Cẩn trọng khi đầu tư farmstay

Những năm gần đây, loại hình kinh doanh trang trại kết hợp du lịch nghỉ dưỡng (farmstay) nở rộ ở nhiều nơi trên cả nước. Tuy nhiên, khung pháp lý liên quan loại hình bất động sản (BĐS) này còn thiếu nên hoạt động đầu tư tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Loại hình kinh doanh farmstay đang phát triển ở nhiều nơi, song chứa đựng nhiều rủi ro.
Loại hình kinh doanh farmstay đang phát triển ở nhiều nơi, song chứa đựng nhiều rủi ro.

Mô hình thời thượng…

Giống như nhiều loại hình BĐS mới như căn hộ du lịch (condotel), căn hộ văn phòng (officetel), farmstay nổi lên là kênh thu hút đầu tư mới, kết hợp giữa trang trại sản xuất nông nghiệp (farm) với kinh doanh lưu trú (homestay). Với BĐS này, khách du lịch có thể vừa nghỉ dưỡng vào những dịp nghỉ lễ, cuối tuần vừa có cơ hội trải nghiệm thực tế công việc hằng ngày như một nông dân và tham gia các hoạt động của nông trại, sinh hoạt văn hóa bản địa. Tùy vào mức độ đầu tư, khách hàng sẽ được hưởng những giá trị lợi ích từ mô hình trồng rau sạch có công nghệ hiện đại, dựa trên sự thỏa thuận giữa khách hàng và chủ đầu tư nông trại.

Hiện nay, các sàn giao dịch chào bán giá đất farmstay rất rẻ so đất ở. Đơn cử, theo thông tin quảng cáo thì chỉ cần từ 350 - 500 triệu đồng, khách hàng đã có thể sở hữu một suất vườn 150 m² và hưởng các lợi ích đi cùng như được 15 kg rau sạch/tháng, tặng ngày nghỉ dưỡng miễn phí/năm, được tặng đất tại khu nghỉ dưỡng để xây nhà sàn cho riêng mình… Điều đặc biệt là cam kết đứng tên sổ hồng và chủ đầu tư sẽ mua lại sau nhiều năm nếu không ra được sổ.

Nguyễn Văn Thanh, một môi giới BĐS ở Hòa Bình cho biết, đầu tư một lô đất farmstay ban đầu chỉ khoảng 500 triệu đồng, nhưng lợi nhuận cho thuê thu về khoảng 50 - 70 triệu đồng/năm. Như vậy, chỉ cần khoảng chục năm là thu hồi được cả vốn lẫn lãi. Khi được hỏi về việc ra sổ đỏ riêng cho từng lô đất, Thanh nói, chỉ có sổ đỏ chung cho toàn khu, người mua sẽ đầu tư dưới hình thức hợp tác góp vốn và nhận phần đất mình được chia. Sau khi góp vốn, có thể tự làm nhà tạm và canh tác nông sản, hoặc giao lại cho bên bán triển khai hộ và sẽ thu hoạch theo mùa. 

“Hiện nay, rất nhiều người đổ xô mua đất vườn rồi đầu tư xây dựng thành kiểu homestay, farmstay nên đây là kiểu mô hình đầu tư thời thượng. Sau vài năm, giá đất tăng cao nên không bao giờ sợ lỗ. Với cam kết lợi nhuận từ chủ đầu tư, người mua có thể ký hợp đồng hợp tác đầu tư, cũng có thể chốt lời linh động. Khi xu hướng kinh doanh kỳ nghỉ gắn với nông trại đang lên ngôi thì việc đầu tư vào farmstay sẽ mang lại giá trị gia tăng cao cho những người biết tận dụng thời thế”, Thanh tư vấn.

… nhưng liệu có dễ?

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tầng lớp trung lưu Hà Nội có nhu cầu đi nghỉ cuối tuần khoảng 20 - 30 triệu lượt/năm. Như vậy, chỉ tính riêng việc đáp ứng nhu cầu của nhóm này, BĐS nghỉ dưỡng vùng ven Thủ đô cần tối thiểu khoảng 50.000 phòng nghỉ/năm. Vì thế, việc ra đời của nhiều dự án farmstay nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của một bộ phận nhà đầu tư cá nhân.

Thực tế, từ giai đoạn 2008 - 2012, khi cơn sốt đất ở Ba Vì, Thạch Thất… lên đỉnh điểm, rất nhiều người đã đầu tư vào các dự án farmstay ở đây nhưng chỉ sau thời gian ngắn, thị trường BĐS đóng băng, các dự án này đều rơi vào quên lãng. Đến thời điểm này, một số chuyên gia BĐS cho rằng, đầu tư vào farmstay vẫn là vô cùng mạo hiểm và đầy rủi ro khi chưa có khung pháp lý điều chỉnh. Hơn nữa, phần lớn các dự án farmstay đều được thực hiện trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, thậm chí là đất lấn chiếm nên rất khó để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chưa kể, đầu tư farmstay cũng không dễ thu hồi vốn nhanh như các phân khúc BĐS khác, bởi mô hình này đòi hỏi người đầu tư cần hiểu biết về kiến trúc, kỹ thuật nông nghiệp, cách bài trí kết hợp hài hòa để con người gần gũi với thiên nhiên. Do đó, không nên kỳ vọng lợi nhuận vượt quá 10%/năm vì mô hình này không phải để lướt sóng.

Ngoài ra, khung pháp lý điều chỉnh hoạt động kinh doanh farmstay chưa có nên hầu hết các dự án phát triển manh mún, lấy lợi nhuận để thu hút nhà đầu tư. Nhiều dự án kêu gọi nhà đầu tư tham gia bằng các mỹ từ cam kết siêu lợi nhuận, nhưng nếu không có lợi nhuận, rất dễ xảy ra trường hợp chủ đầu tư “xù” cam kết và khách hàng phải gánh chịu thiệt hại. Thực tế, không ít trường hợp biến tướng, thu gom mua đất nông nghiệp để phân lô bán cho các nhà đầu tư, nhưng khi xin cấp phép hoạt động thì chính quyền lại không biết dựa vào đâu để cấp phép, dẫn đến tình trạng nhà đầu tư hoạt động không phép hoặc có phép thì trá hình dưới hình thức kinh doanh khác. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, cũng làm méo mó và khiến dư luận hiểu sai về farmstay.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho biết, hiện nay các mô hình căn hộ dịch vụ, condotel không còn hấp dẫn do chi phí đầu tư lớn cùng khả năng sinh lời thấp đã tạo cơ hội cho những mô hình mới như farmstay phát triển. Tuy nhiên, do là mô hình đầu tư mới nên còn nhiều điều chưa rõ ràng, đặc biệt là về pháp lý. Do đó, khách hàng khi tham gia farmstay cần tìm hiểu kỹ trước khi đầu tư.