Chỉ di dời được hơn 10%
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, sau gần hai năm triển khai, tính đến hết quý II/2023, thành phố mới chỉ di dời được 657 trên tổng số 6.500 căn nhà ven và trên kênh, rạch cần giải tỏa, đạt tiến độ hơn 10%. Dự kiến đến hết năm 2025 sẽ bồi thường, di dời được 4.250/6.500 căn, đạt tỷ lệ 65% chỉ tiêu đề ra. Như vậy, mục tiêu di dời 6.500 căn nhà đến năm 2025 theo kế hoạch ban đầu gần như không thể hoàn thành.
Đánh giá về quá trình di dời, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Bình An cho rằng, thành phố rất quan tâm vấn đề di dời nhà trên và ven kênh, rạch, có nhiều chương trình triển khai nhưng tiến độ rất chậm. Cụ thể, quá trình triển khai từ năm 2016 đến 2020 chỉ bồi thường và di dời được 2.479/20.000 căn theo kế hoạch, đạt tỷ lệ 12,4% so chỉ tiêu. Trong đó, chủ yếu tập trung ở các dự án sử dụng vốn ngân sách nhưng hầu hết dừng lại ở công tác chuẩn bị đầu tư từ vốn ngân sách, chưa gọi được dự án vốn ngoài ngân sách.
Đánh giá những khó khăn trong việc di dời nhà ven kênh, rạch, TS Dư Phước Tân, Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý đô thị thành phố cho hay, có những khó khăn trong khâu chuẩn bị phương án giải tỏa, tái định cư vì số liệu chưa đầy đủ, trình tự thẩm định, công bố giá nhà tái định cư chậm. Công tác cưỡng chế thu hồi sau khi giao nhà giải tỏa trên và ven kênh, rạch đôi lúc rất khó thực hiện.
Theo quy định mới đây, giá bồi thường phải tiếp cận giá thị trường. Tuy nhiên, trên thực tế rất khó xác định giá bồi thường sát với giá thị trường. “Trong quá trình triển khai trước đây, đơn cử như đường Bến Vân Đồn có khung giá bồi thường quy định do Nhà nước ban hành là 65 triệu đồng/m2, trong khi giá thị trường lên đến 100 triệu đồng/m2”, ông Tân dẫn chứng.
Một khó khăn nữa được ông Vương Quốc Trung, Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra đó là sự hợp tác của các hộ dân giải tỏa di dời của những hộ dân chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý nhà đất. Qua khảo sát cho thấy, phần lớn các hộ dân xây dựng, chuyển nhượng nhà, lấn chiếm bất hợp pháp trên và ven kênh, rạch nên thường không có hồ sơ pháp lý. Do đó, không được bồi thường theo chính sách của Nhà nước, mà chỉ được nhận một phần hỗ trợ của thành phố.
Ở góc nhìn khác, TS, Kiến trúc sư Nguyễn Thiểm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Thành phố Hồ Chí Minh nêu, trong di dời các hộ dân ven kênh, rạch cần phải có một cái nhìn tổng quan, trong đó, có đóng góp của doanh nghiệp. Hiện nay, thành phố chưa huy động được sức của doanh nghiệp vào việc cải tạo kênh, rạch, bởi nhiều quy định đang gây khó khăn, thậm chí Quyết định số 22 năm 2017 quy định về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, suối, kênh, rạch và hồ công cộng do UBND thành phố ban hành được xem là một bước lùi khi hạn chế khả năng khai thác mặt sông, khai thác cảnh quan trên sông. Rồi quy hoạch tổng thể của thành phố cũng khiến doanh nghiệp không dám mạnh dạn đầu tư dự án ven sông.
Cũng theo ý kiến của các chuyên gia nghiên cứu quy hoạch đô thị, việc sử dụng vốn đầu tư các dự án di dời nhà ven kênh chủ yếu bằng ngân sách nhà nước, nên gặp không ít khó khăn trong bối cảnh điều tiết ngân sách chung và hạn chế từ nguồn vốn vay ưu đãi. Mặt khác, khó khăn trong việc xác định khu vực tái định cư cho người dân, việc tìm kiếm vị trí thích hợp để di dời các hộ gia đình là một trong những thách thức lớn.
Không dễ để thực hiện (?)
Theo Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống kênh, rạch trong nội thành thành phố bao gồm 5 tuyến chính và các chi lưu, với tổng chiều dài hơn 105 km, giải quyết tiêu thoát nước lưu vực 14.200 ha. Tuy nhiên, lòng kênh bị thu hẹp do hộ dân lấn chiếm, với tổng căn hộ sinh sống trên và ven kênh, rạch lên đến hơn 65.000 căn (thống kê từ 1993 đến nay). Giai đoạn 1993 - 2000 đã di dời được 9.266/7.000 căn; 2001 - 2005 di dời được 15.548/10.000 căn; 2006 - 2010 di dời được 7.542/15.000 căn; 2011 - 2015 di dời được 3.350/14.101 căn; 2016 - 2020 di dời được 2.479/20.000 căn (đạt 12,4%).
Sau gần 10 năm triển khai chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2016 - 2020, vấn đề di dời nhà ven, trên kênh, rạch để tạo lập không gian đô thị sạch đẹp được UBND Thành phố Hồ Chí Minh chú trọng, nhưng tiến độ còn chậm.
Có hai khó khăn chính liên quan việc di dời nhà ven kênh, rạch, đó là nguồn vốn ngân sách và chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Về nguồn vốn ngân sách, mặc dù các dự án di dời nhà trên và ven kênh, rạch để thực hiện chỉnh trang đô thị, kết hợp giải quyết tiêu thoát nước để chống ngập được Sở Xây dựng đề xuất thuộc danh mục các dự án trọng điểm, cấp thiết phải đầu tư nhưng so với các dự án hạ tầng, công ích khác lại không được chọn là dự án cấp bách, ưu tiên hàng đầu. Thành phố đang hạn chế ưu tiên vốn cho các dự án không có mặt bằng sạch hoặc các dự án có nhiều vướng mắc trong công tác bồi thường, nên phần lớn các dự án chưa được bố trí vốn hoặc giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư.
Về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, phần lớn các dự án di dời đều có pháp lý nhà, đất phức tạp như nhà không có pháp lý về quyền sử dụng đất, nhà lấn chiếm, một phần trên đất, một phần trên kênh, rạch… dẫn đến việc hiệp thương, bồi thường chậm; nhiều trường hợp tiếp tục khiếu nại, chưa đồng ý nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án theo kế hoạch.
Đề xuất phương án tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, ông Vương Quốc Trung cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh có thể vận dụng cơ chế trong Nghị quyết số 98 để thực hiện một trong nhiều phương án nhằm triển khai hiệu quả việc di dời nhà trên và ven kênh, rạch. Cụ thể, HĐND thành phố có thể sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho những người dân. Bên cạnh đó, các quỹ đất sau khi thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng được bán đấu giá để hoàn trả ngân sách thành phố.
Cùng quan điểm, TS Dư Phước Tân cho rằng, hiện Thành phố Hồ Chí Minh đã có Nghị quyết số 98 về “Thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố”, trong đó có một số điều khoản có thể vận dụng tạo nguồn kinh phí đầu tư dự án giải tỏa, di dời nhà ở trên và ven kênh, rạch trên địa bàn thành phố. “Trong quy định về tài chính và ngân sách nhà nước, ngân sách thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí quy định. Đây là khoản có thể sử dụng đầu tư cho công tác giải tỏa, di dời, cải tạo nhà trên và ven kênh, rạch”, ông Tân gợi ý.
Về phía địa phương, Phó Chủ tịch UBND Quận 7 Lê Văn Thành đề xuất nên xây dựng quỹ nhà tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong dự án, và xây dựng chương trình, kế hoạch đáp ứng yêu cầu di dời của các hộ dân. Ngoài ra, cần chú trọng ổn định cuộc sống người dân, bảo đảm nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ. Mặt khác, cần nghiên cứu giải pháp bán nhà ở xã hội, cho thuê mua đối với các trường hợp chưa đủ điều kiện tái định cư, các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo trong dự án.
Trao đổi ý kiến với phóng viên, Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh Trần Hoàng Quân cho hay, Sở đã có nhiều kiến nghị đến Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND thành phố ưu tiên đưa các dự án cải tạo môi trường ven kênh, rạch cần di dời nhà nhưng chưa được bố trí vốn vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để không chỉ thực hiện được mục tiêu của kế hoạch chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2021 - 2025, mà còn thực hiện mục tiêu của kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải của thành phố giai đoạn 2020 - 2030.
Theo chỉ đạo của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi QH cho phép thành phố được sử dụng nguồn vốn dự kiến tăng thêm giai đoạn trung hạn 2021 - 2025, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố sẽ rà soát, cân đối nguồn vốn đề xuất bố trí kế hoạch vốn đầu tư công cho các dự án di dời nhà trên và ven kênh, rạch theo kiến nghị của Sở Xây dựng.
Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng kiến nghị thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường cùng Thường trực Ban Chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hướng dẫn UBND các quận, huyện triển khai thực hiện công tác di dời nhà ven và trên kênh, rạch.
Về các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách, thời gian qua, Sở Xây dựng đã thành lập các Tổ công tác liên ngành để xử lý toàn diện các công việc liên quan thủ tục thực hiện một số dự án cải tạo ba tuyến rạch trên địa bàn Quận 7 và dự án cải tạo Kênh Đôi (Quận 8). Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng đặt mục tiêu đưa các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách sớm được triển khai thực hiện thời gian tới.
Để đẩy nhanh tiến độ di dời nhà trên, ven kênh, rạch, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị thành phố nên chia nhỏ các dự án để dễ hoàn thành, thay vì đặt ra chỉ tiêu quá lớn.