Cách hay dạy trẻ học tiếng Nùng

Hồng Kỳ là xã miền núi của huyện Yên Thế (Bắc Giang), hơn 80% dân số là người dân tộc thiểu số và đông nhất là dân tộc Nùng. Ngày 1/10/2023, Trường mầm non Hồng Kỳ được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện thí điểm thực hiện Đề án: “Về việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non của huyện”.
Học hát tiếng Nùng.
Học hát tiếng Nùng.

1/Qua một năm học hơn 80 trẻ 5 tuổi được học tiếng dân tộc Nùng, đa số trẻ có thể nghe, nói được khoảng 30-40 tiếng dân tộc mình, chỉ tên sự vật, hiện tượng gần gũi chung quanh, trẻ có thể giao tiếp những câu đơn giản bằng tiếng dân tộc, hát một số câu trong một số bài hát bằng tiếng Nùng và có những hiểu biết cơ bản về văn hóa, truyền thống của người Nùng.

Nhà trường còn tăng cường kết hợp với phụ huynh học sinh là đồng bào Nùng, thành thạo ngôn ngữ của dân tộc mình để hỗ trợ giáo viên dạy nghe, nói tiếng dân tộc, đưa các bài hát then, múa dân tộc khác vào trong các sự kiện, lễ hội của nhà trường.

Trường đã mời bà Hà Thị Phay, năm nay đã ngoài 60 tuổi, là nguồn tư liệu sống về văn hóa người Nùng ở địa phương, thỉnh thoảng đến kể cho các cháu nghe những câu chuyện cổ tích, phong tục tập quán, hát những bài hát, múa về dân tộc Nùng. Bà đã đặt lời cho bài: “Hồng Kỳ quê Nọng” theo điệu hát then để dạy cho các cháu, cháu nào cũng thuộc, cũng thích hát. Vào giờ trải nghiệm hoạt động ngoài trời, ở một góc ngoài sân trường, các cô hướng dẫn học sinh xem những bức tranh vẽ trang phục dân tộc Nùng, hình ảnh núi đồi, dòng suối, mô hình nhà sàn, cọn nước, cối gạo... sinh động.

2/Cùng cô giáo Lê Thị Hoan, Hiệu trưởng nhà trường, chúng tôi tới thăm những lớp học tiếng Nùng. Các học sinh trai gái súng sính trong trang phục dân tộc. Ở góc các lớp được trang trí những bức tranh trang phục dân tộc, cái túi, chiếc giỏ đựng đồ của người Nùng. Hai cô giáo người Nùng Triệu Thị Thu Hương và Nông Thị Thiết được phân công trực tiếp dạy các con, cho biết: “Mỗi tuần tổ chức một hoạt động dạy, nghe tiếng Nùng vào buổi chiều. Đến giờ học tiếng Nùng, các con rất hào hứng trong các điệu múa, bài hát”. Các cô còn khuyến khích, động viên các con sưu tầm thêm đồ chơi, đồ dùng mang bản sắc văn hóa dân tộc Nùng mang tới lớp”.

Thăm Thư viện xanh của trường, chúng tôi thấy còn có sách, tranh, ảnh, tập san, truyện của đồng bào dân tộc thiểu số. Cô hướng dẫn các con xem tranh, đọc cho các con nghe những câu chuyện của các dân tộc anh em. Các con cùng nhau xem một bức tranh đẹp; ở một bàn, các bạn đang tranh nhau kể lại câu chuyện mà cô vừa đọc cho một bạn nghe vì mẹ bận nên đã đưa đến học muộn một chút.

Để các con nhớ được tiếng đã học, nhà trường đã tăng cường lồng ghép dạy trẻ tiếng dân tộc Nùng mọi lúc mọi nơi, kể cả qua giờ đón trả trẻ và hoạt động vui chơi, trải nghiệm. Trong nhiều hoạt động, trẻ đã tự tin giới thiệu về bản thân, về quê hương, trường lớp bằng hai thứ tiếng: Tiếng dân tộc Nùng và tiếng Việt một cách chủ động và hứng thú.

Được UBND tỉnh Bắc Giang tặng Bằng khen, năm học 2024-2025, trường tiếp tục triển khai đề án này tới 72 học sinh lớp 4 tuổi và số trẻ lớp 5 tuổi là 94 con được học tiếng Nùng. Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Thế cho biết: “Năm học 2024-2025, ngành giáo dục đã triền khai đề án này 19/19 trường mầm non trong toàn huyện. Trường nào ở vùng dân tộc thiểu số sẽ giáo dục song ngữ Tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ. Còn những trường khác thì lồng ghép nội dung vào tuyên truyền, trang trí cảnh quan môi trường sư phạm”.

“Lặng say từ Yên Thế, Bắc Giang. Là mà thâng Hồng Kỳ quê nọong. Lai tiểng nộc vui roọng pàn đông. Cần cần sày hắt công hợp tác...”. Rời Trường mầm non Hồng Kỳ, chúng tôi mang theo những câu hát trích trong bài: “Hồng Kỳ quê Nọng”. Mai sau lớn lên đi đâu, các em học sinh cũng không quên tiếng nói, tiếng hát, không quên dân tộc mình, không quên nguồn nước suối trong lành đã nuôi mình khôn lớn.

Có những giờ học có sự tham gia của các bậc phụ huynh là người dân tộc Nùng với lời ca tiếng hát, nét văn hoá dân tộc đến với học sinh. Nhà trường còn mời giáo viên trong trường, trong huyện tới dự và rút kinh nghiệm.