Cùng đi tảo mộ

Với đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở vùng cao Bắc Kạn thì ngày 3/3 âm lịch được xem là ngày Tết lớn, là ngày anh em, họ hàng có dịp quây quần và họp mặt.
0:00 / 0:00
0:00
Tảo mộ ở huyện Chợ Đồn vào ngày 3 tháng 3 âm lịch. Ảnh: HƯƠNG LIỄU
Tảo mộ ở huyện Chợ Đồn vào ngày 3 tháng 3 âm lịch. Ảnh: HƯƠNG LIỄU

Nét độc đáo này vốn là “căn cước văn hóa” của đồng bào Tày, Nùng, giờ đây đã được giao thoa, lan tỏa sang cả đồng bào dân tộc Kinh sinh sống nhiều năm ở vùng cao.

Tết Thanh minh của người Tày, Nùng Bắc Kạn còn gọi là Tết “bươn slam, so slam” (tức mồng 3 tháng 3 âm lịch). Cứ vào dịp đầu tháng ba âm lịch hằng năm, người dân Bắc Kạn lại rộn ràng sắm sửa mâm cỗ, vàng hương... để tổ chức Tết Thanh minh.

Anh Đặng Văn Bắc, quê ở Bắc Giang. Quá trình công tác trong quân đội, gắn bó với miền núi Bắc Kạn, anh bén duyên, nên vợ nên chồng với một cô y tá người dân tộc Tày. Từ chỗ lạ lẫm, ngày bươn slam, so slam đã trở thành điều quen thuộc, không thể thiếu đối với anh. Theo anh, tưởng nhớ đến ông, bà tổ tiên là văn hóa truyền thống của cả dân tộc. Nhiều năm qua đã chuyển công tác về Hà Nội rồi Hòa Bình, xa Bắc Kạn rất nhiều nhưng dù bận bịu, xa xôi, anh Bắc vẫn gần như không bao giờ vắng mặt ở gia đình bên ngoại tại Bắc Kạn trong ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch.

Với những ai chưa từng chứng kiến, khi bắt gặp quang cảnh ở miền núi Bắc Kạn vào ngày mồng 3 tháng 3 có thể sẽ rất bất ngờ. Từ ngày và đêm hôm trước, anh, em, con cháu đã tề tựu đông đủ, thường là ở gia đình người có uy tín, thứ bậc cao nhất trong dòng họ. Cả gia đình quây quần chuẩn bị đồ lễ cho hôm sau lên mộ thắp hương. Thanh niên, trai tráng thì chuẩn bị cuốc, xẻng, dao để hôm sau dọn dẹp mộ phần cho những người đã khuất.

Ngay từ sáng sớm, khi sương chưa tan, từng đoàn người đã kéo nhau lên những sườn đồi, chân núi, nơi quy tụ, chôn cất những người đã khuất trong dòng họ. Sau phần nghi lễ, thanh niên, trai tráng sẽ bắt tay phát cây, dọn cỏ chung quanh mộ. Những lễ vật chuẩn bị từ hôm trước được bày ra trước từng phần mộ. Sau khi thắp hương xong, những người già cả sẽ cẩn thận đưa những cháu nhỏ trong dòng họ đến trước từng ngôi mộ để giới thiệu, nhắc nhở về tổ tiên. Sau đó, toàn thể gia đình sẽ về tập trung ăn Tết tại một gia đình trong họ.

Gia đình cụ Phạm Long, quê gốc ở Hải Dương. Từ những năm 1960 của thế kỷ trước, gia đình cụ lên lập vùng kinh tế mới ở Bắc Kạn. Dần dà, giao thoa văn hóa, bên cạnh gìn giữ, trung thành với nét văn hóa truyền thống của người xứ Đông, gia đình cụ Long cũng hưởng ứng ngày Tết mồng 3 tháng 3 âm lịch. Cứ đến ngày, con cháu trong nhà dù ở xa cũng tề tựu để dọn dẹp, sửa sang phần mộ và dâng lễ cho ông bà tổ tiên. Cho đến nay, phần lớn đồng bào dân tộc Kinh sinh sống ở Bắc Kạn cũng đi tảo mộ vào ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch. Điều này đã dần trở thành một nét văn hóa quen thuộc. Hình ảnh các gia đình quây quần bên phần mộ tổ tiên trong tết Thanh minh ở Bắc Kạn đã tạo nên nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc vẫn đang được các thế hệ giữ gìn và phát huy.