Biển, đảo trong trái tim trung du
Các thành viên CLB Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương chia sẻ, mỗi khi làm triển lãm ảnh về Trường Sa, hỏi các em học sinh (HS) tiểu học ai đã được đến biển, thường chỉ lác đác dưới mười cánh tay giơ lên. Nhưng cũng chính ở miền đất Tổ, lại hiện hữu những điều hết sức đặc biệt như Trường tiểu học Yên Tập, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ có một mô hình cột mốc Trường Sa tỷ lệ như cột mốc thật, được đặt giữa vườn hoa rực rỡ, ngay cạnh cổng trường.
Toàn địa phương đã chung tay xây dựng mô hình cột mốc chủ quyền với mong muốn các em HS ở độ tuổi tiểu học sẽ có cái nhìn trực quan, từ đó chủ động tìm hiểu thông tin về biển, đảo, phần chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và thể hiện qua việc làm cụ thể trong môi trường giáo dục, cuộc sống thường ngày. Chỉ sau bốn tháng phát động (từ 22-12-2020), giờ đây, huyện Cẩm Khê đã có 25 công trình mô hình cột mốc Trường Sa thông qua phát động của chính quyền, ngành giáo dục và sự tham gia của xã hội. Tổng giá trị xây dựng 25 cột mốc chủ yếu từ nguồn xã hội hóa. Không chỉ HS, phụ huynh, thầy cô giáo, mà các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn, cựu chiến binh… cũng chung tay đóng góp. Cụm công trình tác động tích cực đến nhận thức, tình cảm của thế hệ trẻ trên địa bàn. Mỗi em HS từ cấp tiểu học đã có thể đọc rõ tọa độ đảo Trường Sa của Việt Nam, dễ dàng hình dung và tự hào về chủ quyền Tổ quốc. Gặp gỡ, trò chuyện tại các nhà trường, chúng tôi bắt gặp những ánh mắt sáng ngời, tươi vui của thầy cô giáo và đặc biệt là các em HS.
Được biết, có tới 80 điểm trường, tính cả trường mầm non của địa phương đều đang trồng và chăm sóc cây bàng quả vuông đưa về từ Trường Sa. Những mầm cây vươn lên, những đóa hoa bung nở, tán rợp mát sân trường… sẽ mang đến cho nhiều thế hệ HS cảm xúc về vùng biển, đảo thân thương, tuy xa cách về địa lý nhưng rất gần gũi về tình cảm. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cẩm Khê Bùi Xuân Vĩnh chia sẻ: “Các em HS là những chủ nhân tương lai. Ngoài việc học kiến thức, kỹ năng, các em cần bồi đắp tình yêu quê hương đất nước và con người. Biển, đảo là một phần máu thịt của Tổ quốc, do cha ông ta đã đổ bao mồ hôi, xương máu giữ gìn. Chúng ta cần có trách nhiệm tiếp tục bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, đúng như lời Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cách đây gần 500 năm: “Biển Đông vạn dặm giang tay giữ/Đất Việt muôn năm vững trị bình”.
Cùng với việc tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển, đảo thông qua mô hình cột mốc, ngành giáo dục, huyện đoàn, các nhà trường huyện Cẩm Khê đã và đang có nhiều hoạt động cuốn hút khác. Trong buổi ngoại khóa, triển lãm ảnh và hiện vật về quần đảo Trường Sa tháng 12-2020, thầy và trò Trường THCS Sông Thao đã trao tặng Chương trình “Xuân biên giới - Tết Hải đảo năm 2020” 32 triệu đồng tiền mặt và nhiều hiện vật với tổng trị giá 42,7 triệu đồng. 100% các cơ sở giáo dục trong toàn huyện đã tổ chức hoạt động tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và HS với nhiều hình thức phong phú: Tọa đàm, giao lưu, vẽ tranh, viết thư cho các chú bộ đội hải quân, tích hợp giáo dục chủ quyền biển, đảo vào các môn học, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp… Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Phú Thọ tặng Trường Sa và Nhà giàn DK1 một tấn mì Hùng Lô, 150 kg chè và rất nhiều nón lá.
Đưa niềm tin ra khơi…
Trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, Đại tá Phan Ngọc Quang, Chính ủy Lữ đoàn 685, Vùng 4 Hải quân đã di chuyển chặng đường khá xa từ Cam Ranh, Khánh Hòa ra Hà Nội và đến với vùng đất Cẩm Khê để tham dự sự kiện tuyên truyền về chủ quyền và tình yêu biển, đảo. Hình ảnh người lính hải quân hiện hữu đầy gần gũi, ấm áp trong màn song ca “Gần lắm Trường Sa” giữa Đại tá Phan Ngọc Quang và một cô giáo Trường THPT Phương Xá. Trong phần giao lưu với các em HS, anh mang theo quà tặng đầy ý nghĩa là những lá cờ Tổ quốc bạc mầu từng tung bay ở Trường Sa, sau khi xong nhiệm vụ, được hạ xuống, đóng dấu đảo và đã theo chuyến tàu trở về đất liền để lưu lại tại các trường học.
“Các em thân mến! Một lá cờ Tổ quốc tung bay nơi hải đảo xa xôi, có khi chưa đầy một tuần lễ sẽ sờn rách vì gió lớn. Nhưng, tất cả những lá cờ đã làm nhiệm vụ sẽ được nâng niu, gìn giữ để trở về đất mẹ. Đó là điều vô cùng thiêng liêng”, lời chia sẻ của Đại tá Phan Ngọc Quang khiến nhiều thầy cô và HS rưng rưng ánh mắt. Mô hình cột mốc chủ quyền, ốc biển, cây bàng quả vuông, tranh ảnh… cũng là những món quà ý nghĩa được các đơn vị hải quân gửi tặng các nhà trường ở Cẩm Khê dịp này. Vẻ đẹp nền nã, dịu dàng của quê hương Cẩm Khê qua những vành nón lá trở thành món quà địa phương gửi qua Đại tá Phan Ngọc Quang tặng hậu phương cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi đảo xa, thể hiện tình cảm sẻ chia, gắn bó từ trong đất liền. Chính ủy Lữ đoàn 685 tâm sự, sau khi tiếp nhận tình cảm của bà con Cẩm Khê, anh sẽ mang món quà này vào khu đô thị Cam Ranh, nơi có rất nhiều người mẹ, người vợ của bộ đội hải quân đang sinh sống để trao tận tay các bà, các mẹ, các chị.
Thượng tá Vũ Hữu Kiêm, Trưởng phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị Hải quân trực tiếp thông tin đến gần 1.200 lượt cán bộ, giáo viên, HS Trường THPT Phương Xá về cách nhận biết và xác định vùng nội thủy, đường cơ sở, vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam; phạm vi các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam theo Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982; cơ sở pháp lý và thực tiễn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; vai trò, tiềm năng, thế mạnh của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; truyền thống của Hải quân nhân dân Việt Nam… Phần thông tin bổ ích khiến HS chăm chú lắng nghe, quên đi cái nắng gay gắt đầu mùa. Trung tá Phạm Văn Giang, Chủ nhiệm Nhà văn hóa Quân chủng Hải quân lại có màn hát ngẫu hứng với chất giọng khỏe khoắn, cao vút tạo khí thế để hàng nghìn đôi tay giơ cao vỗ tay nhịp sóng.
Các thầy cô nhấn mạnh, ở những địa phương không biển, đảo và đường biên giới như Phú Thọ, càng cần thiết có những phương thức tuyên truyền giáo dục trực quan sinh động và tình cảm thắm thiết như mô hình cột mốc chủ quyền, trồng và chăm sóc cây bàng quả vuông, gặp gỡ giao lưu với cán bộ, chiến sĩ hải quân… Qua đó, mỗi HS sẽ trở thành một tuyên truyền viên tích cực, đem những kiến thức đã được truyền dạy để lan tỏa tới người thân, gia đình và cộng đồng xã hội, đưa tình yêu, niềm tin về biển, đảo ra khơi.
Hàng nghìn em học sinh Trường THPT Phương Xá sau khi cùng thực hiện màn đồng diễn tiết mục hát múa “Tổ quốc gọi tên mình”, xem phóng sự về các hoạt động tuyên truyền chủ quyền biển, đảo; tận mắt ngắm lá cờ Tổ quốc mang về từ Trường Sa đã không giấu nổi niềm xúc động. Các thầy cô giáo chia sẻ, nhiều HS ở địa phương chưa một lần được ra đến biển nhưng các em đã nỗ lực học tập, rèn luyện để vươn tới ước mơ trở thành người chiến sĩ hải quân, bảo vệ vùng biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.