Những bước chuyển mình
Hai năm vừa qua, dịch Covid-19 đã làm xáo trộn toàn bộ việc học và dạy của thầy và trò các cấp ở TP Hồ Chí Minh. Áp lực không hề nhỏ, tuy nhiên, theo ông Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10), chính sự thay đổi mạnh mẽ trong mấy tháng liền giãn cách xã hội đã tạo sức bật cho giai đoạn mới của ngành giáo dục và đào tạo thành phố. Khi toàn bộ thời gian giảng dạy, kiểm tra, đánh giá, kết nối với học sinh được thực hiện trên nền tảng số, đòi hỏi nhà trường, giáo viên và học sinh, sinh viên phải thay đổi theo hướng chủ động hơn. Ban đầu còn bỡ ngỡ, thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn các trường đã có nhiều cách làm để nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ năm học. Nhiều mô hình “số hóa” giáo dục hiệu quả vẫn được các trường duy trì ngay cả khi học sinh, sinh viên đã quay lại học trực tiếp.
Tại Trường THPT Nguyễn Du, đến nay, việc dạy học, kiểm tra, tổ chức các kỳ thi vẫn được triển khai đồng thời trên nền tảng số. Các chương trình ngoại khóa từ trực tiếp nay đa phần chuyển sang trực tuyến. Các cuộc họp của ban giám hiệu, họp chuyên môn hay họp phụ huynh giờ cũng diễn ra trên internet. “Thông qua Zalo và một số ứng dụng, mạng xã hội khác, giáo viên chủ nhiệm kết nối thường xuyên với phụ huynh, học sinh để kịp thời trao đổi chuyện học hành, ôn tập, thi cử. Trước kia, nếu muốn gặp phụ huynh trao đổi các vấn đề liên quan, giáo viên chủ nhiệm phải mời vào trường thì giờ đây chỉ cần sắp xếp gặp 30 phút trong giờ nghỉ trưa qua video call là xong. Từ ngày đẩy mạnh các hoạt động trực tuyến, giáo viên linh hoạt hơn trong việc thiết kế bài giảng và cũng năng động hơn. Các thầy, cô tìm khá nhiều phần mềm, ứng dụng mới phục vụ cho giáo án, miễn sao học sinh thấy hay và hiệu quả là được”, ông Phú cho biết thêm.
Giáo dục là một trong tám lĩnh vực thay đổi trọng tâm của TP Hồ Chí Minh trong Chương trình chuyển đổi số lần này. Bên cạnh việc thay đổi nhận thức về chuyển đổi số, xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong đội ngũ nhân lực ngành giáo dục và đào tạo, thành phố còn đưa ra nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và các nền tảng số để đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho rằng, nền tảng kết nối hiện tại sẽ tạo nhiều thuận lợi để ngành giáo dục từng bước “số hóa” từ cấp thành phố tới cấp cơ sở.
Đến nay, 100% cơ sở giáo dục tại TP Hồ Chí Minh đã có cổng thông tin điện tử kết nối trực tiếp với Sở Giáo dục và Đào tạo. Quá trình giao tiếp, giao dịch điện tử cũng được các trường chủ động triển khai thông qua hình thức thẻ học đường thông minh, điểm danh bằng công nghệ, trả học phí không dùng tiền mặt, sổ liên lạc điện tử… Ngành giáo dục và đào tạo đang đẩy mạnh kết nối mạng lưới doanh nghiệp với các cơ sở bằng nhiều chương trình xã hội hóa, đặt mục tiêu tăng tốc trong việc nâng cấp hạ tầng công nghệ cho những địa bàn khó khăn.
Thời gian tới, ngành giáo dục thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu lớn của toàn ngành giáo dục và đào tạo thành phố trên nền tảng tích hợp công nghệ. Theo ông Hiếu, chủ trương đã có, điều cần thiết bây giờ là phải triển khai thật đồng bộ: “Muốn vậy, các cơ sở giáo dục và người đứng đầu các cơ sở đó phải nhận thức được tầm quan trọng của việc chuyển đổi số. Từ đó, chung tay với ngành để có thêm nhiều giải pháp giúp toàn xã hội thấy được lợi ích từ chương trình này. Phải đi từ con người rồi mới tới cơ sở dữ liệu, cơ sở hạ tầng”.
Từ đây đến cuối năm, TP Hồ Chí Minh tiếp tục tập trung phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện chuyển đổi số trong quản trị thành phố, sản xuất, kinh doanh và tổ chức xã hội. Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số; thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn - nhất là dữ liệu về dân cư, quy hoạch, y tế, giáo dục, doanh nghiệp, đất đai, nhà ở… Hiện, hơn 900 đơn vị trên địa bàn thành phố, bao gồm cơ quan nhà nước, các tổng công ty, các đơn vị sự nghiệp… đã liên thông văn bản điện tử thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Các lĩnh vực khác cũng chủ động việc chuyển đổi số từng phần.
Thay đổi phải đồng bộ
Cách đây không lâu, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh đã giới thiệu “Cổng thông tin chuyển đổi số TP Hồ Chí Minh”. Sở này hiện là đơn vị chủ lực triển khai các chương trình chuyển đổi số của thành phố với nhiều hoạt động trọng tâm. Trong đó, hiện thực hóa các chỉ tiêu mà UBND thành phố đã đề ra, như: kinh tế số đóng góp 15% GRDP của thành phố; 85% người dân có smartphone; 70% số hộ gia đình có đường internet cáp quang băng rộng… Trong lộ trình đã vạch sẵn, TP Hồ Chí Minh chỉ rõ ba vấn đề lớn cần đặc biệt quan tâm, gồm: Quản trị thành phố trong tình hình mới; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông cơ sở dữ liệu trong hoạt động, vận hành công tác quản trị thành phố; từ đổi mới công tác quản trị, tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng thành phố trong tương lai.
Trong sáu chương trình nghiên cứu khoa học - phát triển công nghệ giai đoạn 2021 - 2025 mà Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh vừa công bố, “Đô thị thông minh và chuyển đổi số” đứng vị trí đầu tiên. Theo đó, chương trình này sẽ tập trung nghiên cứu ứng dụng các giải pháp để quản trị, điều hành xã hội và phát triển các nền tảng số trong lĩnh vực y tế, giáo dục và các lĩnh vực khác. Các lĩnh vực ưu tiên là công nghệ trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, dữ liệu lớn, vạn vật kết nối, điện toán đám mây, công nghệ an ninh mạng thông minh…
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh, quan trọng nhất của chuyển đổi số chẳng phải công nghệ mà là sự thay đổi tư duy. Vì vậy, những người làm nghiên cứu khi xây dựng định hướng cho mỗi mô hình phải hết sức rõ ràng, tìm các giải pháp mới để giải quyết các vấn đề cụ thể, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư. Khi đó, công nghệ là công cụ hỗ trợ thực hiện các mô hình. Các mô hình sáng tạo cần sớm được hiện thực hóa nhằm tạo ra các giá trị mới cho cộng đồng, nếu không coi như vô nghĩa: “Với chương trình xây dựng đô thị thông minh, TP Hồ Chí Minh muốn thúc đẩy sự thay đổi trong lĩnh vực quản trị công. Như vậy, chúng ta cần tiếp cận như thế nào, hỗ trợ doanh nghiệp ra sao? Chính sách thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số là có nhưng bây giờ cụ thể sẽ làm gì? Đó là vấn đề cần được nghiên cứu và chờ đợi những ý tưởng sáng tạo”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, chuyển đổi số là cả quá trình thay đổi mà mỗi đơn vị, tổ chức cần biết bắt đầu từ đâu, từ những việc gì, mọi thứ cần có kế hoạch, chiến lược cụ thể đến từng bước đi. Chuyển đổi số không thể máy móc và yêu cầu các nơi cùng “mặc” một “chiếc áo chung”. Tuy nhiên, cuối cùng tất cả phải được kết nối đồng bộ chứ mỗi quận, huyện một đề án riêng thì coi như thất bại. Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh Phạm Bình An, có ba vấn đề cần chú trọng khi tiến hành chương trình chuyển đổi số. Trước hết, phải xác định được giá trị cốt lõi của từng doanh nghiệp, tổ chức. Quá trình chuyển đổi cần bắt đầu từ “con người” ở các khía cạnh nhận thức, kỹ năng, trình độ. Nền tảng số cũng đóng vai trò rất quan trọng vì trên đó, bên cung - bên cầu, người sử dụng và người có khả năng cung cấp sẽ gặp nhau rồi cùng xây dựng hệ sinh thái của mình.
Tại phiên họp thứ hai của Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định, chuyển đổi số là chìa khóa quan trọng để thành phố duy trì sự phát triển bền vững trên nền khoa học - công nghệ, từ đó duy trì vị thế của mình. Ông Đức kiến nghị cần quan tâm đến chế độ, chính sách để nhân lực giỏi tham gia vào các vị trí chủ chốt, đảm nhận công tác chuyển đổi số cho các ngành, địa phương. Ông Dương Anh Đức cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét rút ngắn thời gian đưa công nghệ vào ứng dụng để thúc đẩy công tác chuyển đổi số, giúp các địa phương có điều kiện tối ưu trong việc tiếp cận công nghệ mới nhất.