Nguy cơ từ lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi

Tình trạng người dân tùy tiện mua thuốc kháng sinh y tế để sử dụng cho động vật nuôi là một trong số các nguyên nhân làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh.

Đến năm 2020, Việt Nam sẽ dừng hẳn việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi.
Đến năm 2020, Việt Nam sẽ dừng hẳn việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi.

Dùng “thần dược” chống lại chính mình

Tại Hội nghị đánh giá 5 năm thực hiện “Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc 2013 - 2020” do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức mới đây, lãnh đạo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) cho rằng, hiện nay việc lạm dụng kháng sinh cho người để sử dụng trong vật nuôi, nuôi trồng thủy hải sản đang rất phổ biến. Người dân cho rằng sử dụng kháng sinh y tế chữa bệnh cho động vật nuôi sẽ hiệu quả hơn. Đặc biệt, người dân dễ dàng ra hiệu thuốc hỏi mua, thậm chí tự ý phối hợp các loại kháng sinh một cách dễ dàng. Điều này làm tình trạng dư lượng kháng sinh trong thực phẩm từ động vật nuôi, thủy hải sản gia tăng, là một nguyên nhân gây ra tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở người khi sử dụng nguồn thực phẩm này.

Theo khảo sát mới đây của Cục Thú y tại 208 trang trại chăn nuôi gia cầm ở tỉnh Tiền Giang, lượng kháng sinh sử dụng trên đầu gia cầm cao gấp sáu lần so ở một số nước châu Âu. Trong đó, 84% kháng sinh được sử dụng với mục đích phòng bệnh và ở mỗi chu kỳ chăn nuôi, 72% số trang trại đều sử dụng ít nhất một loại kháng sinh để phòng, trị bệnh hoặc kích thích tăng trưởng. Đối với chăn nuôi lợn, hàm lượng kháng sinh lên tới 286,6mg/kg lợn hơi.

Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Thú y chia sẻ, đến nay đã có quá nhiều hóa dược, thuốc, thực phẩm chức năng phòng, dự phòng bệnh trong chăn nuôi. Nguy cơ lớn hiện hữu đã được nhìn nhận từ khoảng 10 năm nay là kháng kháng sinh do lạm dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi. “Do không kiểm soát được liều lượng hoặc vì lợi nhuận kinh doanh, con người đã biến các “thần dược” thành công cụ luyện tập cho vi sinh vật chống lại chính mình. Trong khi đó, khoa học đã chứng minh chúng ta hoàn toàn có thể nuôi gia súc, gia cầm không cần thêm kháng sinh vào thức ăn”, ông Thành khẳng định.

Nâng cao nhận thức của người dân

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, kháng thuốc kháng sinh đang là một vấn đề nhức nhối trên thế giới. Ước tính, số người tử vong do kháng kháng sinh có thể lên tới 10 triệu người vào năm 2050. Nguyên nhân của tình trạng này là do việc kê đơn, cấp phát kháng sinh không hợp lý; sử dụng kháng sinh không theo kê đơn; xử lý chất thải chưa thích hợp và đặc biệt là sử dụng kháng sinh quá mức cần thiết hoặc không đúng cách trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Từ đó dẫn đến kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở y tế và nông trại còn yếu kém, khó kiểm soát vi khuẩn kháng thuốc.

Trong 5 năm thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc 2013 - 2020 đã dần nâng cao được nhận thức cộng đồng về kháng thuốc; tăng cường hệ thống giám sát quốc gia về sử dụng kháng sinh; bảo đảm cung ứng các thuốc có chất lượng đáp ứng nhu cầu sức khỏe; sử dụng thuốc hợp lý; kiểm soát nhiễm khuẩn và sử dụng kháng sinh an toàn trong trồng trọt và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. Tuy nhiên, việc thay đổi thói quen sử dụng kháng sinh của người dân chưa thể dễ dàng trong “một sớm, một chiều”, năng lực của hệ thống xét nghiệm vi sinh, giám sát tình trạng kháng kháng sinh vẫn còn nhiều hạn chế…

Để khắc phục tình trạng kháng kháng sinh, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến chỉ ra, điều quan trọng nhất cần làm trước mắt là nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng thuốc hiệu quả cho chính bản thân và cộng đồng, về việc cần thiết phải mua thuốc theo đơn và có chỉ dẫn của bác sĩ, nhận thức về thuốc kháng sinh và kháng kháng sinh nguy hiểm với cộng đồng như thế nào. Đồng thời, nêu cao trách nhiệm của những người được quyền sử dụng thuốc bao gồm bác sĩ, dược sĩ để kiểm soát chặt vấn đề kê đơn, bán thuốc. Cuối cùng là nâng cao chất lượng của trung tâm chống nhiễm khuẩn tại các bệnh viện để bảo đảm môi trường an toàn cho bệnh nhân tới điều trị.

Bên cạnh đó, thời gian qua, một số lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục bị các thị trường cảnh báo về hàm lượng tồn dư kháng sinh, hóa chất cấm. Còn đối với chăn nuôi, sản phẩm thịt lợn, gia cầm xuất khẩu sang các nước vẫn còn khá hạn chế, một phần do chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Điều này đặt ra yêu cầu đối với ngành chăn nuôi và nuôi trồng thủy hải sản là phải nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó có việc quản lý chặt tình trạng sử dụng chất cấm, kháng sinh trong quá trình sản xuất.

Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, với số lượng lớn thịt lợn và thịt gia cầm tiêu dùng trong nước hằng ngày, việc tồn dư kháng sinh có thể là rủi ro lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Điều này cũng có thể gây ra những bệnh mới nổi lây truyền sang người hoặc những bệnh mới nổi lây truyền qua thực phẩm. Do đó, từ đầu năm 2018, Việt Nam đã dừng sử dụng các loại kháng sinh cho mục đích sinh trưởng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và chỉ cho phép sử dụng trong sản xuất con giống. Đặc biệt, lộ trình đến năm 2020, Việt Nam sẽ dừng hẳn việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy hải sản.