Thời đó, thế nước đang lên, uy vũ của Vua gắn liền với chiến công Xuân Kỷ Dậu 1789 làm nước ngoài kiêng nể, cho nên mối giao hòa giữa nước ta với các nước láng giềng ổn thỏa. Triều thần đã tôn Nguyễn Quang Toản lên ngôi kế vị theo ý Quang Trung, biết phép tắc ngoại giao là vua mới phải cử sứ thần sang nhà Thanh báo tang và chắc chắn Vua Thanh cử sứ bộ sang ta làm lễ viếng.
Không muốn để sứ nước ngoài đi dọc đất nước vào tận kinh đô Phú Xuân, có khác nào mở cửa cho họ vào do thám đường đi lối lại, địa hình sông núi… nên làm mộ giả ở ngay ngoại thành Hà Nội để sứ thần đến viếng. Quang Toản viết biểu báo tang, sai sứ sang Thanh. Sách “Hoàng Lê nhất thống chí” cho hay tờ biểu có đoạn: “Vâng lời dặn lại của vua cha, sau khi chết, không đưa thi hài về quê hương, mà chôn cất ở làng Linh Đường phía ngoài kinh thành để tỏ lòng mến nhớ cửa khuyết”. Sách này viết tiếp: “Vua Thanh khen ngợi, tức thì sai sứ thần sang làm lễ tế. Quang Toản bèn làm ngôi mộ giả ở làng Linh Đường để nhận lễ thăm viếng của nhà Thanh… Vua Thanh lại ban tặng một bài thơ, bảo khắc vào đá, dựng bên trái mộ Vua Quang Trung để làm nổi rõ sự vinh hiển”.
Tuy chỉ là mộ giả, nhưng đó là một chứng tích có ý nghĩa về thời đại Tây Sơn rực rỡ trong lịch sử nước ta. Nhất là do triều Nguyễn sau đó có mục đích tiêu diệt tất cả những ai có liên quan đến Tây Sơn, xóa hết dấu tích của thời đại Tây Sơn, nên nay tìm thấy thêm một di tích nào về Quang Trung cũng là rất có ý nghĩa. Nhiều nhà nghiên cứu đã bỏ công phu tìm kiếm dấu vết ngôi mộ đó ở Linh Đường, nhưng vẫn không dò ra manh mối.
May thay, gần đây phát hiện gia phả họ Nguyễn ở Linh Đường (Thanh Trì, Hà Nội), chúng ta đã có lời chỉ dẫn. Theo gia phả, dòng họ này nổi tiếng kinh kỳ từ đời cụ Nguyễn Đình Tư, đỗ Văn chức nội đình (tương đương tiến sĩ), thầy dạy cả chúa Trịnh Doanh và Vua Lê Ý Tông, được phong đến tước Nam quận công. Con cháu đời sau nhiều người học hành thành đạt, làm quan văn, quan võ thời Lê-Trịnh. Khi Quang Trung lập triều Tây Sơn, một số cháu nội cụ quận công ra làm quan phụng sự triều đại mới này. Cho nên gia phả chép về sự kiện lễ viếng Quang Trung ở Linh Đường là dễ hiểu và có thể tin cậy.
Điều thú vị là chính khuôn viên nhà thờ dòng họ này, theo gia phả, là đất được chọn để xây mộ giả Quang Trung. Sau có lẽ nhằm tránh quan quân nhà Nguyễn tìm ra để phá, người nhà xây trùm lên mộ một điện thờ, nối với nhà thờ đã có, như một hậu cung. Ngôi nhà thờ đã bị phá hủy trong kháng chiến chống Pháp, nhưng những bộ phận kiến trúc bằng đá vẫn còn.