Cạnh tranh thị trường giao đồ ăn trực tuyến

Câu chuyện ứng dụng giao đồ ăn Baemin sẽ dừng hoạt động tại Việt Nam đang gây tiếc nuối cho nhiều người, bởi đây là một ứng dụng giao đồ ăn (app food) được đánh giá là thân thiện từ hình ảnh, đến các chiến dịch quảng cáo đầy tính sáng tạo, năng động và gần gũi.
0:00 / 0:00
0:00
Nhân viên Gojek giao hàng cho khách. Ảnh: GOJEK
Nhân viên Gojek giao hàng cho khách. Ảnh: GOJEK

Thị trường giao đồ ăn trực tuyến của Việt Nam luôn được đánh giá là nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, sự cạnh tranh gay gắt cùng kỳ vọng cao từ người tiêu dùng khiến nhiều đơn vị phải thừa nhận đây là “mảnh đất không hề màu mỡ”. Ngoài Beamin, thị trường Việt Nam còn có 5 ứng dụng giao đồ ăn phổ biến khác bao gồm ShopeeFood (tên cũ Now), LoShip, GrabFood, BeFood, GoFood. Quyết định “rời cuộc chơi” của cái tên đến từ Hàn Quốc này đã cho thấy sự khốc liệt từ thị trường giao đồ ăn Việt Nam.

Nhiều tiềm năng

Tham dự Hội thảo “Thương mại điện tử - Xu thế phát triển bền vững” cách đây không lâu, ông Jinwoo Song - Tổng giám đốc Beamin Việt Nam thời điểm đó đã nhận định, thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam có ba yếu tố tạo nên sự phát triển là sự sẵn sàng của khách hàng, nền tảng cơ sở vật chất và công nghệ.

Cũng theo ông Jinwoo Song, người tiêu dùng Việt Nam bắt kịp xu hướng nhanh và sử dụng thành thạo công nghệ, cởi mở với các nền văn hóa và luôn thúc đẩy để doanh nghiệp phải đầu tư phát triển các tính năng mới. Việt Nam cũng có sự phát triển vượt bậc của ngân hàng số và nền tảng thanh toán trực tuyến, giúp các ứng dụng có thể phục vụ khách hàng nhanh hơn và tiện lợi hơn.

Báo cáo thị trường giao đồ ăn trực tuyến năm 2023 của Momentum Works cho biết, kết thúc năm 2023, thị trường giao đồ ăn trực tuyến Đông Nam Á dự kiến sẽ đạt doanh thu 30,12 tỷ USD, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm trước, và tốc độ tăng trưởng hằng năm giai đoạn 2023 - 2027 là 17,25%, đạt 56,92 tỷ USD năm 2027.

Theo đó, tổng doanh thu dự kiến của thị trường giao đồ ăn trực tuyến Việt Nam trong năm 2023 xếp thứ 5 giữa các quốc gia Đông Nam Á, sau Indonesia, Philippines, Thailand và Malaysia, nhưng có tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước xếp thứ 3 và tỷ lệ tăng trưởng hằng năm kép giai đoạn 2023 - 2027 chỉ xếp sau Indonesia.

Một nghiên cứu của Statista cũng đưa ra nhận định, với quy mô dân số nằm trong tốp đầu Đông Nam Á, Việt Nam đang cho thấy nhiều tiềm năng để phát triển thị trường giao đồ ăn trực tuyến. Doanh thu thị trường này có thể đạt 1,93 tỷ USD vào năm 2023, cao hơn 29,5% so với năm 2022, tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) giai đoạn 2023-2027 là 15,29%, tương đương mức doanh thu 3,41 tỷ USD vào năm 2027.

Trong đó, doanh thu năm 2023 của phân khúc giao bữa ăn trực tuyến dự kiến đạt 538,4 triệu USD, cao hơn 19,4% so với cùng kỳ năm trước và CAGR giai đoạn 2023 - 2027 là 5,93%, tương đương mức doanh thu 678 triệu USD vào năm 2027. Khi so sánh với thị trường Trung Quốc, mức doanh thu của phân khúc giao bữa ăn trực tuyến tại Việt Nam thấp hơn 315 lần.

Nhưng khó “nuốt”

Quay trở lại câu chuyện của Beamin, như đã nói ở trên, chính ban lãnh đạo của nền tảng này cũng nhận thấy được tiềm năng thị trường Việt Nam. Do vậy, ngay từ khi ra mắt, ứng dụng giao đồ ăn này đã xây dựng một hình ảnh gây được thiện cảm với người dùng. Hầu như tất cả phản hồi về hình ảnh của Baemin đều là tích cực.

Một lợi thế khác của Beamin là được vận hành bởi Woowa Brothers Việt Nam, thành viên của liên doanh giữa Woowa Brothers - công ty giao đồ ăn đứng đầu tại Hàn Quốc và Delivery Hero - tập đoàn công nghệ giao đồ ăn của Đức, hoạt động tại hơn 50 quốc gia.

Tuy nhiên, sau bốn năm hoạt động, Baemin không đạt được mức lợi nhuận mong muốn và phải rút khỏi thị trường. Trong nhiều ngày qua, đã có rất nhiều ý kiến mổ xẻ nguyên nhân thất bại của Beamin, nhưng hầu hết đều đưa ra một ý kiến chung là thị trường Việt Nam dù rất tiềm năng nhưng lại chưa ổn định.

Nhìn lại các yếu tố giúp thị trường giao đồ ăn của Việt Nam phát triển mạnh trong các năm vừa qua có thể thấy, một phần do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng việc các ứng dụng giao đồ ăn đổ tiền để chiếm thị phần với hàng loạt khuyến mãi khủng cũng góp phần không nhỏ. Điều này đã tạo nên sự thiếu bền vững, gây mất cân bằng cho thị trường mục tiêu.

Ứng dụng nào có nhiều ưu đãi sẽ giữ chân được người dùng, nhưng khi không còn khuyến mãi họ sẽ quay lưng, hay nói cách khác người tiêu dùng Việt Nam không đặc biệt trung thành với ứng dụng giao đồ ăn nào. Khảo sát ý kiến của 100 người đang sử dụng các ứng dụng giao đồ ăn thì có đến 90 người cho biết, họ sẽ ưu tiên đặt hàng ở ứng dụng có nhiều khuyến mãi, giảm giá, miễn phí giao hàng.

“Trước khi đặt đồ ăn, tôi thường dạo qua các app như Grab, ShopeeFood, Gojek xem bên nào đang khuyến mãi nhiều hơn thì sẽ đặt ở đó. Bởi lẽ, giá đồ ăn trên các ứng dụng này thường sẽ cao hơn so với ngoài quán, hoặc lượng đồ ăn sẽ ít hơn, nên chỗ nào được trừ nhiều tiền hơn tôi sẽ ưu tiên lựa chọn”, chị Thanh Huyền (nhân viên văn phòng) cho biết.

Dưới góc độ người kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhiều chủ cơ sở cũng cho rằng, khách hàng đặt qua ứng dụng không còn nhiều như thời kỳ dịch Covid-19, thay vào đó lượng khách đến ăn trực tiếp tăng đáng kể. Nhiều người dùng cho biết, dù rất có thiện cảm với Baemin nhưng một trong những điều khiến họ ít dùng ứng dụng này là vì ít chương trình khuyến mãi so với các đối thủ khác.

Nhìn chung, tiềm năng thị trường giao đồ ăn trực tuyến của Việt Nam là quá rõ ràng nhưng “miếng bánh” không thể chia đều cho tất cả, phần lợi thế thường sẽ thuộc về những người chơi mạnh về tài chính. Tuy nhiên, “bao nhiêu là đủ” cũng là vấn đề đáng quan ngại với nhà đầu tư.