BÀI VIẾT THAM DỰ CUỘC THI TÁC PHẨM BÁO CHÍ VỀ ĐỀ TÀI “HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH” GIAI ĐOẠN 2022-2025

Cô giáo “không ngừng học”

Năm học 2022-2023, một năm học đánh dấu nhiều nỗ lực, đổi mới dần khép lại với thầy trò Trường THPT Vị Xuyên (Hà Giang). Còn với cô giáo Phạm Thị Liên, giáo viên tiếng Anh, tổ trưởng chuyên môn, càng gần ngày lứa học sinh cuối cấp rời mái trường phổ thông thì những tin nhắn tạm biệt lẫn động viên, khích lệ giữa cô và trò lại càng dài hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Cô giáo Phạm Thị Liên và học trò tham gia câu lạc bộ tiếng Anh. Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP
Cô giáo Phạm Thị Liên và học trò tham gia câu lạc bộ tiếng Anh. Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Kỳ 1: Dạy học tích cực, lấy học sinh làm trung tâm

Khơi gợi niềm đam mê ngoại ngữ cho học sinh miền núi

Trường THPT Vị Xuyên có tổng số 780 học sinh thì trong đó, học sinh dân tộc thiểu số và học sinh dân tộc Kinh vùng ba hộ nghèo là 307 học sinh. Năm 2002, cô giáo Phạm Thị Liên vừa rời Trường đại học Sư phạm Thái Nguyên về Vị Xuyên đảm nhận công tác. Giảng dạy môn tiếng Anh trong điều kiện thiếu thốn sách tham khảo, trang thiết bị cho bộ môn, nhiều học sinh nghèo sách giáo khoa cũng không có đủ. “Hồi ấy chưa có internet hay máy tính, giáo án viết tay, soạn rồi thấy không hài lòng lại xé đi viết lại”, cô Liên nhớ lại.

Năm nào, trong các lứa học sinh cũng có em phải bỏ học đi làm, hoặc ngừng ước mơ lên đại học vì cuộc sống mưu sinh không cho phép. Trong hơn 20 năm làm nghề giáo, đáng tiếc nhất của cô có lẽ là nhìn những học sinh không thể vượt qua hoàn cảnh khó khăn để theo đuổi ước mơ. Ngày nay dù điều kiện sống đã cải thiện hơn nhiều song các em học sinh lại vấp phải khó khăn lớn nhất là “động lực học, niềm thôi thúc học nội tại trong các em không cao. Nhiều em xác định mục tiêu hời hợt, không có định hướng cụ thể trong tương lai”, đó là những gì cô vẫn thường chia sẻ trong các buổi trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp.

Trăn trở với nỗi niềm đó, cô Liên tìm mọi cách để có thể biến những giờ học tiếng Anh trên lớp có thể trở nên sôi động, hấp dẫn hơn. Cô tìm đọc những bài chia sẻ từ đồng nghiệp nước ngoài, học cách để có thể truyền cho học sinh những định hướng, động lực nhất định khi chọn nghề nghiệp tương lai. Nhưng để có thể “truyền lửa” tự học cho học sinh không phải dễ dàng. “Nhiều bạn khi kiểm tra lại các kiến thức tiếng Anh cơ bản từ cấp hai lên, các con bị hổng rất nhiều nên không có niềm ham thích học”, cô chia sẻ.

Bằng nhiều cách lan tỏa niềm vui và niềm say mê học tập, không ngừng cải tiến các bài giảng, cô đã đưa vào tiết học nhiều hoạt động bổ ích cũng như tổ chức ngoại khóa tìm hiểu về phong tục truyền thống của Việt Nam, tìm hiểu về nền văn hóa của các nước trên thế giới, các hoạt động học STEM tại trường, khéo léo lồng ghép những bài học đạo đức, bài học giá trị sống để định hướng cho học sinh.

Năm học 2022-2023, Trường THPT Vị Xuyên ra mắt câu lạc bộ tiếng Anh do cô Phạm Thị Liên cùng nhóm giáo viên tiếng Anh khởi xướng xây dựng. Từ những ngày đầu bỡ ngỡ tổ chức online do dịch bệnh, đến nay mô hình câu lạc bộ và các hoạt động ngoại khóa tiếng Anh của cô đang từng bước phát triển và được đông đảo thầy trò, phụ huynh ủng hộ.

Ngoài giờ lên lớp, có rất nhiều đêm khuya cô dành thời gian soạn lại từng bài giảng sao cho phù hợp các bạn vốn từ vựng yếu, cô dành nhiều tâm huyết xây dựng kho dữ liệu bài tập… để củng cố riêng cho các em cần bổ sung vốn kiến thức về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và các kỹ năng đọc, viết. Cô cũng tìm tòi ứng dụng các phần mềm hỗ trợ học sinh luyện nói, luyện phát âm như Flip, Classpoint 2.0, ELSA Speak, Eduling Speak và đặc biệt chú ý đến việc rèn, sửa phát âm, trọng âm cho học sinh qua mỗi bài học để hạn chế điểm yếu này của học sinh Việt Nam khi tham gia các lớp học quốc tế. Mỗi nhóm học sinh đều được cô quan tâm, nhớ, hiểu đặc điểm tâm lý, phong cách học tập của các em.

Ngoài giờ học trên lớp, cô lại tổ chức các hoạt động kết nối hoạt động nhóm, tìm cơ hội để học sinh được tham gia các hoạt động dự án quốc tế, các tiết học “xuyên biên giới” để học sinh có cơ hội giao lưu, học hỏi với bạn bè khắp thế giới, sinh viên các trường đại học, học sinh các trường THPT các tỉnh, thành phố khác. Năm 2020, cô trò đã tham gia Dự án “Cyberbullying- Kick it out” năm 2020 do cô Hà Ánh Phượng-tốp 10 giáo viên toàn cầu - thực hiện. Năm 2021, với sự kết nối của cô Liên, một nhóm học sinh ưu tú Trường THPT Vị Xuyên đã được Cyberkid Việt Nam lựa chọn tham gia đồng hành cùng dự án “Lớp học Cyberschool” với các bạn tình nguyện viên chủ chốt tại Hà Giang, được đào tạo và trực tiếp đứng lớp để truyền đạt lớp học an toàn không gian mạng miễn phí cho các em học sinh tại địa phương.

Cô và trò cùng đổi mới

Lớp học “xuyên biên giới” được cô tổ chức lần đầu là vào năm 2020 nhân ngày hội kết nối học tập của Microsoft hỗ trợ các giáo viên toàn cầu tham gia hoạt động giáo dục online. Từ những buổi đầu còn bỡ ngỡ, cô trò cùng nhau học từ cách kết nối qua Skype, cách dùng phần mềm Zoom… cho đến nay, câu lạc bộ tiếng Anh thường xuyên kết nối với lớp học và các bạn học sinh từ Tunisia, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Indonesia, Nga, Sri Lanka, Ấn Độ, Armenia… Cô trò cũng đã tham gia hội thảo trực tuyến quốc tế phòng chống bạo lực trên không gian mạng của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ, trong hội thảo này, cô Liên tham gia đóng góp vai trò là điều phối viên và các em học sinh Trường THPT Vị Xuyên tham gia với vai trò của các thành viên Team truyền thông toàn quốc và những người tham dự có đóng góp vào sự thành công của Hội thảo.

Nhiều em học sinh cũ của cô Liên chia sẻ “môn tiếng Anh là môn học có nhiều thời hạn phải hoàn thành nhất” nhưng giờ nghĩ lại thấy qua đó mình học thêm được nhiều kỹ năng như quản lý thời gian hay làm việc nhóm. “Em là một người nhút nhát và tự ti khi học cấp hai nhưng thông qua các hoạt động ngoại khóa trong ba năm qua, em thấy thay đổi rất nhiều”, Vũ Hương Giang - học sinh khóa 2018-2021 của cô chia sẻ: “Khi tham gia hoạt động ngoại khóa và làm việc nhóm, những hoạt động ấy giúp em năng động hơn cũng như tự tin hơn vào bản thân mình. Cô Liên đã đồng hành là người dẫn dắt em đến với niềm yêu thích môn tiếng Anh. Mỗi lần nghĩ về cô là em nghĩ về một người tươi vui, năng động và chăm chỉ. Cô còn là một người truyền cảm hứng cho em về việc tự học và học tập suốt đời”. Thành quả là đã có nhiều học sinh thi đỗ các trường đại học tốp đầu tại Hà Nội với điểm đầu vào tiếng Anh rất cao.

Năm học 2022-2023, nhóm học sinh nghiên cứu khoa học của trường gồm hai em Trần Linh Hương và Nguyễn Thảo Nguyên do cô Phạm Thị Liên hướng dẫn đã thực hiện đề tài nghiên cứu “Khai thác các giá trị văn hóa truyền thống để phát triển sản phẩm du lịch cho khách nước ngoài tại Dinh thự nhà Vương” tại Đồng Văn, Hà Giang. Đề tài được thực hiện bằng nhiều tâm huyết và tình yêu quê hương của ba cô trò với hy vọng sẽ đóng góp vào sự phát triển ngành kinh tế du lịch, giữ gìn và tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương, của đất nước, đồng thời cũng là cơ hội để học sinh được trau dồi và phát triển vốn kiến thức, năng lực ngoại ngữ và các kỹ năng cần thiết của công dân trong thời đại số.

Giá trị nổi bật và cũng là điểm sáng của đề tài là đã tìm ra một hướng tác động mới tới khả năng đáp ứng nhu cầu tham quan tại dinh thự của du khách nước ngoài thông qua việc khai thác triệt để năng lực ứng dụng công nghệ thông tin tạo ra các sản phẩm du lịch có giá trị và mang tính khả thi cao. Qua đó cô và trò đã giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống của dinh thự nhà Vương bằng tiếng Anh thông qua tờ rơi và các video thuyết minh có gắn mã QR. Các em học sinh tham gia đã tự thiết kế những tờ rơi rất bài bản, khoa học, sáng tạo, mang tính thẩm mỹ cao với nội dung dễ hiểu và dễ sử dụng và là sản phẩm du lịch đầu tiên có tại Hà Giang với tính năng ưu việt như vậy. Đề tài đã đạt giải nhất cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học tỉnh Hà Giang.

Đổi mới phương pháp dạy và học không chỉ xuất phát từ một cô giáo, một vài học trò hay làm một mình được, mà đó là sự đổi mới từ trong tư duy và nhận thức của cả một tập thể, một môi trường sư phạm đổi mới.

(Còn nữa)