Bài học quý từ chiếc cối xay tiêu

Trễ chuyến phà sớm trên bến Ô Môi, mẹ tôi sốt ruột chờ. Nắng khỏi đọt tầm vông thì chúng tôi cũng vừa tới nơi. Khu Lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng hiện ra uy nghi mà bình dị bên dòng sông Hậu hiền hòa. Tại nơi đây, mẹ rưng rưng khi nghe thuyết minh viên kể về những kỷ vật vô giá, thiêng liêng của Bác Tôn. Mẹ nhắc hoài về kỷ vật chiếc cối xay tiêu - kỷ vật đời thường của một cuộc đời cao cả.

Chiếc cối xay tiêu của Bác Tôn mua tặng cho người vợ thân yêu khi Bác đi công tác ở Liên Xô.
Chiếc cối xay tiêu của Bác Tôn mua tặng cho người vợ thân yêu khi Bác đi công tác ở Liên Xô.

Bác Tôn - người con ưu tú của An Giang, không những là nhà cách mạng đầy chí khí mà còn là tấm gương nổi tiếng về sự trong sạch và giản dị. Câu chuyện về chiếc cối xay tiêu mà Bác Tôn dành tặng vợ đã phần nào khắc họa rõ nét chân dung của một nhà lãnh đạo bình dị, cao cả, yêu thương vợ con, gia đình tha thiết. 

Vào năm 1956, đất nước Liên Xô (trước đây) trao tặng Bác Tôn giải thưởng hòa bình quốc tế Lênin. Giải thưởng đi kèm là 100 nghìn rúp. Bác Tôn đã trao lại số tiền này cho Ủy ban Thiếu niên, nhi đồng Hà Nội. Trong thời gian đoàn ở Liên Xô, mỗi thành viên trong đoàn được phía Liên Xô tặng 1.000 rúp để tiêu và mua quà về cho gia đình. Bác Tôn đến ngày về vẫn chưa mua gì. Bác sĩ riêng của Bác Tôn có nhã ý mua giúp. Bác Tôn suy nghĩ hồi lâu rồi nói rằng, mình thích nhất là cá kho tộ bỏ nhiều tiêu - một món ăn dân dã đượm tình quê mà dẫu làm gì, đi đâu vẫn không quên. Nhớ món ngon quê nhà, Bác Tôn cũng chạnh lòng nhớ đến hình ảnh người vợ tảo tần chiều nào cũng đem tiêu hột ra đâm trong chén nên văng tứ tung ra ngoài; vì mắt kém nên mỗi lần như vậy bác ấy phải lọ mọ lượm lại từng hột tiêu. 

Thế là chiếc cối xay tiêu đã trở thành kỷ vật của ngày hôm nay trong hoàn cảnh ấm áp nghĩa tình như thế. 

Nghe đến đấy, chợt mẹ tôi cất tiếng hỏi lại thuyết minh viên: “Thế cái cối xay tiêu hồi ấy được bán với giá bao nhiêu?”. Để rồi mẹ cứ lẩm nhẩm mỗi câu “Cối xay tiêu bảy rúp, số tiền còn lại, Bác Tôn đã giao trả lại tất cả cho phía nước bạn”. Là mẹ đang cố gắng học bài cho thuộc, mẹ bảo: “Phải ráng nhớ từng chi tiết nhỏ về chiếc cối xay thắm tình keo sơn để về kể lại cho hàng xóm và gia đình nghe”. Bởi từ trước đến giờ mẹ chỉ lẩn quẩn từ nhà ra đồng, nên chuyến viếng thăm lần này với mẹ là ý nghĩa, là khắc sâu và đáng quý biết bao. Mẹ còn đứng thật lâu bên chiếc cối xay tiêu, trong khi cô thuyết minh đã giới thiệu tiếp về những kỷ vật khác. 

Như chừng hiểu ý, cô thuyết minh quay lại và tiếp tục kể cho chúng tôi nghe về mối tình cao đẹp từ chuyện đền ơn, trả nghĩa của Bác Tôn và vợ. Trong thời son trẻ, hai bác gắn bó và kề cận nhau chỉ có thể tính bằng giờ, phút hiếm hoi. Cả cuộc đời mình, Bác Tôn đã hoạt động ở những nơi, những thời điểm đầy gian lao và thử thách, trong đó có rất nhiều lần nằm trong lao tù của kẻ thù. Khi Bác Tôn bị bắt đi tù Côn Ðảo, nghĩ rằng trong lao tù có thể hy sinh, Bác Tôn đã viết thư cho vợ để khuyên vợ đi lấy chồng khác. Vợ Bác Tôn đã viết thư trả lời: “Tôi đã đi lấy chồng, chồng tôi tên là Hai Thắng ở Cù lao Ông Hổ”. 

Hôm ấy là một ngày rất đặc biệt. Lần đầu trong đời tôi chở mẹ đi tham quan, du lịch đúng nghĩa. Ra về rồi mà lòng mẹ còn như nắm níu, mẹ bảo có dịp sẽ cùng cha tôi trở lại thăm xứ cù lao quê Bác Tôn lần nữa.