Làm chủ xu thế “không thể đảo ngược”

Rồi đây, từ một số thử nghiệm ban đầu, hình thức chuyển đổi mô hình quảng cáo truyền thống sang thu phí độc giả liệu có trở thành tất yếu? Các tệp độc giả được quản lý và phát triển như thế nào?
0:00 / 0:00
0:00

Để có được một cái chạm, một cú click của độc giả, đòi hỏi sự lao động của cá nhân nhà báo và nhìn rộng hơn là sự đón đầu, nỗ lực của mỗi cơ quan báo chí. Hãy cùng Nhân Dân gặp gỡ và chia sẻ với một số nhà báo đứng đầu các cơ quan báo điện tử xu thế phát triển của loại hình báo chí được hứa hẹn sẽ mang tính dẫn dắt này.

Thúc đẩy báo chí dữ liệu – giải pháp – đồng hành

Nhà báo Nguyễn Hồng Sâm, Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Làm chủ xu thế “không thể đảo ngược”  ảnh 1

Cũng như tất cả các cơ quan báo chí, truyền thông khác, bên cạnh các kênh thông tin chủ lực trên nền tảng web như: Chinhphu.vn; Baochinhphu.vn; Xaydungchinhsach.chinhphu.vn…, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ cũng đã xây dựng, phát triển và đang vận hành rất hiệu quả một loạt kênh thông tin trên mạng xã hội như: Facebook, Zalo, YouTube; Twitter.

Chúng tôi may mắn nhận được sự cộng tác rất hiệu quả của Google, Facebook, Zalo,... trong quá trình xây dựng, vận hành và phát triển hệ sinh thái truyền thông của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phục vụ công tác truyền thông về hoạt động, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đơn cử như việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027” nêu tại Đề án 407, ngày 30/3/2022, chúng tôi đã thần tốc xây dựng và đưa vào vận hành chuyên trang “Xây dựng chính sách, pháp luật” tại địa chỉ Xaydungchinhsach.chinhphu.vn, hòa mạng vào ngày 20/6/2022.

Sau gần một năm hoạt động, từ con số 0, đến nay chuyên trang đã thu hút gần 30 triệu lượt truy cập với mức độ tăng trưởng bạn đọc hằng tháng liên tục duy trì ở mức hai đến ba con số và thường xuyên được đánh giá là tăng trưởng ấn tượng. Để có được kết quả này, bên cạnh việc tổ chức sản xuất nội dung thì việc ứng dụng truyền thông đa nền tảng có ý nghĩa rất quan trọng.

Các đối tác của chúng tôi đã xây dựng chuyên trang tương thích tối đa với các thuật toán để tăng khả năng lan tỏa sản phẩm. Đồng thời chúng tôi cũng tận dụng tối đa những thế mạnh của Facebook, Zalo để đưa những thông tin chính xác nhất, tin cậy nhất, có tính định hướng đến với độc giả trong và ngoài nước.

Quan điểm quán triệt là cung cấp thông tin chính xác nhất, nhanh nhất, có tính định hướng đến đông đảo nhân dân bằng tất cả công cụ sẵn có. Báo chí hôm nay là báo chí giải pháp, báo chí dữ liệu và báo chí đồng hành, báo chí tương tác, chia sẻ. Người dân thấy rõ sự thiết thực, sự quan trọng của nguồn tin nên sẽ tìm đến, sẽ theo dõi và đọc, chia sẻ cho nhau.

Làm chủ xu thế “không thể đảo ngược”  ảnh 2

Xây dựng cơ quan báo chí hợp nhất theo mô hình tòa soạn hội tụ

Nhà báo Mai Vũ Tuấn, Giám đốc-Tổng Biên tập Trung tâm truyền thông Quảng Ninh

Làm chủ xu thế “không thể đảo ngược”  ảnh 3

Công chúng ngày nay thích nghe podcast thay vì nghe đài, xem YouTube/TikTok thay vì xem truyền hình, theo dõi tin trên Facebook/Instagram thay vì đọc báo… Khi các cơ quan báo chí truyền thống chỉ còn chiếm khoảng 30% thị phần quảng cáo, để giành lại công chúng, lấy lại tầm ảnh hưởng và bảo đảm nguồn thu, báo chí phải đổi mới mình bằng việc sản xuất đa phương tiện, đăng tải, phát sóng đa nền tảng.

Quá trình chuyển đổi số báo chí tất yếu sẽ đưa cơ quan báo chí thực hiện truyền thông đa nền tảng. Thực tế tại Việt Nam, hầu hết các cơ quan báo chí đều vận hành quản lý ít nhất từ hai loại hình báo chí trở lên: Một cơ quan báo in hay đài phát thanh, truyền hình thường có thêm báo điện tử, trang fanpage trên các mạng xã hội, nhiều đơn vị còn phát triển các ứng dụng trên nền tảng OTT dành cho các thiết bị di động thông minh.

Thuận lợi của các cơ quan báo chí khi phát triển theo đa nền tảng hiện nay là tận dụng được các thành tựu của công nghệ 4.0 để tạo ra các tác phẩm báo chí ấn tượng. Tuy nhiên, một số khó khăn trong việc phát triển nội dung đa nền tảng hiện nay là: Chúng ta chưa thật sự chú ý đến thói quen tiếp cận thông tin của công chúng trên từng nền tảng. Thực tế trên đòi hỏi các tòa soạn vừa phải đào tạo bồi dưỡng nhân lực, vừa phải thay đổi cả về phương thức quản lý điều hành và quy trình tác nghiệp chứ không chỉ đơn thuần là đầu tư máy móc, thiết bị.

Trong tiến trình đổi mới của các cơ quan báo chí, từ tháng 1/2019, Trung tâm truyền thông Quảng Ninh đã tổ chức vận hành mô hình “Tòa soạn hội tụ” với việc hợp nhất các báo, đài phát thanh và cổng thông tin điện tử của tỉnh. Các nền tảng truyền thông được định hướng phát triển theo hướng tối ưu hóa thế mạnh, nhanh chóng, chính xác, có giá trị thông tin và tính định hướng cao.

Chúng tôi đã xây dựng và triển khai ứng dụng Quảng Ninh Media trên nền tảng OTT, gắn mã QR trên báo in, đưa một số chương trình truyền hình lên mạng xã hội như Facebook, TikTok...

Với nỗ lực chuyển đổi đa nền tảng, báo Quảng Ninh điện tử liên tục lọt trong top 20 báo Đảng các tỉnh, thành phố được truy cập nhiều nhất. Fanpage “QMG - Tin tức Quảng Ninh 24/7” hiện có gần 290.000 lượt người theo dõi, tăng khoảng 70% so thời điểm trước khi thành lập Trung tâm (2019). Trên YouTube, QTVTube - Quảng Ninh TV có trên 40.000 người đăng ký theo dõi, có video được xem nhiều nhất đã lên tới 1,3 triệu lượt.

Đến thời điểm này, chúng tôi đã cơ bản hài lòng với những mục tiêu đặt ra khi xây dựng mô hình cơ quan báo chí hợp nhất hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ đa phương tiện với các kết quả bước đầu về nâng cao năng lực sản xuất các sản phẩm báo chí, nâng cao uy tín và tầm ảnh hưởng.

Để bắt kịp xu thế thế giới, thu hút thêm nhiều độc giả, trong tương lai chúng tôi sẽ sử dụng các ứng dụng AI, Big Data, IoT tạo ra các sản phẩm mới: trả lời tự động (Chatbot), sáng tạo các sản phẩm báo chí dữ liệu, báo chí thị giác, Mega Story, infographic, Timeline,... Sử dụng AI để truyền tải thông điệp được cá nhân hóa đến từng bạn đọc với nhu cầu khác nhau, gợi ý các nội dung yêu thích cho công chúng…

Làm chủ xu thế “không thể đảo ngược”  ảnh 4

Báo điện tử sẽ đóng vai trò dẫn dắt trong thời gian tới

Nhà báo Nguyễn Bá, Tổng Biên tập Báo Vietnamnet

Làm chủ xu thế “không thể đảo ngược”  ảnh 5

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ mở ra cho báo chí nhiều cơ hội mới. Giờ đây, những người làm báo có những công cụ, hệ thống phần mềm tuyệt vời để hỗ trợ cho công việc hằng ngày của mình, giúp nâng cao hiệu quả công việc, giảm thời gian tác nghiệp, tiết kiệm chi phí sản xuất nhưng vẫn có được những tác phẩm báo chí chất lượng cao.

Tôi thí dụ, trước đây, để sản xuất một tác phẩm báo chí đa phương tiện, các tòa soạn phải đầu tư rất lớn cho máy quay phim, máy chụp hình, trường quay, cần nhiều nhân sự, nhưng hiện tại, chỉ bằng chiếc điện thoại thông minh trên tay, phóng viên có thể soạn thảo bài longform, chụp và chỉnh sửa ảnh, quay và dựng phim để tạo ra một tác phẩm báo chí xuất sắc.

Hay, trước đây, để biết được thông tin mới nhất trên các báo ra ngày hôm nay, ban biên tập các tòa soạn phải có bộ phận “điểm tin”, còn hiện nay các hệ thống phần mềm với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo và hệ thống xử lý ngôn ngữ tự nhiên NLP dễ dàng thực hiện với độ chính xác cao và cập nhật thông tin theo thời gian thực.

Công nghệ cũng giúp cho các tòa soạn biết được chính xác độc giả của mình muốn gì để từ đó sản xuất và phát hành các tác phẩm báo chí đến đúng đối tượng.

Tuy nhiên, sự phát triển của khoa học công nghệ cũng có những thách thức ảnh hưởng đến lĩnh vực báo chí như sự tràn lan của tin tức giả mạo. Xét ở khía cạnh nào đó, việc này cũng mang lại cho báo chí cơ hội lớn trong việc kiểm chứng và đưa đến cho độc giả của mình thông tin chính xác. Những cơ quan báo chí có tỷ lệ tin gốc thấp, chỉ “tổng hợp”, “xào bài” thì cũng rất khó để tồn tại và phát triển bởi việc tổng hợp và sản xuất tin bài trên những nội dung có sẵn, theo khuôn mẫu thì AI làm tốt hơn và hoàn toàn thay thế được con người.

Báo điện tử sẽ là trung tâm và đóng vai trò dẫn dắt trong thời gian tới bởi báo điện tử có thể tận dụng được tất cả những cơ hội do sự phát triển của công nghệ và khắc phục được rất nhiều khó khăn của các loại hình báo chí khác trong việc thu thập, sản xuất và phân phối thông tin.

Hiện tại, hạ tầng băng rộng di động đã phủ sóng 99,73% số thôn trên toàn quốc giúp cho mọi người, mọi nhà có thể truy cập và đọc tin tức trên các báo điện tử. Đây là những thuận lợi mà không loại hình báo chí nào có được.

Làm chủ xu thế “không thể đảo ngược”  ảnh 6

Nội dung vẫn là yếu tố cốt lõi có tính sống còn

Nhà báo Phạm Hiếu, Tổng Biên tập Báo điện tử VnExpress

Làm chủ xu thế “không thể đảo ngược”  ảnh 7

Trong bối cảnh sự thay đổi và tác động của công nghệ chóng mặt như hiện nay, rất khó để có thể đưa ra dự báo dài hạn.

Nhưng tôi cho rằng, ít nhất có ba yếu tố mà báo điện tử sẽ thay đổi trong khoảng 3-5 năm tới.

Thứ nhất về nội dung: Trong bối cảnh người dùng bị chi phối bởi thông tin khó xác tín từ các nền tảng truyền thông xã hội, báo điện tử sẽ hướng đến những bài viết sâu, toàn cảnh, dựa trên nền tảng dữ liệu lớn, với cách trình bày trực quan, đa phương tiện, tương tác và cá nhân hóa.

Mặt khác, các thông tin ngách lại cần đầu tư để có được những tệp nội dung đáp ứng từng nhóm độc giả trung thành. Ở VnExpress hệ thống dữ liệu của chúng tôi gọi họ là lovers. Thông tin đại trà mà độc giả có thể đọc được ở bất cứ đâu sẽ không phải là lợi thế của báo điện tử.

Thứ hai về công nghệ: Công nghệ sẽ không chỉ dừng lại ở nền tảng xuất bản mà sẽ tham gia ngày càng sâu vào quá trình sản xuất tin bài. ChatGPT, AI trên thực tế đã tham gia quá trình này ở các mức độ khác nhau trong từng phân đoạn của nhà báo. Nhưng tới đây, AI sẽ tham gia trực tiếp hơn, nhiều hơn. Việc phân phối nội dung cũng sẽ được thuật toán hóa để bảo đảm nội dung đáp ứng đúng với nhu cầu của độc giả. Thậm chí, sẽ góp phần vào việc tạo ra nhu cầu mới của công chúng.

Thứ ba về kinh doanh: Thu phí người dùng, theo tôi, sẽ là con đường tất yếu. Hiện nay phần lớn nguồn thu của báo điện tử đến từ: quảng cáo, hoạt động truyền thông truyền thống, tổ chức event... Nhưng nguồn thu từ những phương thức này sẽ ngày càng hạn chế.

Để báo phát triển bền vững, nội dung vẫn là yếu tố cốt lõi có tính sống còn. Do đó, tòa soạn cần phải tổ chức được nhiều nội dung hữu ích, có giá trị thiết thực và khác biệt đáp ứng chính xác nhu cầu ngày càng khắt khe của người đọc. Khi đó tôi tin người đọc sẽ sẵn sàng trả phí.

Song, đây là hành trình không dễ và không nhanh. The New York Times là một thí dụ điển hình cho thấy họ đã thành công trong việc chuyển hóa từ mô hình quảng cáo truyền thống sang thu phí độc giả. Tuy nhiên, trước khi thành công như hiện nay, họ cũng phải trải qua quá trình nhiều năm nghiên cứu và thử nghiệm để xác định hướng đi, phương thức phù hợp.

VnExpress cũng đang trong lộ trình thực hiện việc chuyển đổi nội dung theo xu hướng này. Chúng tôi xác định đó là hành trình dài và nhiều gian nan, nhưng nếu không bắt đầu sẽ là quá muộn.

Làm chủ xu thế “không thể đảo ngược”  ảnh 8

Cần có chiến lược riêng cho từng tệp công chúng

Nhà báo Trần Tiến Duẩn, Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus

Làm chủ xu thế “không thể đảo ngược”  ảnh 9

Truyền thông thế giới những năm qua đã chứng kiến sự dịch chuyển từ các nền tảng truyền thống sang các nền tảng số. Sau kỷ nguyên của cổng thông tin (portal) là sự trỗi dậy của các công cụ tìm kiếm (search engine) và giờ đây là các nền tảng truyền thông xã hội (social media).

Việc phát triển các nền tảng số này cũng phù hợp với xu hướng đa định dạng màn hình (multi-screen) như khuyến cáo của Hiệp hội Báo chí và Các nhà xuất bản tin tức thế giới (WAN-IFRA), với sự nổi lên của các video ngắn và quay dọc (vertical) trên các nền tảng TikTok, YouTube Shorts hay Instagram Reels...

Một số xu hướng phát triển của báo điện tử trong những năm gần đây và được dự đoán sẽ tiếp diễn trong tương lai bao gồm: trên các báo điện tử xuất hiện những tác phẩm báo chí có nội dung chuyên sâu hơn, thiết kế bắt mắt hơn, tính tương tác cao hơn; phần lớn bạn đọc tiếp nhận thông tin và tòa soạn sản xuất thông tin bằng các thiết bị di động; mạng xã hội sẽ là công cụ đắc lực giúp báo chí tiếp cận công chúng, tăng tính tương tác giữa tòa soạn và bạn đọc.

Việc sử dụng các công nghệ tương tác để mang đến trải nghiệm độc đáo cho bạn đọc như tham gia trò chơi giải đố, nhập vai dạng thực tế ảo kết hợp Metaverse (vũ trụ ảo)... cũng được dự báo là rất có triển vọng.

Đưa công nghệ, trí tuệ nhân tạo vào quá trình sáng tạo sản phẩm báo chí số đang trở nên phổ biến và ngày càng được các tòa soạn khai thác. Có thể kể đến xu hướng áp dụng công nghệ tòa soạn thông minh, tự động giới thiệu tin tức cho bạn đọc dựa trên hành vi của chính người dùng; hay sử dụng thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR) để phát triển sản phẩm báo chí cũng như để tạo ra nguồn thu mới cho tòa soạn.

Trong công cuộc chuyển đổi số, các cơ quan báo chí cần xây dựng mối quan hệ mới với bạn đọc dựa trên yếu tố dữ liệu để vừa giữ chân bạn đọc trung thành, vừa phát triển bạn đọc mới. Thu thập, phân tích dữ liệu bạn đọc sẽ giúp các cơ quan báo chí hiểu rõ hơn công chúng, từ đó đưa ra các chiến lược nội dung, tiến tới tối ưu hóa lợi nhuận từ bạn đọc thông qua việc thu phí, cá nhân hóa quảng cáo, thương mại điện tử… Do đó, mỗi cơ quan báo chí cần có chiến lược riêng cho từng tệp công chúng và tăng cường trải nghiệm cho bạn đọc.

Nhóm phóng viên thực hiện: Bích Ngọc - Thu Trang - Bông Mai - Thanh Trà - Hoàng Hà