Câu chuyện thời đạn bom

Những câu chuyện về một thời đạn bom của bà Tý, bà Bắc, bà Túc, bà Lai…, những anh hùng vô danh vẫn ở bên chúng ta. Để mỗi lần gặp họ, thêm thấm thía sâu sắc giá trị của hòa bình, thống nhất non sông.

Tổ bắn máy bay chiến thuật của dân quân tự vệ TP Hà Nội trong chiến dịch phòng không tháng 12-1972. Ảnh tư liệu
Tổ bắn máy bay chiến thuật của dân quân tự vệ TP Hà Nội trong chiến dịch phòng không tháng 12-1972. Ảnh tư liệu

Trận địa trên mặt đê

Một chiều yên ả, nếu không được bà Nguyễn Thị Tý, vốn là nữ dân quân ở xóm Đồng Tâm, làng Quán Tình, xã Giang Biên, huyện Gia Lâm, đang sống tại tổ 5 phường Giang Biên, quận Long Biên đưa lên đê sông Đuống xem dấu tích còn lại, thì tôi cũng không thể hình dung được, đài quan sát rất thô sơ đã được dựng trên chân lô cốt để đếm bom từ pháo đài bay của đế quốc Mỹ ném xuống các trọng điểm, góp phần giữ con đường huyết mạch từ Cầu Đuống về cầu Long Biên. Từ đây, nhìn lên cầu Đuống và quốc lộ 1, chỉ chưa đầy một kilomet theo đường chim bay.

Mới đó mà đã gần 40 năm, kể từ mùa đông 1972. Trong dòng hồi tưởng của bà, câu chuyện Bộ Tư lệnh Thủ đô mở khóa huấn luyện kiến thức cơ bản cho dân quân, tự vệ gác ở 36 đài quan sát ngoại thành tưởng như mới hôm qua, hôm kia… khi bà và các bạn gái đang xuân xanh 18-20 tuổi. Hè năm 1972, bà cùng ba bạn gái - ba nữ dân quân được huyện đội đưa vào danh sách đi học kỹ thuật một tháng. Trở về làng, thay các anh đi bộ đội, bốn chị em lên đài quan sát canh gác bầu trời quê hương. Vui với nhiệm vụ mới, Tổ trưởng Nguyễn Thị Tý và các chị Nguyễn Thị Bắc ở thôn Quán Tình; chị Hoàng Thị Túc và Trương Thị Lai ở thôn Tình Quang, vừa sản xuất vừa thay nhau trực chiến trên đài quan sát.

Trận địa pháo 14 ly 5 của dân quân xã đặt ngay trên đê, do ông Nguyễn Tuấn Phải là khẩu đội trưởng, chỉ cách đài quan sát 500 m. Dân quân, tự vệ Giang Biên làm việc ngay trên mặt đê để phối hợp nhịp nhàng với khẩu đội pháo cao xạ 100 ly của Huyện đội Gia Lâm.

Tôi nhìn ảnh chụp chân lô cốt, hỏi bà: Cháu thấy còn hai cửa hầm, hồi đó có dân quân có sử dụng tránh bom được không? - Có chứ. Rồi nhìn vẻ mặt tôi, bà nói rành rẽ: Dưới hầm của chân lô cốt, có cả bộ đội thông tin làm việc và dân làng tôi trú ẩn khi bị máy bay đánh bom. Gọi là đài quan sát, vì gắn với nhiệm vụ đếm bom của tổ dân quân, chứ thực ra, chúng tôi phải dựng cái chòi cao trên đê mới đếm được bom máy bay Mỹ thả để kịp thời báo về cho huyện đội. Chòi thời ấy, chỉ dựng bằng thân tre già và gỗ xoan. Trên chòi có một máy điện thoại, một ống nhòm, lại thêm kẻng báo động của dân quân xã. Khi nghe còi báo động ở Nhà hát Lớn Hà Nội truyền sang, chúng tôi gõ kẻng báo động cho dân kịp thời vào hầm chữ A (hầm Cồn Cỏ).

Thật sự ngạc nhiên, tôi lại hỏi: Còi báo động truyền sang đây, bà nghe rõ được ạ? Bà cười, mắt lấp lánh niềm vui khi kể chuyện cổ tích: Hệ thống báo động toàn thành phố được trang bị rất tốt nên còi ở Nhà hát Lớn truyền sang cho các trận địa và các chòi quan sát của dân quân tự vệ ven nội, nghe rõ lắm! Hằng ngày, bốn nữ dân quân đã trực chiến trên đài quan sát 24/24 giờ.

Câu chuyện thời đạn bom ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Tý (đứng đầu) nữ tự vệ phường Giang Biên. Ảnh tư liệu

Trụ vững trong bom đạn

Đêm 18-12-1972, đế quốc Mỹ ném bom xuống nhiều nơi ở thành phố, trong đó có trọng điểm Đông Anh, Yên Viên, Cầu Đuống. Xóm Đồng Tâm, cách cầu Đuống khoảng 3 km, bị tàn phá trong bão lửa bom đạn của B52. Đứng trên đài quan sát, bốn bà thót tim gan. Đài chao đảo, rung lắc trong cơn bão bom B52. Bà Tý nảy ra sáng kiến lấy khăn quàng cổ buộc người vào ba chân cột tre của đài quan sát, sẽ không bị hắt xuống sông, trụ vững để làm tiếp nhiệm vụ. Bà Tý kể tiếp: “Cả đêm đếm bom to trùi trũi, như vãi xuống làng xóm, chúng tôi không kịp sợ. May mà cả bốn chị em, không ai bị thương. Nhưng về đến xóm Đồng Tâm, nơi cha mẹ tôi đang ở, tôi mới thấy rã rời. Cả xóm nhỏ thanh bình bên sông phút chốc bị bom đạn giặc cày xới tan hoang; 18 người bị chết, trong đó có cả họ hàng ruột thịt của tôi. Nén đau thương, tang tóc, tôi động viên chị em làm nhiệm vụ suốt 12 ngày đêm. Đứng trên chòi cao, thấy rất rõ bom Mỹ rơi ở các địa điểm. Có hôm dây điện thoại nối với huyện đội bị đứt, tôi chạy như lao về huyện, nối lại đường dây. Cứ như vậy, chúng tôi giúp công binh rà phá bom trên quốc lộ 3 và vùng chung quanh an toàn”.

Tôi lên mặt đê sông Đuống, nhìn lại chân lô cốt, mà vẫn không thể hình dung hết làm sao chỉ với kỹ thuật và công cụ rất thô sơ, các chị thời ấy, nay đã là các bà, lại có thể đếm bom từng quả, từng quả một? Sức mạnh vĩ đại để ta giành chiến thắng, cũng có phần bắt nguồn từ những người dân bình dị nhưng dũng cảm như các nữ dân quân ở chòi quan sát Giang Biên. Cái chấm nhỏ của đài quan sát trong vùng trọng điểm đó đã sừng sững giữa bom đạn hủy diệt của đế quốc Mỹ.

Câu chuyện của bà Tý, bên những thúng, mủng, kệ để dưa cà, rau xanh, chuối chín… thật mộc mạc, cảm động, bình dị mà chứa đựng khí phách anh hùng, dũng cảm của người dân Việt. Hòa bình lập lại, vượt lên bao gian khó trong cuộc sống, giờ đây, bà hạnh phúc bên người chồng vốn là lính của binh chủng đặc công, chịu thương chịu khó. Vài sào ruộng bãi bên sông Đuống cho ông bà cuộc sống an bình với con cháu. Bà cười: Chỉ mong trời cho sức khỏe, để ông ấy vui với đồng ruộng, cả nhà được ăn rau hoa quả sạch do tay ông chăm bón. Thế mà ông vẫn có nghề phụ sửa xe đạp cho bà con ngõ phố đấy”. Thật là “súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”. Những câu chuyện của bà Tý, bà Bắc, bà Túc, bà Lai…, những anh hùng vô danh vẫn ở bên chúng ta, để mỗi lần gặp các bà, thêm thấm thía sâu sắc giá trị của hòa binh, thống nhất non sông.