Hồng Vân, Vạn Điểm:

Còn trở ngại trong phát triển du lịch làng

Trong khi Chính phủ chủ trương phát triển kinh tế nông thôn lấy du lịch làm mũi nhọn, một số xã làng nghề ngoại thành Hà Nội bước đầu có thành công với xu hướng mới, nhưng cũng gặp khó khăn trong tìm hướng đi tiếp theo.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách mua sản phẩm OCOP tại xã Hồng Vân.
Du khách mua sản phẩm OCOP tại xã Hồng Vân.

1/Nằm sát đường thủy sông Hồng cùng hệ thống đường giao thông liên xã được xây dựng đồng bộ, xã Hồng Vân (Thường Tín, Hà Nội) đang có nhiều thuận lợi phát triển nghề lâu năm nuôi trồng sinh vật cảnh thành sản phẩm du lịch. Được công nhận Làng nghề sinh vật cảnh năm 2008 với nhiều nghệ nhân giỏi và các tác phẩm cây cảnh nghệ thuật nổi tiếng, Hồng Vân cũng thu hút du khách với những điểm tham quan in đậm dấu ấn truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung và tín ngưỡng thờ Mẫu cùng một di tích lịch sử cấp quốc gia; hai di tích lịch sử cấp thành phố…

Hiện nay, Hồng Vân đang phát triển kinh tế làng nghề dựa vào du lịch cộng đồng. Theo thống kê, lượng khách du lịch đến điểm du lịch xã năm 2022 là 118.566 lượt; 4 sản phẩm được đánh giá, phân hạng đạt OCOP 4 sao năm 2022, gồm một sản phẩm du lịch và ba sản phẩm trà thảo mộc. Trung bình hằng năm xã đón 3,5 vạn lượt khách, giá trị thu được từ du lịch ước đạt hơn 10 tỷ đồng.

Một số làng nghề khác ở Thường Tín cũng ứng dụng du lịch cộng đồng vào phát triển kinh tế như làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Vạn Điểm. Có truyền thống làm đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp từ lâu đời và mới được công nhận là điểm du lịch làng nghề, hằng năm xã đều tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài nước, tổ chức Festival để mở rộng thị trường, tích cực tuyên truyền về các sản phẩm nổi bật thông qua các phương tiện truyền thông, bên cạnh đó cũng không ngừng nâng cấp cơ sở hạ tầng. Năm 2019, tại đây đón khoảng 3,6 nghìn lượt khách, chủ yếu là khách nội địa. Ngoài ra còn có hơn 10 đoàn khách từ Trung Quốc và một số nước châu Á khác với hơn 450 lượt đến mua hàng, góp phần tạo ra sinh kế cho những người dân nơi đây. Hai năm tiếp theo, do dịch nên xã này đón 1,6 nghìn lượt khách tham quan và mua sắm. Qua cơn dịch, từ đầu năm đến nay, xã đã đón hơn 2,5 nghìn lượt khách trong và ngoài nước.

2/Tuy nhiên, mô hình làng nghề lấy du lịch làm giàu vẫn còn rất ít. Nhiều xã tuy được công nhận là điểm du lịch nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, kế hoạch vẫn chỉ nằm trên giấy. Ngay ở các địa bàn đang có nét khởi sắc cũng vẫn gặp trở ngại. Khi nói về tiềm năng phát triển du lịch làng nghề, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Điểm, bà Đồng Thị Kim Oanh bày tỏ quan ngại, cho rằng làng nghề mộc vẫn còn bị bỏ lại khá xa so với các xã đã thành công với mô hình du lịch cộng đồng: “Với đặc thù nghề sản xuất gỗ kéo theo sự ô nhiễm, làng sẽ mất nhiều thời gian để quy hoạch lại các hộ sản xuất và các hộ chuyên trưng bày sản phẩm để không ảnh hưởng tới trải nghiệm của du khách. Bên cạnh đó việc đầu tư, sửa sang đường làng ngõ xóm để thuận tiện cho việc tham quan cũng là một nhiệm vụ tốn nhiều thời gian và ngân sách, chưa kể các loại hàng mỹ nghệ ở Vạn Điểm như sập gụ tủ chè cũng không nhỏ tiện để du khách đến tham quan rồi có thể mua về như các nghề khác”.

Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân Nguyễn Văn Phượng cũng cho biết, khó khăn, bất cập vẫn còn rất nhiều. Vấn đề nhân sự trong phát triển du lịch cộng đồng tuy quan trọng bậc nhất nhưng cũng là yếu tố bị thiếu sót nhiều nhất ở xã Hồng Vân, ông Phượng cho biết. Người dân cần có sự đào tạo bài bản hơn và cần được trẻ hóa để phục vụ các nhu cầu luôn được làm mới và tính chất năng động của du lịch. Bên cạnh đó, nhiều hạng mục cần được thi công tại làng nghề cũng cần thêm ngân sách và sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cấp chính quyền mới có thể đi vào thực hiện được.

Sau dịch Covid-19, các loại hình du lịch đều đang rục rịch trở lại cuộc đua, với sự non trẻ và tiềm năng của loại hình du lịch cộng đồng, các làng nghề cần cải thiện nhiều mặt. Trong đó, ứng dụng chuyển đổi số để quản lý và quảng bá là nhiệm vụ cần phải làm ngay. Cùng với đó, nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, phù hợp nhu cầu của khách hàng, có thể là các chương trình trải nghiệm như tham gia sản xuất nghề truyền thống, du lịch tâm linh. Ngoài ra không thể thiếu khâu đào tạo nhân lực du lịch, đặc biệt là nhân viên phục vụ khách hàng và người lao động trong các làng nghề, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ.