng chính thức gửi đơn kiện VCPMC có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh, đưa tin sai sự thật làm giảm uy tín của Skymusic. Khoan bàn đến tính đúng sai, bởi mọi việc chỉ có thể giải quyết bằng một (hoặc nhiều) phiên tòa trong tương lai, cuộc tranh cãi giữa hai đơn vị cho thấy, việc quản lý bản quyền, tác quyền ở Việt Nam đang “rối như hẹ”.

Từ trước đến nay, ở khâu đại diện cho tác giả về bản quyền, VCPMC hầu như một mình một mặt trận. Trong tay trung tâm này đang có 700 tác giả đã ký hợp đồng ủy quyền quyền tác giả. Trong khi đó, với lý lẽ riêng, Skymusic cho rằng mình có tác quyền và các quyền liên quan. Những viện dẫn luật của hai bên trước công chúng cho đến thời điểm này đều mới chỉ từ một chiều.

Thực tế thì cả hai đều đã không ít lần gặp cảnh bị tố vì cách làm việc của mình. Tháng 4-2018, gia đình nhạc sĩ An Thuyên đã thông báo chính thức rút toàn bộ tác phẩm của nhạc sĩ ra khỏi VCPMC để tự bảo vệ, khai thác. Năm 2017, nhạc sĩ Phú Quang cũng đã từng gay gắt tố cáo việc thu chi không minh bạch của VCPMC. Ông chỉ trở lại hợp tác với VCPMC thời gian gần đây. Đến nay, một loạt nhạc sĩ khác cũng lần lượt rút khỏi VCPMC như Nguyễn Lân Cường, Quốc Bảo…

Trong khi ấy, tháng 11 vừa qua, Skymusic cũng bị hơn 40 nhạc sĩ như Hoài An, Thế Hiển, Nguyễn Văn Chung... phản ứng gay gắt về việc sử dụng trái phép các tác phẩm để kinh doanh dịch vụ giải pháp âm nhạc. Đơn cử như nhạc sĩ Hoài An bị sử dụng trái phép tới 192 ca khúc. Là đơn vị nắm giữ quyền tác giả của các nhạc sĩ này, VCPMC cho hay 90% các tác giả trong kho dữ liệu của Skymusic thuộc thẩm quyền bảo vệ của VCPMC. Skymusic chỉ sở hữu quyền liên quan với các tác giả này.

VCPMC tố Skymusic có dấu hiệu gian dối khi tự ý lập bảng phân phối, phân chia tiền nhuận bút với mức rất thấp mà không có bất kỳ sự cho phép nào của tác giả. Tuy nhiên, nhiều tác giả cũng đã lên tiếng việc không hề ký hợp đồng với VCPMC nhưng hằng tháng vẫn tự dưng… nhận được tiền tác quyền. Đặc biệt là các tác giả phần lời ca khúc. Chính VCPMC cũng thừa nhận họ cứ thu nhưng nhiều tác giả họ không có cách nào liên hệ được và đành… chờ.

Cần một cơ chế minh bạch

Chưa có phiên tòa nào nhưng có thể nhận thấy rõ cả VCPMC lẫn Skymusic đều có những biểu hiện thiếu rõ ràng trong công việc. Đa phần các nghệ sĩ khi ủy quyền cho cả hai bên đều khá mù mờ về quyền, trách nhiệm của mình. Một thí dụ là ông Thế Hiển - con trai nhạc sĩ Thế Song - cho biết cách đây 15 năm, nhạc sĩ đã ký hợp đồng ủy thác quyền tác giả cho VCPMC. Tuy nhiên, khi nhạc sĩ qua đời (tháng 5-2018), phía VCPMC cũng chưa có động thái làm việc với gia đình để thay đổi các điều khoản người thụ hưởng tiền bản quyền, tác quyền. Vấn đề này đã từng xảy ra tương tự với gia đình nhạc sĩ An Thuyên. Vợ cố nhạc sĩ An Thuyên lý giải có quý bà nhận hơn 10 triệu đồng, có quý 8 triệu đồng, có quý 30 triệu đồng, nhưng họ căn cứ vào cái gì, làm ra sao gia đình bà không được biết. “Gia đình không biết họ thu tiền thế nào, có ai đang sử dụng bài hát của ông”, bà cho hay.

Cuộc tranh cãi giữa Skymusic và VCPMC vẫn còn vướng mắc ở khâu tính toán. Trong khi VCPMC tính tiền bản quyền theo gói, thì Skymusic lại định lượng bằng đo đếm tần suất tự động. Một đơn vị giấu tên cho hay, khi phát một bài hát trên các nền tảng khác nhau, các đơn vị này phải trả tiền theo gói cho từng hạ tầng: “Một bài hát phát trên Youtube có vài triệu view, và bài hát vài trăm view họ vẫn tính tiền tác quyền như nhau, như vậy là bất hợp lý”. Thực tế cho thấy, có một số ca sĩ do không nắm được về việc tác quyền đã bị VCPMC report trên các trang Youtube của chính mình, dù họ đã trả tiền tác quyền cho nhạc sĩ (bởi chưa nắm được tác quyền sử dụng trên nền tảng mạng xã hội). Trong khi đó, Skymusic lại có lợi thế đo bản phát nhạc đều qua thiết bị phần mềm đo đếm nên nắm được số liệu bài hát sử dụng bao nhiêu lần, của nhạc sĩ nào. Đây cũng là điểm mấu chốt để Skymusic không đồng tình với con số bồi thường 3,3 tỷ mà VCPMC đưa ra cho việc vi phạm bản quyền trước đó, dẫn đến kiện tụng hiện nay.

Không thể phủ nhận đây là một ca nổi bật của câu chuyện bản quyền Việt Nam. Việc nhiều hơn một đơn vị đứng ra đại diện cho tác giả sẽ thúc đẩy thị trường bản quyền sôi động hơn, khách hàng có nhiều lựa chọn hơn. Về lâu dài, việc giải quyết nhờ tòa án sẽ có một án lệ để các bên có cơ sở cho những lần sau.