Bơi theo những con sóng mầu

Tôi cứ ấn tượng mãi với câu nói của Hồ Hoài Linh, với nghệ danh là Rin Art, rằng với anh, “vẽ như một thói quen. Không vì ai, không vì mình. Chỉ muốn gửi gắm năng lượng trong mình, truyền tải sang người nhìn”. Năng lượng mà Rin Art nói đến ở đây là thứ tôi có thể cảm nhận rõ qua từng nhát bay, nét cọ đầy mạnh mẽ, phóng khoáng trong mỗi bức tranh của chàng trai người Đà Nẵng. Đó giống như những con sóng mà anh đã đối mặt khi bơi ngoài biển và lan tỏa một tâm trạng tích cực tới mọi người, ở bất kỳ đâu có sự hiện diện của các tác phẩm mà anh đã sáng tác hơn 10 năm qua.
0:00 / 0:00
0:00
Họa sĩ Rin Art bên một bức tranh đang hoàn thiện.
Họa sĩ Rin Art bên một bức tranh đang hoàn thiện.

Đam mê với con sóng

Tôi đã thử đứng ở bãi biển Mỹ Khê, quận Sơn Trà và nhìn ra xa phía tàu dầu đang neo đậu rồi tự hỏi, làm sao Rin Art và các thành viên trong Câu lạc bộ bơi lội Đà Nẵng (Da Nang Ocean Man) có thể bơi được đến đấy vào mỗi cuối tuần. Khoảng cách như Rin Art chia sẻ là hơn 1 km nhưng vấn đề là họ không chỉ bơi có vậy mà có thể là 3 km, 5 km, 10 km hay thậm chí xa hơn thế. Và bơi biển thì không như bơi ở hồ hay sông, nếu không muốn nói ra biển là nỗi sợ mà nhiều người đã không kiểm soát được và vượt qua.

Đấy là lý do để chàng trai sinh năm 1990 tâm sự, trước khi tự học bơi và trở thành một vận động viên bơi phong trào, anh phải yêu biển trước tiên. Nếu không yêu biển, anh sẽ run sợ trước những con sóng lớn, sợ nhìn xuống đáy biển sâu thăm thẳm. Thay vào đó, anh thích thú khi được hòa mình vào dòng nước ấm áp của bờ biển Mỹ Khê hay vẫy vùng ở Hòn Sụp, phía nam bán đảo Sơn Trà. Anh xem việc bơi lội thường xuyên như để thỏa mãn niềm yêu thích biển. Rồi anh đặt mục tiêu bơi dài và tham gia các giải phong trào.

Chỉ hơn 3 năm, hoặc lâu hơn thế, đến với môn thể thao bơi ngoài tự nhiên, Rin Art từng bước cải thiện thành tích và kỹ thuật bơi của mình. Không nói về thứ hạng ở các giải bơi phong trào tại Đà Nẵng, anh đã có thể bơi chặng dài nhất gần 20 km. Thường thì Rin Art vẫn đặt mục tiêu năm nay bơi dài hơn năm trước hay bơi 10 km dưới 3 giờ nhưng điều quan trọng là anh luôn tìm thấy niềm vui ở biển cả. Làm cho mình vui trước thì việc chinh phục những mục tiêu đặt ra không gì là không thể, như Rin Art khẳng định.

Thực tế, dù Rin Art khẳng định bơi biển thuộc về bản năng nhiều hơn, nghĩa là người bơi phải có độ lỳ, sự nhạy bén để tồn tại dưới biển, giữa một không gian mênh mông nước từ ba đến năm giờ đồng hồ trong những chặng 5 km, 10 km, 20 km hoặc hơn nữa, những người như anh ngoài khả năng chịu mặn, chịu lạnh, họ phải có kiến thức về dinh dưỡng, sự hiểu biết nhất định về địa điểm bơi để tránh bị bất ngờ. Rồi các yếu tố như nắng, gió, nhiệt độ, dòng chảy… để bảo đảm rằng, họ nên có đồng đội đi cùng hỗ trợ hay không bơi vào những ngày biển động. Và họ cũng phải quan sát, tìm hiểu nơi mình bơi vào mỗi thời điểm xem có an toàn hay không và hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất.

Cho đến giờ, quyết định ở lại Đà Nẵng, lập gia đình và cũng để hai cậu con trai, 12 tuổi và 10 tuổi, tự cảm nhận nước, hội họa, tự vui, tự chinh phục, tại nơi chúng sinh ra, cho Rin Art thấy anh đã hành động đúng. Bởi điều này giúp anh phát huy sở trường trong vẽ chân dung mà anh theo đuổi từ năm 2013.

Những đôi mắt biết nói

Rin Art tâm sự, anh từng học chuyên ngành kiến trúc tại Trường đại học Duy Tân (Đà Nẵng) nhưng cuối năm 2013, khi học đến năm thứ 5 thì anh nhận thấy là mình không phù hợp ngành này nên quyết định dừng việc học. Thực ra, kiến trúc không phải là chuyên ngành mà mẹ anh ủng hộ. Bà là một dược sĩ nên bà rất muốn con trai theo công việc của bà hoặc làm một việc gì đó cụ thể, rõ ràng, chứ không mơ hồ, ngẫu hứng. Cũng vì thế cho đến giờ, dù đã trở nên nổi tiếng, có tranh được trưng bày và sưu tập ở hơn 40 quốc gia trên thế giới, Rin Art trong con mắt của mẹ vẫn chưa thật sự hoàn hảo và làm bà hài lòng.

Bù lại, ở Rin Art không chỉ có niềm đam mê, quyết tâm với những lĩnh vực mà anh theo đuổi mà bên cạnh anh còn có sự ủng hộ của những người hiểu được anh. Đó có thể là người vợ biết lo lắng, chia sẻ công việc của anh, đến mức cô sẵn sàng thức khuya cùng anh đến một, hai giờ sáng khi anh sáng tác, hay một người đỡ đầu cho các tác phẩm của anh trong giai đoạn đầu sự nghiệp. Mặc dù vậy, do không được đào tạo qua trường lớp về hội họa nên Rin Art học rất nhiều. Anh tâm sự, anh không sinh ra để vẽ, càng không phải để bơi nên ngày nào anh cũng phải luyện tập. Điều may mắn là từ lần đầu tiên cầm cọ, anh ngay lập tức đã có cảm xúc riêng với các bức chân dung, như thể anh đã trải qua rất nhiều lần trước đó. Qua cách sử dụng mảng khối, hòa sắc, nét bay mạnh mẽ, anh dễ dàng có được cảm nhận từ sâu bên trong và không hề có sự sắp xếp nào. Và điều anh chú ý nhất khi vẽ một bức chân dung không chỉ là cảm xúc mà còn là thời gian, là bối cảnh, là câu chuyện và nội tâm sâu bên trong mỗi nhân vật. Tất cả đã giải thích tại sao trong các bức chân dung của Rin Art, nhất là những em bé người dân tộc thiểu số và người già vùng cao, vùng xa, tôi luôn ấn tượng ở đôi mắt và sự kết hợp của mầu sắc.

Rin Art có khả năng vẽ mắt như thể anh đọc được, nghe được, yêu được, tả được hay đúng hơn là khả năng kết nối với nhân vật. Vì thế, những gương mặt nhân vật dù quen thuộc hay xa lạ với nhiều người xem thì trên tranh của Rin Art, ở họ luôn có gì đó rất lôi cuốn, lắng đọng và gần gũi. Đó là lý do giải thích tại sao tranh của anh được nhiều nhà sưu tập nước ngoài săn đón hay tháng 7/2021, trang facebook Van Gogh Museum tại Amsterdam, Hà Lan thậm chí đã chia sẻ hình ảnh bức tranh chân dung Van Gogh khổ 1,4x1,9 m của Rin Art cho bạn bè yêu hội họa và yêu Van Gogh trên thế giới. Hiển nhiên thì chàng trai người Đà Nẵng rất vui và rất tự hào khi hai chữ “Việt Nam” được nhắc đến.

Điều đáng nói là từ những bức ảnh đen trắng của nhân vật, anh sáng tạo mầu sắc theo ý mình. Và anh vẽ rất nhanh. Cứ nghĩ những tác phẩm có khổ lớn 1,4x1,9 m, Rin Art sẽ mất hằng tuần hay hằng tháng để hoàn thành thì trái lại, anh vẽ nhanh và thoải mái, thậm chí chỉ mất từ bốn đến sáu giờ. Như chàng trai 34 tuổi chia sẻ, giai đoạn dịch Covid-19 là thời gian anh bùng nổ nhất, có thể mỗi đêm anh vẽ được một bức tranh. Tuy nhiên, anh cũng nhận ra rằng, làm việc như vậy khiến anh mệt mỏi, mất sức. Vì thế, như trong bơi biển, Rin Art dần dần học cách cân đối giữa thể thao và hội họa, rằng anh không thể bơi quá nhiều để không vẽ được và ngược lại, anh không thể vẽ liên tục mà không bơi. Tất cả luôn có sự cân bằng, được kiểm soát và được duy trì đều đặn.

Tôi đã hỏi Rin Art liệu anh có thích trở thành những vận động viên bơi truyền cảm hứng cho cộng đồng như Khánh Barbarian, Hán Quang Thoại hay là một họa sĩ nổi danh như Van Gogh mà anh ngưỡng mộ, chàng trai người Đà Nẵng trả lời rằng, anh không mong gì hơn một cuộc đời có thể cho anh cơ hội sáng được bơi biển, chiều được vẽ tranh. Bơi giúp anh có cảm hứng cầm bay, cầm cọ và ngược lại, công việc sáng tác khiến anh cảm thấy thêm yêu biển, thêm yêu thiên nhiên đất nước. Ít nhất thì cho đến giờ, hai điều đó đang mang lại sự cân bằng, sự hòa hợp trong cuộc sống của một họa sĩ, một người đam mê thể thao như anh ở thành phố biển này.

Ngoài những bức tranh chân dung của các danh họa như Van Gogh, Leonardo da Vinci, Claude Monet, Salvador Dali, Pablo Picasso, Juan Ripolles, Chuck Close, Kim Jung Gi, Jean Michel Basquiat, Rin Art còn vẽ những chân dung của các ngôi sao thể thao như Diego Maradona, Rafael Nadal, Roger Federer, Patrick Lange, Eliud Kipchoge, Adam Peaty, Neil Agius; các chính trị gia như Abraham Lincoln, Nelson Mandela, Donald Trump, Nữ hoàng Anh Elizabeth II, Angela Merkel; các diễn viên điện ảnh như Robert De Niro, Charlie Chaplin, Leonardo Di Caprio hay nhà khoa học Albert Einstein…