Nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật

Cân nhắc để xử lý triệt để

Thời gian qua, tràn lan tình trạng nhiều clip quảng cáo các sản phẩm trên môi trường mạng xã hội có nội dung chưa đúng với tính năng và chất lượng. Ngay cả một số nghệ sĩ, người có tên tuổi trong xã hội chỉ vì lợi ích cũng tham gia hoạt động này mà không chú ý đến nguồn gốc, chất lượng sản phẩm khiến dư luận bức xúc lên án.
0:00 / 0:00
0:00
Cần kiểm soát chặt chẽ việc tham gia quảng cáo của các nghệ sĩ để bảo đảm đúng quy định pháp luật.
Cần kiểm soát chặt chẽ việc tham gia quảng cáo của các nghệ sĩ để bảo đảm đúng quy định pháp luật.

1/Trên thế giới, nhiều thương hiệu nổi tiếng đã thuê các nghệ sĩ tên tuổi quảng cáo cho sản phẩm của họ. Đây là một trong quá trình tất yếu của việc quảng bá và phân phối sản phẩm. Nói về điều này, nhà nghiên cứu văn hóa, TS Trần Đoàn Lâm cho rằng, về bản chất, quảng cáo là một trong những biện pháp cần thiết để lưu thông hàng hóa.

Giờ đây, khi công nghệ phát triển, hoạt động quảng cáo bùng nổ mạnh mẽ hơn nhờ sự hỗ trợ một cách tối ưu của các nền tảng mạng xã hội như YouTube, Facebook, Instagram, TikTok… Từ đó dẫn đến hệ lụy nhiều clip quảng cáo sai phép, nói vống tác dụng sản phẩm chủ yếu như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… xuất hiện tràn lan mà không quản lý được. Thậm chí, một số nghệ sĩ trong nước không biết do cố ý hay vô tình đã tiếp tay cho hoạt động vi phạm Luật Quảng cáo gây tác động xấu đến xã hội, làm ảnh hưởng hình ảnh chung của giới nghệ sĩ.

Độc giả Nguyễn Hải Huệ bình luận, việc đưa ra những lời quảng cáo sai sự thật là không đúng đắn và có thể gây hại đến sức khỏe cũng như tính mạng của người dân. Nghệ sĩ nên chịu trách nhiệm về hành động của mình, thành thật xin lỗi và sửa chữa những sai lầm đã gây ra. Theo TS Trần Đoàn Lâm, khi quảng cáo phải phù hợp ba tiêu chí: Tuân thủ Luật Quảng cáo; Đúng sản phẩm, thương hiệu; Đáp ứng đúng nhu cầu của người tiêu dùng. Tuân thủ ba tiêu chí đó thì sẽ không vi phạm quy định của Luật Quảng cáo. Nên việc nghệ sĩ, người có sức ảnh hưởng tới xã hội quảng cáo đúng tính chất của sản phẩm, phù hợp Luật Quảng cáo và đúng với nhu cầu của người tiêu dùng là rất quan trọng.

2/Mới đây, trong Tờ trình số 2767/BVHTTDL-VHCS của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) gửi Bộ Tư pháp về việc thẩm định đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo có đề xuất, hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng phải bảo đảm yêu cầu: Phải có văn bản thỏa thuận với tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo và phải được tổ chức, cá nhân đó đồng ý, xác nhận vào nội dung quảng cáo trước khi thực hiện; Đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên trang mạng xã hội khi có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm.

Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Văn hóa cơ sở cho biết, hồ sơ đề nghị sửa đổi một số điều của Luật Quảng cáo đã được Chính phủ thông qua và sẽ tiếp tục hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, sửa đổi. Tuy nhiên, trong Luật Quảng cáo cũ, đã có những cơ chế, chế tài quy định nhằm kiểm soát về mặt nội dung và hình thức, để quảng cáo đến người tiêu dùng bảo đảm được tính chính xác trung thực theo đúng chất lượng của sản phẩm đưa ra. Bên cạnh đó, cũng có quy định về quyền và trách nhiệm của các đối tượng tham gia quảng cáo.

Việc quản lý nghệ sĩ trong lĩnh vực quảng cáo cũng đã được quy định tại điều 9, khoản 4 về Bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật (Quyết định số 3196/QĐ-BVHTTDL, Bộ trưởng VHTT&DL ký ngày 13/12/2021). Trong đó, nội dung nêu rõ: “Nghệ sĩ tham gia hoạt động quảng cáo phải bảo đảm truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng về công dụng, tính năng của sản phẩm, hàng hóa đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là các sản phẩm trong lĩnh vực y tế, giáo dục và môi trường”.

3/Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Pháp chế (Bộ VHTT&DL) cho biết, những hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức, ứng xử được xác định trong Bộ Quy tắc ứng xử nhất là trong nội dung quy định về quảng cáo không trung thực, cung cấp sai thông tin tới công chúng mà ảnh hưởng lớn đến xã hội thì ngoài việc xử lý theo quy định pháp luật về quảng cáo, người nghệ sĩ sẽ bị Bộ VHTT &DL và Bộ Thông tin và Truyền thông đưa vào diện để xem xét, kiểm soát trong quy trình xử lý.

Nhìn sâu hơn, ngoài vấn đề pháp lý đây còn là câu chuyện về mặt đạo đức. Người nghệ sĩ sẽ phải trả giá nếu vì những lợi ích vật chất trước mắt mà đánh đổi danh tiếng, sự nghiệp của mình. Những thứ được tạo dựng sau cả hành trình dài nỗ lực lao động, sáng tạo thậm chí hy sinh vì nghệ thuật. Mong rằng, những nghệ sĩ chân chính sẽ ý thức được hành vi và sứ mệnh của mình khi thực hiện các hoạt động nhất là những hoạt động có liên quan như quảng cáo, phát ngôn trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội.

TS Trần Đoàn Lâm cho rằng, nên tiếp cận theo hướng vận động, tuyên truyền, giáo dục. Bên cạnh đó, cần áp dụng chế tài mạnh của Luật Quảng cáo đối với bên thuê quảng cáo chứ không nên nặng nề với các nghệ sĩ. Đó mới là bên chịu trách nhiệm chính, bởi đôi khi nghệ sĩ cũng là nạn nhân của việc quảng cáo sai sự thật, khi bị đối tác thuê quảng cáo lừa dối, nên cần cân nhắc khi đưa họ vào danh sách đen để xử lý mạnh tay.