Đấu giá hàng loạt đất nền
Đầu tháng 5 vừa qua, 4 huyện Sóc Sơn, Phúc Thọ, Hoài Đức, Chương Mỹ thông báo chuẩn bị đấu giá 109 thửa đất, giá khởi điểm thấp nhất 5,6 triệu đồng/m2. Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức cho biết, sẽ tổ chức đấu giá 34 thửa đất tại khu Mả Trâu (xã Đông La). Các lô đất chuẩn bị đấu giá có diện tích 100-112 m2, với giá khởi điểm từ khoảng từ 57-62 triệu đồng/m2.
Huyện Chương Mỹ sẽ đấu giá 51 thửa đất thuộc 7 dự án ở các thị trấn, thị xã Chúc Sơn, Văn Võ, Thượng Vực, Hữu Văn, Nam Phương Tiến, mức khởi điểm 5,6-44,2 triệu đồng/m2, các thửa đất có diện tích từ 77,9-200 m2.
UBND huyện Sóc Sơn cũng thông báo sẽ đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở đối với 18 thửa đất tại khu đất đấu giá quyền sử dụng đất số 1 thôn Hương Đình (xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Huyện Phúc Thọ cũng sẽ phối hợp tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở đối với 6 thửa đất thuộc khu Gạc Chợ (xã Tam Hiệp). Các thửa đất có diện tích từ hơn 77-153 m2 với giá khởi điểm từ 66,7-75,4 triệu đồng/m2.
Mức giá này cao tương đương một số căn hộ chung cư cao cấp thuộc dự án đang mở bán tại khu vực quận Nam Từ Liêm. So lực cầu hiện nay, việc đấu giá đất này rất khả quan và có thể đưa lại nguồn thu ngân sách lớn. Bởi trước đó, nhiều huyện quanh Hà Nội đã đấu giá đất và thu được kết quả khả quan.
Điển hình như huyện Quốc Oai vừa tổ chức thành công phiên đấu giá 34 thửa đất, với tổng diện tích 3.100 m2 tại dự án ở xã Cấn Hữu và Sài Sơn. Phiên đấu giá đất có 150 khách hàng, đăng ký 242 hồ sơ tham gia đấu giá. Tỷ lệ này tương đương mỗi thửa đất có hơn 4 khách hàng quan tâm. Kết thúc buổi đấu giá, toàn bộ 34 thửa đất đã được đấu giá thành công. Trong đó, lô trúng đấu giá cao nhất là 74,1 triệu đồng/m2, tăng 21 triệu đồng so với giá khởi điểm. Đại diện huyện Quốc Oai cho biết, huyện còn tổ chức thêm 5 phiên đấu giá đất với diện tích khoảng 15.000 m2 tại các xã Tân Phú, Yên Sơn, Sài Sơn. Huyện dự kiến thu 500-600 tỷ đồng, tương đương giá trúng tối thiểu 33-40 triệu đồng/m2.
Thực tế giá đất quanh Hà Nội đã tăng nhanh từ đầu năm nay, cuối tháng 2 vừa qua, 33 thửa đất tại xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh đều được đấu giá thành công, trong đó có lô cao gấp đôi giá khởi điểm với hơn 60 triệu đồng/m2. Còn giai đoạn cuối tháng 3, huyện Mê Linh cũng đấu giá thành công 30 lô đất, trong đó có lô đạt hơn 50 triệu đồng/m2, cao gần gấp đôi giá khởi điểm.
Tỉnh táo trước những “màn kịch”
Trước đó, từ cuối năm 2022 đến 2023, đất nền, đất đấu giá huyện ven Hà Nội rơi vào cảnh ảm đạm theo chiều hướng đi xuống của thị trường. Những huyện gần khu vực quy hoạch Vành đai 4 như Hoài Đức, Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng... từng tăng nóng giai đoạn 2020-2021 đã xuất hiện nhiều đợt giảm giá. Có những lô được rao cắt lỗ 20-30% nhưng không có người mua.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, lượng tìm kiếm đất nền quanh Hà Nội đã tăng đột biến. Theo số liệu tháng 1/2024 của Batdongsan.com.vn, cho thấy lượng tìm kiếm đất nền đã tăng khoảng 110%, đất dự án tăng 77% so cùng kỳ năm trước.
Những tháng đầu năm, nhiều giao dịch đất nền đầy đủ pháp lý, giá dưới 2 tỷ đồng chốt thành công trở lại được ghi nhận. Theo phân tích, người mua bán đất nền giai đoạn này đều là người vừa mới đáo hạn tiền gửi tiết kiệm và có số vốn khoảng 1-2 tỷ đồng.
Báo cáo thị trường bất động sản quý I vừa qua và dự báo quý II của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng cho thấy, nhiều khu vực quận, huyện ngoại thành Hà Nội đang có mức giá đất nền tăng đột biến, nhất là những lô đất đã tách thửa.
So quý IV/2023, giá phân khúc đất nền tăng khoảng 5%, riêng thị trường ven Hà Nội và gắn liền khu công nghiệp có mức tăng từ 10-20%. Đặc biệt, đối với các sản phẩm đất nền giá dưới 2 tỷ đồng tại vùng ven trung tâm có pháp lý bảo đảm, hạ tầng, tiện ích có sẵn, ghi nhận mức giá tăng lên tới 40%.
Mặc dù giá tăng nhưng đơn vị này cũng đưa ra cảnh báo nhà đầu tư cần hết sức lưu ý trước khi xuống tiền mua đất nền thời điểm này. Theo đó nên tìm hiểu kỹ mức giá phân khúc để tránh hình thành các cơn “sốt ảo”, gây nguy cơ mất an toàn, khi thị trường còn đang trong tiến trình hồi phục.
Chủ tịch VARS Nguyễn Văn Đính cho rằng, hiện tượng trên là bất thường. Thậm chí, thị trường bất động sản nhiều khu vực vùng ven Hà Nội đang sôi động nhưng người mua - bán không phải nhà đầu tư mà là những “màn kịch” do môi giới, nhà đầu tư tạo ra. “Tư duy “tấc đất tấc vàng” nên nhu cầu sở hữu nhà đất, nhu cầu tích sản của người Việt rất lớn. Bởi vậy, không khó hiểu khi đất nền nhận được sự quan tâm nhiều của người tiêu dùng. Với những nhà đầu tư đòn bẩy tài chính thấp nên cân nhắc khi xuống tiền”.