Công cụ tốt không thể thay nhà báo giỏi

Tính sáng tạo, kinh nghiệm thực tế và các quy tắc đạo đức là điều mà không trí tuệ nhân tạo nào có thể thay thế.
0:00 / 0:00
0:00
Công cụ tốt không thể thay nhà báo giỏi

Người đứng đầu một tòa soạn hay một cơ quan báo chí không cần có quá nhiều hiểu biết về công nghệ: "Họ chỉ cần có một tư tưởng cởi mở để tạo cơ hội cho những người trẻ thử nghiệm".

Nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân

Vào 8 giờ sáng 12/2/2023, một phóng sự dài 7 phút có tên "Xu hướng phát triển trí thông minh nhân tạo tại Việt Nam" được phát trên sóng của Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh. Đây là sản phẩm báo chí đầu tiên tại Việt Nam do một ứng dụng sử dụng công nghệ của trí tuệ nhân tạo (AI) - ChatGPT viết kịch bản.

Tuy nhiên, ngay sau khi trực tiếp thử nghiệm, nhà báo Ngô Trần Thịnh tuyên bố: "Tôi sẽ không dùng nữa". Ông lý giải, việc để một ứng dụng AI độc lập sản xuất nội dung giúp người làm báo tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức nhưng chất lượng đầu ra chỉ đạt mức trung bình. Phóng sự này đã mất đi sự hấp dẫn và độc đáo mà một tác phẩm báo chí cần phải có.

"Các ứng dụng của AI chỉ nên được dùng như những công cụ hỗ trợ đắc lực chứ chưa thể sản xuất nội dung độc lập" - ông Thịnh khuyến nghị.

Công cụ tốt không thể thay nhà báo giỏi  ảnh 1

Nhà báo Ngô Trần Thịnh.

AI là công cụ hỗ trợ đắc lực

Từ năm 2015, VietnamPlus là tòa soạn tiên phong tại Việt Nam trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất tác phẩm báo chí. Sau gần 10 năm ứng dụng, ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập VietnamPlus nói: "Trí tuệ nhân tạo giúp chúng tôi giảm giá thành sản xuất chỉ còn một phần mười".

Việc giảm chi phí sản xuất đến từ hai yếu tố chính: Giảm thời gian và đa dạng kỹ năng sản xuất cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên.

"Nhờ có Wochit - một ứng dụng sử dụng AI để biên tập video, chúng tôi chỉ mất 15 phút để hoàn thiện một video có phụ đề và lồng tiếng. Trong khi đó, với phần mềm cũ, một phóng viên phải mất tới hai giờ để sản xuất"- Phó Tổng Biên tập VietnamPlus cho biết.

Với quỹ thời gian dôi ra, tòa soạn có thể nâng cao và đa dạng các kỹ năng công việc của phóng viên, biên tập viên bằng nhiều hình thức đào tạo, trong đó có AI.

Trước đây, một tòa soạn sẽ cần có thiết bị tốt, nhân lực được đào tạo bài bản (thường là nhà thiết kế hoặc họa sĩ) mới có thể sản xuất đồ họa. Nhưng nhờ có sự nở rộ của trí tuệ nhân tạo mà bất kỳ phóng viên, biên tập viên nào cũng có thể tạo ra các sản phẩm đồ họa bằng nhiều công cụ trực tuyến với giá thành rất rẻ.

"Với những công cụ như: Flourish, Infogram,... phóng viên, biên tập viên nào cũng có thể sản xuất đồ họa. Họ sản xuất ở bất kỳ đâu, bất cứ khi nào và trên bất cứ thiết bị nào. Tất cả những gì họ cần chỉ là một buổi sáng đào tạo" - ông Hoàng Nhật nói.

Không chỉ dừng lại ở đồ họa hay biên tập video, các ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã có thể hỗ trợ người làm báo trong rất nhiều công việc như: giải băng, lồng tiếng, đo lường, phân tích, tổng hợp dữ liệu,… mà không tốn nhiều thời gian, chi phí đào tạo cũng như đầu tư cho máy móc, phần mềm.

Nhìn lại hành trình số hóa của tòa soạn, Phó Tổng Biên tập VietnamPlus khẳng định: "Việc đầu tư công nghệ càng ngày càng rẻ. Bởi rất nhiều công ty công nghệ, nhất là các công ty khởi nghiệp sẵn sàng cung cấp dịch vụ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho báo chí với giá rẻ, thậm chí là miễn phí".

Cuối năm 2022, ChatGPT chính thức ra mắt người dùng thế giới. Đây một chatbot ứng dụng AI để tạo ra văn bản. Với khả năng sử dụng đa ngôn ngữ tự nhiên, ChatGPT đã có thể tạo ra nhiều đoạn văn, đoạn thơ, kịch bản,… chỉ với một dòng lệnh đơn giản.

Ứng dụng này đã khiến AI có một bước tiến xa hơn nữa trong ngành xuất bản, báo chí: Sản xuất văn bản với ngôn ngữ tự nhiên theo yêu cầu. Đây là một công cụ rất mạnh, tiện dụng cho những người sản xuất nội dung. "Có thể nói, trước đây, vũ khí của nhà báo là cây bút; sau này là máy ảnh, máy quay; còn bây giờ là AI" - nhà báo Hoàng Nhật nói.

Công cụ tốt không thể thay nhà báo giỏi  ảnh 2

Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật.

Yếu tố con người trong tác phẩm

Tuy nhiên, nội dung do AI sản xuất chỉ có thể "đủ chứ không hay" - nhà báo Ngô Trần Thịnh phân tích: "Khi dùng ChatGPT để viết kịch bản, phóng sự của chúng tôi chỉ giữ chân người xem được 1 phút. Trong khi phóng sự dài 7 phút. Thất bại của một sản phẩm truyền hình chính là không thể giữ được chân của người xem được một nửa thời lượng".

Kịch bản do ứng dụng dùng công nghệ trí tuệ nhân tạo sản xuất ra chỉ "đủ" chứ không hay bởi thiếu đi các thông tin hấp dẫn người xem như chi tiết kịch tính, cảm xúc,… "Đó là tính con người của tác phẩm" - nhà báo Ngô Trần Thịnh nói.

Tính con người ở đây gồm ba yếu tố: Tính sáng tạo, cảm xúc và trải nghiệm thực tế. Kịch bản do AI viết ra vẫn chỉ là thông tin và dữ liệu tổng hợp.

Trái lại, sự sáng tạo, nhạy cảm trong xử lý thông tin của nhà báo đều là những kỹ năng được lăn lộn, rèn giũa trong thực tế mà thành. Đây là yếu tố mà không một ứng dụng AI nào có thể thay thế được.

Để tạo nên một nhà báo giỏi, "bút sắc" là chưa đủ, cần phải có "lòng trong". Người làm báo giỏi là người không chỉ có tài năng mà còn có đạo đức.

Việc áp dụng AI trong sản xuất nội dung nói chung và báo chí nói riêng đang đặt ra nhiều tranh luận về đạo đức. Trong đó, tin giả và bản quyền là hai vấn đề nổi cộm.

Khi phục vụ cho mục đích báo chí, các công cụ ứng dụng AI như ChatGPT có thể tạo ra một lượng tài nguyên khổng lồ bao gồm chữ, hình ảnh và video. Quá trình diễn ra gần như tức thời sau khi người dùng ra lệnh. Tuy nhiên, không có một tòa soạn hay cá nhân cụ thể nào chịu trách nghiệm cho tính chính xác và chân thật của các bài báo này.

AI sản xuất nội dung mà không có sự cân nhắc về đạo đức như con người. Như vậy, chỉ cần có khả năng sử dụng ChatGPT một người dùng có thể tạo ra vô số bản tin giả với tốc độ lan truyền nhanh chóng.

Bản quyền nội dung là vấn đề đạo đức thứ hai. AI là những mô hình chỉ có thể tổng hợp dữ liệu dựa trên các nguồn có sẵn. AI không thể sáng tác. Cho nên, mọi nội dung mà mô hình này tạo ra đều đã là sản phẩm của một cá nhân cụ thể nào đó.

Nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân nói: "Nguyên tắc của báo chí là không được sao chép. Nếu nhà báo cần nêu một vấn đề cụ thể thì họ phải trực tiếp đi phỏng vấn một nhân vật. Phỏng vấn phải luôn mới. Còn ChatGPT chỉ tổng hợp lại những câu trả lời được đăng tải. Đó chính là hành vi vi phạm bản quyền".

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân phân tích thêm, AI là một phạm trù khá mới mẻ trong sản xuất báo chí. Do đó, Luật Báo chí hiện tại chưa tính được những diễn biến mới của công nghệ. Nhưng thực tiễn đang đòi hỏi những quy định pháp lý mới về sử dụng nội dung trên các nền tảng số cũng như áp dụng AI vào sản xuất báo chí.

Sự sáng tạo và các quy tắc đạo đức là điều mà không AI nào có thể thay thế một nhà báo giỏi. Nhưng nếu biết sử dụng đúng cách, đúng chỗ, AI sẽ trở thành vũ khí sắc bén của người làm báo trong thời đại số.

Để một tòa soạn có thể áp dụng công nghệ nói chung, AI nói riêng vào sản xuất báo chí, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân khẳng định người đứng đầu một tòa soạn hay một cơ quan báo chí không cần có quá nhiều hiểu biết về công nghệ: "Họ chỉ cần có một tư tưởng cởi mở để tạo cơ hội cho những người trẻ thử nghiệm".