AI và tính người của báo chí

Giữa thời gian Covid-19 hoành hành, tôi đọc được bài báo của một đồng nghiệp về chuyện anh tự dưng nổi hứng đi xem một... công trình kỷ niệm.
0:00 / 0:00
0:00
Phóng viên ảnh tác nghiệp trong môi trường độc hại tại bãi rác Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Ảnh: Phạm Ngọc
Phóng viên ảnh tác nghiệp trong môi trường độc hại tại bãi rác Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Ảnh: Phạm Ngọc

Anh kể rằng mình đã thuê xe máy đi gần 200 cây số trong thời tiết nóng đến bỏng rát, chỉ để "xuống xem cái công trình người ta mới xây ấy hình thù ra làm sao".

Anh tự nhận mình đang làm chuyện giời ơi đất hỡi, vì khi lên đường, trong đầu anh không có chút ý niệm gì về việc sẽ viết gì về cái chuyện đã quá quen thuộc này. Và rốt cuộc thì cho đến khi bài viết kết thúc, anh không có câu trả lời nào thỏa đáng cho công trình kỷ niệm ấy, vì nó được làm rất "đúng quy trình", như bao công trình khác.

Một đồng nghiệp khác mà tôi biết thì chuyên viết về nhóm người yếm thế. Anh chọn những chủ đề như là "làm thế nào để người khuyết tật có thể tham gia vào đời sống như một người thường (thí dụ đặt một bậc thang lên cho họ ở mọi địa điểm công cộng dốc)", hay chuyện người nông dân phải ly hương đến các khu công nghiệp mưu sinh. Viết về nhóm này cơ bản giống như việc ném một hòn đá xuống ao: có gợn sóng đấy, nhưng chẳng thể nhìn thấy cái kết có hậu. Như dã tràng xe cát. Một người khác tôi biết thậm chí còn sẵn sàng làm những chuyện hiểm nguy, như là đóng giả một thương nhân để điều tra đường dây buôn người. Tuyến bài lên trang, với nhuận bút khoảng vài triệu đồng và anh có niềm vui rằng mình vừa hoàn thành "một việc ra trò".

Khi Báo Nhân Dân đặt bài về việc báo chí sẽ phải ứng phó thế nào trước sự đe dọa của trí tuệ nhân tạo (AI), thứ mà giờ đã đủ khả năng viết xong một bài báo rành mạch chỉ trong vài giây, tôi ngay lập tức nghĩ đến tất cả các đồng nghiệp kể trên, và lựa chọn của họ. Điểm chung là đây: Tất cả hình như đều dồn năng lượng cho những băn khoăn và hành động tưởng chừng vô nghĩa, không đầu không cuối, và rất ít hiệu quả. Họ đặt ra những câu hỏi vu vơ, thách thức và làm xáo động một trật tự đang diễn ra quen thuộc đến hiển nhiên, thậm chí sẵn sàng mạo hiểm cả tính mạng. Họ đi về phía vô cực của một vấn đề.

Một cái máy sẽ không bao giờ làm vậy, mà sẽ luôn ưu tiên sự tiện lợi, hiệu quả, và cố giải quyết xong một mệnh đề nào đó.

Các nhà báo hoàn toàn không "có cửa" cạnh tranh với trí tuệ nhân tạo. Trí nhớ của bạn không thể bì được bộ não số. Bạn cũng không thể tổng hợp, và gõ ra tin nhanh bằng một con bot AI tiên tiến kiểu ChatGPT.

Nhưng nghĩ về những đồng nghiệp chuyên nghĩ và làm những chuyện tưởng chừng vô nghĩa của mình, tôi nhìn thấy một không gian mà ở đó, báo chí sẽ không bao giờ phải lo về sự "xâm lược" của AI. Dù công nghệ có tiến xa đến đâu và hình thức tác nghiệp thay đổi thế nào, vẫn phải có một ai đó đến tận nơi chứng kiến, lắng nghe, cảm nhận, tự vấn những câu hỏi không đầu không cuối, trước khi viết.

Tôi đã thử tham khảo chatGPT khi viết bài này, hỏi nó về tương lai của báo chí trong thời đại cạnh tranh với AI. Không ngoài dự đoán, nó nói một giọng của nỗi sợ hãi vốn quá phổ biến trong một thời gian dài vừa qua, về số lượng nhân lực sẽ mất việc vì AI, năng lực vượt trội của máy tính, và chiến thắng tất yếu của những bộ não nhân tạo.

Nhưng cuối cùng thì tôi đã quyết định viết một bài báo đặt ngược lại hẳn vấn đề này, theo một quy trình thô sơ nhất có thể hiện tại: không tra cứu Google, cũng như chỉ sử dụng chatGPT như một thử nghiệm cho luận điểm trong bài, và tập trung vào những suy tư và trải nghiệm riêng của bản thân.

Dù hay dở thế nào đi nữa, hy vọng là bạn nhìn ra được rằng một con người đích thực đã ngồi sau bàn phím và gõ nên bài viết mà bạn đang đọc. Trải nghiệm viết này cũng là một món quà với chính người viết, vì ngay tại khoảnh khắc cụ thể đang diễn ra, nó là duy nhất, là độc bản.

Nếu chỉ hỏi chatGPT và chờ nó "đẻ ra chữ", tôi, hay bạn, hay bất cứ đồng nghiệp nào của tôi nữa, cũng có thể bỏ lỡ những khoảnh khắc kỳ diệu. Những khoảnh khắc mà "được viết" là một niềm kiêu hãnh, là đam mê khắc khoải, là nhu cầu tự thân…