BÀI VIẾT THAM DỰ CUỘC THI TÁC PHẨM BÁO CHÍ VỀ ĐỀ TÀI “HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH” GIAI ĐOẠN 2022-2025

Chàng trai viết tương lai bằng miệng

“Tôi chấp nhận số phận nhưng không bao giờ đầu hàng số phận”, chính là phương châm sống của anh Phạm Sỹ Long, chàng trai bị liệt toàn thân chỉ có đầu cử động được nhưng là tác giả của gần 400 bài thơ, hai tập truyện và gần trăm bức tranh vẽ bằng miệng.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Long nhận bằng khen trong chương trình Tỏa sáng Nghị lực Việt 2022.
Anh Long nhận bằng khen trong chương trình Tỏa sáng Nghị lực Việt 2022.

Anh Phạm Sỹ Long, sinh năm 1988 ở thôn Hợp Thuận, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh là một trong 50 gương thanh niên khuyết tật được tôn vinh trong chương trình Tỏa sáng Nghị lực Việt 2022 do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức.

Buổi chăn bò định mệnh

Về thăm gia đình anh Long vào một ngày đầu hè nắng gắt, dưới căn nhà cấp bốn cũ kỹ, chàng trai bé nhỏ nằm mình trần trong căn phòng nóng hầm hập. Chắc chắn không ít người xúc động trước hoàn cảnh của anh, nhưng anh vẫn tươi cười, vui vẻ nói: “Tôi quen rồi”.

Anh Long bảo rằng: Mùa hè cơ thể của tôi như cái lò vi sóng vậy, bởi vì dù trời có nắng nóng ra sao thì người tôi cũng không ra chút mồ hôi nào, nên cơ thể không thể thoát được nhiệt khiến cho người đã nóng lại càng nóng hơn. Mẹ tôi phải thường xuyên dùng khăn ướt lau người cho tôi và phải đóng kín cửa, buông rèm cả ngày cho phòng đỡ nóng, nên cả mùa hè hầu như tôi phải ở trong “bóng tối”.

Nhớ lại buổi chiều ngày 2/9/2003, anh Long kể rằng, chiều đó tôi đi chăn bò cùng bạn bè trong xóm. Thấy trên cây phi lao có một cái tổ rất to nên đã tò mò trèo lên xem. Chẳng may tôi bị ngã từ độ cao chừng 6m, đầu lao xuống đất. Lúc đó tôi cảm nhận được rằng cổ tôi đã bị gãy nhưng không thể nào nói cho những người chung quanh biết…

Là con trai duy nhất trong gia đình nghèo có bốn chị em, nhưng cha mẹ Long đã cố gắng chạy ngược chạy xuôi vay mượn khắp nơi để chữa trị cho con ở bệnh viện tốt nhất. Nhưng, các bác sĩ đều lắc đầu, có nơi còn khuyên gia đình nên cho cháu về nhà sớm, phòng chuyện chẳng lành còn được ở bên gia đình.

Trở về nhà với cơ thể bất động, nhiều bộ phận trên cơ thể còn bị hoại tử, nhưng nhờ đôi bàn tay kỳ diệu của mẹ mà Long đã vượt qua tiếng gọi của tử thần. Cơn đau thể xác tạm qua đi thì nỗi đau tinh thần lại lao vào giằng xé cậu bé mới 16 tuổi. Long nghẹn ngào tâm sự: Bỗng dưng trở thành người tàn phế, đó là cú sốc rất lớn với tôi, tôi thường xuyên cáu giận, la mắng người thân. Thậm chí, mẹ cho tôi uống nước tôi còn ngậm nước phun vào mặt mẹ, mẹ cúi xuống lau người thì tôi giơ cùi chỏ đánh vào đầu mẹ, nhưng mẹ không tức giận mà chỉ khóc giàn giụa. Những đêm mất ngủ, tôi thường nhớ lại những hành động đó với mẹ, tôi thấy ân hận vô cùng.

Cô Trần Thị Hà, mẹ anh Long giờ cũng đã bớt u sầu hơn trước, nhớ lại rằng: Mấy năm trước Long có nói xin vào trung tâm bảo trợ xã hội để tôi không phải vất vả chăm sóc cho cháu nữa. Nhưng tôi không đồng ý, tôi bảo chừng nào mẹ còn khỏe thì mẹ vẫn sẽ cố gắng để chăm sóc cho con, khi nào mẹ không còn lo được cho con nữa thì con muốn đi mẹ cũng không cản.

Ngậm bút viết tiếp giấc mơ

Trước khi gặp biến cố, Long được đánh giá là cậu bé chịu khó, hòa đồng và thích ca hát. Ước mơ của Long là trở thành một người lính, bảo vệ biên cương Tổ quốc hoặc trở thành một đầu bếp để chế biến ra những món ăn ngon.

Những ước mơ đó bỗng chốc vỡ vụn và có lúc Long chỉ có một ước mơ là… “được chết”. Nhưng chẳng đủ sức để có thể tự chết được. Mất khoảng 3-4 năm đầu sau tai nạn, Long mới dám thỏa hiệp với số phận, chấp nhận một cuộc sống mới, tạm gọi là có ý nghĩa, ít nhất là sự tồn tại của anh là ước mong của cha mẹ và gia đình.

Tình cờ, một lần Long được bạn tặng cho cuốn tự truyện về một người chị khuyết tật vươn lên trong cuộc sống. Cuốn sách như ánh nắng mặt trời chiếu rọi tâm can của Long, khiến Long bừng tỉnh và quyết tâm viết một cuốn sách như chị để chia sẻ về số phận của mình.

Tuy nhiên, viết bằng gì, viết như thế nào khi thời điểm đó Long chưa được tiếp cận với máy tính hay điện thoại. Ngẫm lại trên cơ thể mình, chỉ có mỗi cái miệng là vẫn còn hoạt động được tốt, Long quyết tâm học viết bằng chính cái miệng của mình.

Nói với cha mẹ về “ý tưởng trên mây” và dĩ nhiên chẳng ai tin, mặc dù cha mẹ rất thương Long nhưng họ vẫn gạt đi, “trên đời này làm gì có ai viết chữ bằng miệng”, cha Long thở dài nói. Long bèn dùng “khổ nhục kế” không ăn để đòi mẹ mua bằng được sách vở và bút cho mình tập viết.

“Ban đầu tôi dùng răng cắn chặt cây bút để viết nhưng được một lúc răng ê buốt không giữ nổi bút, thậm chí miệng còn bị loét không ăn được cơm, suốt một tháng tôi chỉ húp cháo loãng”, anh Long nhớ lại.

Sau mấy tháng kiên trì, nỗ lực, Long đã viết được những dòng chữ đầu tiên bằng miệng khiến ai nấy đều nể phục. Long ngày đêm ra sức viết lại nhật ký đời mình dài hơn 800 trang, ngoài ra Long còn làm thơ, vẽ tranh. Đọc thơ Long, độc giả dễ cảm nhận được sức sống mãnh liệt, khát khao góp ích cho đời của anh. Trong bài thơ “Đầu tiên”, Long viết:

“Mong sao được là chim, tung cánh bay giữa trời

Mong sao được là cá, bơi lội giữa biển khơi

Mong sao được là mây bay đi khắp muôn nơi

Mong sao được là hoa tỏa hương ngát cho đời”…

Đến nay, sau hơn mười mấy năm “ngậm bút vẽ tương lai”, Long đã sở hữu cho mình bốn cuốn hồi ký, hai tập thơ, hai tập truyện ngắn, dài, khoảng 70 bức tranh… tất cả đều được viết, vẽ bằng miệng. Đặc biệt nhờ có sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, năm 2013 anh đã xuất bản được tập thơ đầu tay “Miền khát vọng”, năm 2020 là đứa con tinh thần thứ hai: truyện dài “Không chỉ là giấc mơ”.

Số tiền có được từ bán thơ, bán truyện, anh Long còn trích ra một phần để tặng các em nhỏ có hoàn cảnh vươn lên trong học tập trên địa bàn xã và ủng hộ cho đồng bào miền trung bị lũ lụt cùng năm.

Các thành tích mà Long đã đạt được: Giấy khen của Đảng ủy xã Xuân Phổ về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh 2016; Chứng chỉ khóa Coaching của Tiến sĩ Khiem Nguyen; Chứng chỉ khóa luyện giọng nói, MC của Công ty Best Talent; Chứng chỉ khóa đào tạo diễn giả chuyên nghiệp của diễn giả hàng đầu thế giới Jimmy Thai.

Người thầy truyền cảm hứng

Luôn khát khao trở thành người có ích cho xã hội như lời Bác Hồ dạy “tàn nhưng không phế”, năm 2021, Long đã tham gia các khóa học về phát triển bản thân trên mạng rồi sau đó Long đã tự mở ra trung tâm dạy học trực tuyến “Thức tỉnh giọng nói bên trong bạn” để hỗ trợ mọi người luyện giọng nói, đào tạo MC và thuyết trình.

Và cũng như ý tưởng “hão huyền” ngậm bút viết, ban đầu chẳng ai tin một chàng trai liệt toàn thân, chẳng qua trường lớp đào tạo chuyên nghiệp nào mà “đứng lớp” dạy về giao tiếp. Long nhớ lại: “Cho dù đã kêu gọi rất nhiều, nhưng những buổi đầu mở lớp chẳng có ai tham gia, nhưng tôi vẫn kiên trì giảng một mình, có người vào rồi thấy mỗi tôi lại đi ra”.

Tuy nhiên, lòng kiên trì vẫn luôn là thứ Long mạnh nhất và sẵn nhất, ròng rã nhiều ngày tháng anh đăng video lên mạng xã hội và đã có một số bạn trẻ tin tưởng, giúp đỡ anh tổ chức trung tâm như hai chị em Lê Thị Hiền - Maris Lương (Hà Nội). Khóa học đầu tiên khai giảng vào cuối năm 2021 và cho đến thời điểm hiện tại, trung tâm của Long đã trải qua 8 khóa học với hơn 100 học viên trên khắp mọi miền đất nước, trong đó có đủ đối tượng từ học sinh, sinh viên, giáo viên cho đến công nhân, người nội trợ…

Những bài chia sẻ của anh dào dạt năng lượng tích cực và đã giúp cho không ít bạn trẻ khuyết tật vượt qua mặc cảm, dám chia sẻ về cuộc sống và ước mơ của mình. Đến nay, khóa học của anh Long đã có “thương hiệu” và được mở thường xuyên. Ở đó, các bạn đều gọi anh là thầy David Long bằng tất cả niềm yêu mến. Các bạn khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn đều được anh miễn học phí. Anh Long mong rằng những học sinh đến với anh hãy đặt cho mình một mục tiêu cụ thể và quyết tâm đạt được mục tiêu của đời mình.

Còn với Long, mục tiêu không gì khác là sống có ý nghĩa mỗi ngày và kể cả sau khi qua đời cũng có thể cống hiến cho y học bằng cách đăng ký hiến toàn bộ cơ thể của mình. Ngoài ra, Long còn đăng ký hiến đầu cho ca “phẫu thuật ghép đầu người” đầu tiên tại Việt Nam nếu như được thực hiện trong tương lai.

Bí thư Huyện đoàn Nghi Xuân,­ chị Nguyễn Thị Hồng Minh cho biết: Những tấm gương như anh Long đã trở thành động lực cho các bạn đoàn viên, thanh niên trong việc rèn luyện ý chí, bản lĩnh, vươn lên trong cuộc sống để cống hiến cho cộng đồng.