Mái đỏ trên đồi cỏ xanh
Mưa đêm vừa tạnh, bầu trời vùng cao Nam Trà My trong xanh. Con đường dẫn vào nóc Tắk Pổ vài đoạn đã được đổ bê-tông. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số nơi đất đá ngổn ngang, vật liệu xây dựng được tập kết thành từng cụm.
Gần 12 giờ trưa, chiếc xe máy cũ kỹ của thầy Lê Huy Phương, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập rồ ga bon bon ngược dốc lên điểm trường. Thầy Phương vừa di chuyển quãng đường gần 4km quanh co từ điểm trường chính lên đây. Mấy tuần vừa qua, thầy Phương thường xuyên có mặt tại điểm trường cùng anh em xây dựng hoàn tất những phần cuối cùng cho ngôi trường mới.
Sau đợt mưa cuối tháng 8, khoảng đất trước sân trường mềm nhũn. Xi-măng được đội xây dựng che chắn kỹ lưỡng bởi nếu nước mưa thấm vào sẽ hỏng vật tư; mặt khác gây lãng phí tiền của, công sức của nhiều người vận chuyển vật liệu từ dưới xã lên điểm trường. Ngày đưa vật liệu lên đây, người có xe thì còn chở được. Ai đi bộ phải thay nhau vác gần một buổi mới lên tới nóc này. Xi-măng, sắt thép, cát sỏi lần lượt được khuân bộ vào.
Nặng nhọc, đường đi khấp khểnh nhưng ai cũng vui.
Giữa rừng núi bao quanh, đội thợ xây chạy đua cho kịp bàn giao trường. Lúi húi cả ngày phụ giúp đội thợ, thầy Phương cho biết, có thêm một người thì công việc đỡ vất vả hơn. Cùng làm với anh em vừa nhanh, vừa hối thúc tiến độ, quan sát bảo đảm chất lượng của công trình theo đúng bản vẽ.
Ngôi trường được thiết kế với bảy phòng liền kề nhau, trong đó có hai phòng dành cho việc dạy học. Các phòng còn lại dùng vào những việc phụ trợ, nhà ăn uống… Vị trí đặt móng trường mới nằm ở chính địa điểm mái trường gỗ những năm trước. Cuối năm 2020, công trình xây trường bắt đầu khởi công. Tuy nhiên do ảnh hưởng dịch bệnh, việc xây dựng bị trì hoãn suốt gần một năm. Đến đầu năm 2022, Ban giám hiệu nhà trường quyết định tiếp tục. Thầy Phương cho biết: “Về phần móng của ngôi trường được bên thiết kế làm rất kỹ. Độ sâu chân móng đổ bê-tông cốt thép sâu gần nửa mét. Phía trên liên kết với lớp sàn nhà trám xi-măng dày 10cm để tăng độ chống chịu. Ở khu vực này thường xảy ra giông lốc nên chúng tôi vẫn đang cố chằng chống phần mái cho an toàn khi mùa mưa bão đang đến rất gần”.
Hiện tại nhà trường đã bố trí và vận chuyển đủ số lượng bàn ghế lên cho học sinh. Ở điểm trường này đến nay vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Do đó, thầy Phương cùng nhà trường đang liên hệ các nhà hảo tâm cùng hỗ trợ thêm hệ thống điện mặt trời, phục vụ công tác dạy và học được tốt hơn.
Trải qua những đợt mang vác đồ đạc xây dựng lỉnh kỉnh lên nóc Tắk Pổ, thầy Lê Huy Phương vẫn không quên những cú trượt chân do đường đi trơn ướt. Vận chuyển vật tư lên xây trường phải phụ thuộc thời tiết rất nhiều. Vài chục kg xi-măng cũng rất quý giá ở nơi này. Anh em xây dựng cùng bà con trên nóc canh chừng những ngày nắng, đường đi khô ráo liền tiến hành chở cát sỏi, sắt thép lên làm ngay. Cũng bởi thời tiết khắc nghiệt nên tiến độ thi công thường bị ảnh hưởng.
“Trên này, chỉ cần trời nắng hai ba hôm là gọi người chở vật tư lên tập kết. Những khúc đường đất dưới chân núi chỉ cần mưa qua vài phút sẽ trơn, rất nguy hiểm ngay cả khi mình đi bộ. Không có phương tiện nào chở đồ lên được”, thầy Phương nhớ lại.
“Trường của em be bé”
Ước mơ về ngôi trường sạch đẹp, vững chãi của bao lớp học trò, thầy cô giáo rẻo cao Tắk Pổ đã dần được hiện thực hóa. Nam Trà My những ngày cuối thu trời hay mưa về chiều. Là một điểm trường lẻ, xa xôi nên ngôi trường ở nóc Tắk Pổ luôn nhận được sự quan tâm, chịu khó của những người làm giáo dục. Vị Hiệu trưởng điểm trường tâm sự: “Bản thân tôi và các thầy cô rất mong ngôi trường mới sẽ sớm hoàn thiện cho năm học này. Cầu mong thời tiết thuận lợi để thi công được nhanh. Nếu mọi thứ ổn định, khoảng nửa cuối tháng 9 này chúng tôi sẽ đưa vào sử dụng, giảng dạy ở các dãy phòng học”.
Năm học này, điểm trường Tắk Pổ có tất cả 37 học sinh con em đồng bào Ca Dong gồm lớp mẫu giáo và các lớp tiểu học. Nhà các em học sinh sống rải rác trên triền núi Ngọc Linh. Những ngày cuối cùng của kỳ nghỉ hè, đám trẻ chụm ba chụm bảy dưới mái hiên ngôi trường đang xây. Tiếng hát non nớt nghêu ngao khắp vùng đỉnh đồi. Cuộc sống nơi rẻo cao yên bình khi hằng ngày phụ huynh đi làm trên nương rẫy tối mịt mới về, các con thì đến trường học lấy cái chữ.
Ở ngôi trường xa xôi này, hình ảnh cô giáo Trà Thị Thu đã thân quen với cuộc sống của đồng bào Ca Dong. Hiện tại, cô Thu được phân công về điểm trường khác. Những ngày tháng đứng lớp ở nóc, cô Thu không ngừng cập nhật, nâng cao bài giảng cho học sinh. “Hai năm qua chương trình giáo dục đã thay đổi ở lớp 1 và 2. Ở tại điểm trường Tắk Pổ là các lớp ghép nên cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc dạy học chương trình mới. Đặc biệt năm học vừa rồi trúng dịch Covid-19 nên phải dồn chương trình rất nặng. Bản thân mình thì mới dạy lớp ghép 1 và 2 trong năm học vừa qua. Để học sinh có hướng học tập tốt hơn, giáo viên các lớp học tiến hành lồng ghép thêm các trò chơi vào giờ dạy để các em đỡ nhàm chán khi học và tiếp thu bài nhanh hơn”, cô Thu chia sẻ.
Sống gắn bó với bà con nhiều năm qua, các thầy cô ở nóc Tắk Pổ hiểu rõ cái khó nhọc, điều kiện sinh hoạt còn nhiều thiếu thốn của đồng bào. Mỗi đứa trẻ học được con chữ ở nơi khó khăn là một quá trình cố gắng. Cũng như nhiều nơi khác, lớp học vùng cao này có những em học sinh tiếp thu bài học rất nhanh. Tuy nhiên vẫn còn một vài em chưa theo kịp bạn bè. Sự kiên trì từng ngày bám lớp của các thầy cô, đặc biệt vào giai đoạn tựu trường càng thể hiện rõ.