1/Ngày ấy, cùng hàng vạn thanh niên miền bắc, chúng tôi, những sinh viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội tạm gác bút nghiên lên đường ra mặt trận. Cùng với các đơn vị khác, Trung đoàn 95 thuộc Sư đoàn 325 của chúng tôi được phân công chốt giữ thành cổ Quảng Trị. Thành cổ và sông Thạch Hãn gắn liền với nhau trong kháng chiến, nhất là từ tháng 6 đến tháng 8/1972. Nếu không có dòng sông ấy, tôi và nhiều đồng đội đã hy sinh...
Vừa từ ngoài bắc hành quân vào Quảng Trị bằng xe tải, chúng tôi bất thình lình bị “đánh úp” bởi một loạt bom ngạt của địch. Vì không được trang bị phòng độc, lại chưa huấn luyện kỹ tình huống tương tự từ trước nên chúng tôi lúng túng, khó thở, một số chiến sĩ gục xuống vì ngạt và cũng vì mệt mỏi sau nhiều ngày hành quân. May sao, từ phía sau có tiếng hô: “chạy ra bờ sông”, chúng tôi dìu nhau tiến về phía đó, ngụp lặn và thoát chết.
2/Có con sông Thạch Hãn thì bộ đội mới có nước để uống, mà chủ yếu là uống nước lã vì không có khái niệm đun nấu trong thành cổ những ngày chốt giữ. Những ngày đó, bộ đội chủ yếu ăn lương khô, nhưng lương khô lại mau khát nước. Thỉnh thoảng chúng tôi vớt được những hộp mì ăn liền, gạo ăn liền, đổ nước sông vào túi mì, túi gạo là ăn được. Thủ trưởng đơn vị cho biết, đó là mì, gạo của nước ngoài viện trợ, được thả trôi sông từ thượng nguồn để bộ đội ở hạ nguồn vớt lên sử dụng. Trước và sau 81 ngày đêm năm 1972, dòng Thạch Hãn hiền hòa với nước sông trong veo, chúng tôi thường bơi lội, ngụp lặn, mò cua, bắt ốc dưới đó. Thế nhưng cũng dòng sông ấy, nhất là đoạn chảy qua thành cổ, lại trở nên khốc liệt trong suốt 81 ngày đêm.
Dòng sông “dậy sóng” là bởi mọi sự vận chuyển người và hàng hóa thời gian này không có con đường nào khác ngoài bơi, lội trên sông và chủ yếu là vào ban đêm, do cầu đường bộ bắc qua sông Thạch Hãn đã bị phá hủy. Hằng đêm, pháo sáng xé toạc màn đêm mù mịt. Dưới làn pháo của địch, từng đoàn người gùi ba-lô vũ khí và nhiều nhất, nặng nhất là đạn B40, B41. Trên đầu bộ đội của ta là bom từ B52 dội xuống, đạn pháo các loại từ biển Cửa Việt bắn vào. Máu của nhiều chiến sĩ đã đổ, hòa vào các cột nước trắng đục cả một vùng sông nước. Bom đạn của giặc Mỹ liên tục trút xuống đoạn sông này còn do một phần lớn các kho chứa vũ khí, quân trang quân dụng, trạm phẫu dã chiến, hầm trú ẩn của bộ đội ta trong thành cổ, nằm ngay ven sông. Trong đó “căn cứ” được coi là kiên cố nhất thuộc về hầm ngầm xuyên từ dinh tỉnh trưởng ra bờ sông. Có thời điểm nơi này chứa vài chục con người về nghỉ lấy sức trước và sau khi đánh trận hoặc giữ chốt. Chúng tôi thường nửa đùa, nửa thật bảo nhau: “ai mất dép, thậm chí mất cả súng cứ đến cửa hầm tỉnh trưởng mà lấy”, bởi vì những người chui vào trong đó là ngủ như chết, sau quãng thời gian dài mất ngủ triền miên.
3/Bến sông trước dinh tỉnh trưởng ngụy quyền cũ cũng là nơi xuất phát của rất nhiều “chuyến đi” sinh tử mà tôi là một nhân chứng. Trong 81 ngày đêm ác liệt ở thành cổ, đã hàng trăm chuyến đi như thế, trong đó có những chuyến đi trót lọt. Ca-nô chở thương binh nặng về tuyến sau buộc phải theo con đường độc đạo, đó là men theo bờ nam sông Thạch Hãn qua xã Triệu Độ của huyện Triệu Phong về xuôi và điểm cuối là thị xã Đông Hà hồi đó. Ca-nô thường xuyên xuất phát từ bến sông trong khoảng thời gian từ 24 giờ đến 1 giờ sáng để tránh tổ phục kích của địch đóng ở đó.
Tôi tuy bị mảnh cối M79 bắn thủng mắt cá chân trái nhưng vẫn tỉnh táo nên được giao nhiệm vụ nếu ca-nô đi qua trạm gác của địch mà có ai rên rỉ vì đau đớn thì ngay lập tức phải bịt miệng lại. Khi đến gần khu vực nguy hiểm đó, ca-nô tắt máy, người lái ca-nô chèo nhẹ còn chúng tôi nín thở, sẵn sàng đón nhận cái chết nếu không may bị phát hiện. Lần đó, 11 người trong chuyến đi này thoát nhưng rất tiếc có bốn đồng chí đã hy sinh khi vừa về đến trạm phẫu ở Cam Lộ vì vết thương quá nặng và hai người khác hy sinh trên đường trở ra bắc bằng xe tải, bị trúng bom B52 của Mỹ.
Bên dòng Thạch Hãn, tình cờ tôi gặp em trai mình trong lần đại đội của em được tăng cường vào. Cuộc gặp ngắn ngủi nên hai anh em không chia sẻ được nhiều, chỉ biết động viên nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Là anh cả và con thứ hai trong gia đình nên tôi và chú em (Đoàn Hữu Khiết) đã hứa với nhau ít nhất phải có một đứa trở về. Sau này em tôi bị thương và chuyển ra điều trị ngoài bắc. Năm 1979, em tôi tái ngũ và hy sinh tại chiến trường Campuchia.
Cùng với thành cổ Quảng Trị, sông Thạch Hãn, con sông ghi dấu chiến công của biết bao đoàn quân kiên cường giữ chốt trong 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa, trong đó có chúng tôi, những người “lính sinh viên”. Tới tận bây giờ, những người còn lại vẫn còn nhắc nhớ.
Vào mùa nước lũ, thường vào tháng 7, tháng 8, con sông Thạch Hãn trở nên dữ tợn. Dòng sông khi ấy rộng ra, giữa sông nước chảy xiết, sẵn sàng cuốn phăng, nhấn chìm tất cả. Đoàn người vượt sông không chỉ đội bom đạn của giặc mà còn phải vật lộn với dòng nước xoáy. Một vài chiến sĩ không biết bơi phải mang theo túi nylon rất to chứa ba-lô, súng đạn hoặc máy thông tin. Nhiều người đã bị nước cuốn trôi… nằm lại đáy sông này.