Chợ “cóc” và những hình ảnh xấu xí

Mặc cho cán bộ tuần tra ráo riết, nhiều vỉa hè, lòng đường thông thoáng được vài hôm rồi lại đâu vào đấy. Chẳng khó để thấy vỉa hè Hà Nội đang bị tái lấn chiếm bởi chợ cóc, chợ ngõ, làm xấu “bộ mặt” của Thủ đô.
0:00 / 0:00
0:00
Khu chợ “cóc” đầu đường Láng vẫn ngày ngày chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để buôn bán.
Khu chợ “cóc” đầu đường Láng vẫn ngày ngày chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để buôn bán.

1/6 giờ sáng, tuyến đường chợ Cầu mới ở đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân tấp nập hàng quán bán thịt, cá. Kèm với đó là la liệt rác, nước thải từ vỉa hè ra lòng đường khiến cho bất cứ ai qua đoạn đường này đều phải nín thở đi qua cho nhanh. Phải mất đến cả 20 phút để nhích qua một đoạn đường dài 800m bày bán không thiếu thứ gì. Cách đó chưa đầy 100m là khu chợ Ngã Tư Sở được quy hoạch bài bản nhưng người dân sống chung quanh đó vẫn chỉ thích mua ở chợ “cóc” nhỏ phía ngoài. Khu chợ “cóc” đầu đường Láng này vẫn ngày ngày ngang nhiên chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để buôn bán.

Hình ảnh các khu chợ tự phát tràn lan trong các con ngõ cũng không còn xa lạ đối với người dân Hà Nội. Tuy chính quyền địa phương bằng nhiều biện pháp đã chấn chỉnh, quy hoạch chợ riêng cho từng khu, nhưng tâm lý vì “tiện” của người dân vẫn khiến cho tình hình giao thông tại các tuyến đường này trở nên căng thẳng vào các giờ cao điểm. Hình ảnh người dân tụ tập dựng xe tràn lan trước các hàng quán vỉa hè để lựa mua hàng, người xe chen chúc khiến cho những tụ điểm này trở nên phức tạp, khó kiểm soát, dễ gây ra xô xát, trộm cắp.

Tuyến đường Khương Trung, Bùi Xương Trạch cũng lộn xộn không kém khi cả một con đường dài cả cây số ngày nào cũng mệt mỏi bởi ùn tắc giao thông, mất vệ sinh và mỹ quan khi tổ chức họp chợ trái phép. Chị Thu Hằng, một người dân ở đường Bùi Xương Trạch cho biết, mỗi sáng chị đều đi chợ ngõ Khương Trung mua đồ vì sự tiện lợi, đồ ăn tươi ngon lại dễ di chuyển. Chia sẻ về việc hiếm khi ghé vào khu chợ Khương Đình dù đã được quy hoạch ngay trên cùng tuyến đường, chị Hằng cho hay do chợ có lối đi bất tiện, thường phải gửi xe một chỗ rồi đi quanh mới mua được hàng. “Tuy chợ có đầy đủ và đa dạng hàng hóa hơn, nhưng nói chung ai cũng “ngại” gửi xe rồi đi bộ tìm đồ”.

Theo Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về việc xử phạt các hành vi sử dụng sai mục đích trong phạm vi đất dành cho đường bộ, mức phạt có thể lên tới hàng triệu đồng cho những hành vi lấn chiếm vỉa hè như thế. Bên cạnh việc gây ùn tắc trong đi lại, những tiềm ẩn mất an toàn vệ sinh thực phẩm cũng là một nỗi lo ở các khu chợ “cóc” tại Hà Nội. Tại đó có các hộ gia đình kinh doanh tự phát trên chính ngôi nhà mình nhưng cũng có nhiều người từ những nơi khác đến thuê mặt bằng để buôn bán khiến cho việc kiểm soát giá cả và chất lượng thực phẩm trở nên khó khăn hơn. Đặc biệt, rác thải từ việc giết mổ, nước thải và phế phẩm nhiều khi được người bán xả thẳng ra đường gây khó khăn trong thu gom xử lý và làm mất mỹ quan đô thị tại các tuyến đường này.

2/Trước tình trạng ngộ độc thực phẩm trôi nổi xảy ra ngày càng nhiều, tuy người dân đã dần ý thức được việc mua sắm tại các khu chợ chính hoặc các siêu thị là cách tốt nhất để bảo đảm sức khỏe, nhưng có ý kiến cho rằng đi chợ ở các khu tập kết như vậy thì đồ luôn “tươi ngon” và “giá rẻ” (?!). Đi qua đoạn Khúc Thừa Dụ (Cầu Giấy), có thể thấy nhiều hàng, quán được bố trí “chui lủi” trong các con ngõ. Người dân khi mua sắm và ăn uống ở đây lại gây ra sự ức chế cho những người khác mỗi khi phải lưu thông trên tuyến phố này. Anh Kiên Hoàng hiện đang sinh sống trên địa bàn cho biết, tại đây có rất nhiều nhà trọ hoặc nhà cho thuê, việc chợ “cóc” xuất hiện nhiều cũng là điều dễ hiểu. “Cũng một vài lần có xe của các đồng chí trật tự đến, người ta bê ghế vào rồi lại đâu vào đấy. Đã ở đây ba năm rồi nhưng tôi chưa thấy lúc nào các tuyến đường đó bớt đông đúc và sạch cả”.

Theo các chuyên gia đô thị, ngoài việc tuyên truyền, vận động người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ sức khỏe bản thân bằng cách mua sắm tại các khu chợ đã được quy hoạch hoặc trong các siêu thị, cần có những chính sách căn cơ hơn cho các tiểu thương sao cho hợp lý để họ thuận ý buôn bán trong các khu chợ dành riêng cho việc kinh doanh. Bên cạnh đó, rất cần việc tăng cường, kiểm tra, giám sát của lực lượng chuyên ngành để không hình thành các khu chợ “cóc” nhếch nhác, gây mất kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm.